Thôi nhé, 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi'…

Kết thúc đêm chung kết Giọng hát Việt nhí với sự đăng quang của bé Thiện Nhân tiếp nối sự thăng hoa của cô bé Phương Mỹ Chi mùa trước, dù không đình đám bằng. Tuy nhiên qua hai mùa Giọng hát Việt nhí, điều đọng lại với bà chủ không phải là ai đăng quang, ai nổi trội hơn ai, mà là chuyện khác…

Vừa bấm tôi đau điếng để tắt chiếc ti vi, bà chủ nhà chép miệng: Thế là xong một chương trình thi ca hát dành cho các nhí, nhưng tôi băn khoăn mãi, sao mùa này chẳng thấy báo nào đề cập đến chuyện trẻ con hát nhạc người lớn, thí sinh Việt hát tràn lan nhạc ngoại quốc?

“Giọng hát Việt nhí” mùa này có khoảng 40 bài là nhạc ngoại và có hơn 50 bài là không đúng với lứa tuổi.
“Giọng hát Việt nhí” mùa này có khoảng 40 bài là nhạc ngoại và có hơn 50 bài là không đúng với lứa tuổi.

Nhưng nói vậy thì bà chủ cũng chưa bằng tôi - chiếc remote này còn chứng kiến các buổi thi của Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng kha khá động tác gợi cảm không phù hợp với thiếu nhi. Hay chương trình Gương mặt thân quen nhí đang lên sóng, ở đó thiếu nhi hóa thân thành người lớn, và hát nhạc người lớn cho khán giả… người lớn nghe.

Nhớ lại từ lúc Giọng hát Việt nhí phát vài tập đầu tiên, công luận báo chí ì xèo chuyện thiếu nhi hát nhạc người lớn. Có cả ý kiến của giáo sư âm nhạc, nhà tâm lý học… phân tích thiệt hơn về việc này. Nhưng nói chung là… chống đối, vì cho rằng nó không phù hợp với sự phát triển tâm hồn, hình thành nhân cách của thiếu nhi. Tuy nhiên, mọi người quan ngại thì cứ quan ngại, nhà sản xuất thì cứ sản xuất chương trình và người lớn thì cứ ào ào mở ti vi để xem “tụi nhỏ” biểu diễn.

Ông chủ góp giọng: Giá mà nhà sản xuất làm kiểu như “dán nhãn phim truyền hình” ở nước ngoài nhỉ? Đại khái công bố “chương trình dành cho khán giả từ 18 tuổi trở lên” và “các bé thiếu nhi tham gia biểu diễn với sự tự nguyện của phụ huynh”… thì đỡ tốn giấy mực cho cánh nhà báo.

Ở mùa thứ hai này của Giọng hát Việt nhí, theo thống kê của phóng viên TT&VH thì: “Trong tổng số khoảng hơn 130 bài mà các thí sinh thể hiện tại “Giọng hát Việt nhí” mùa này thì có khoảng 40 bài là nhạc ngoại và có hơn 50 bài là không đúng với lứa tuổi của những thí sinh từ 9 đến 15. Con số này còn cao hơn mùa đầu, khi năm ngoái, nhạc ngoại chiếm khoảng 50 bài, còn nhạc người lớn chỉ hơn 40 bài”.

Cái anh phóng viên này quá kỹ, chắc anh cũng lo lắng cho thế hệ trẻ lắm. Nhưng anh ơi, anh thống kê cũng bằng thừa! Bởi chuyện này nhà sản xuất dư sức biết, đài truyền hình dư sức biết, các phụ huynh cũng biết nốt… Họ “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Giờ đây tôi mới tâm đắc câu “Im lặng là vàng”. Đúng như thế thật, các nhà sản xuất, phụ huynh (có con em hát nhạc người lớn) cứ im lặng và hành động. Báo chí nói mãi rồi họ cũng chán, không nói nữa. Chỉ có điều, nếu chúng ta tin các vị giáo sư, tin các chuyên gia tâm lý học… và điều họ cảnh báo là sự thật thì sự im lặng này sẽ phải trả giá bằng một thế hệ mầm non của đất nước.

Theo Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast