NATO liệu có còn Mỹ?

Giới phân tích thời sự quốc tế cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đưa ra nhiều dấu hiệu về khả năng rút Mỹ ra khỏi NATO như ông đã từng làm với các hiệp định quốc tế khác kể từ khi bước chân vào Nhà Trắng.

Được biết, Tổng thống Donald Trump đã không coi trọng NATO và Liên minh châu Âu. Người ta lo ngại rằng sắp tới ông Donald Trump sẽ công bố điều không thể tưởng tượng được: sau khi rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu Paris, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại xuyên Đại Tây Dương và Quan hệ đối tác đầu tư (TTIP), bây giờ ông ta có thể quyết định rút Mỹ khỏi NATO.

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên Donald Trump cho biết ông sẽ gắn các điều kiện hợp tác quân sự với những đóng góp tài chính của các đối tác trong NATO. Ông không thể chấp nhận được rằng hầu hết các nước trong NATO không thực hiện nghĩa vụ tài chính của họ và theo ông, tổ chức này đã "lỗi thời".

NATO liệu có còn Mỹ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton tại Moskva, ngày 27-6.

Lập luận của ông Donald Trump dường như đã phát huy tác dụng khi các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã tăng chi tiêu quốc phòng của họ lên gần 5% so với năm trước. Theo Tổng thư ký NATO Stoltenberg, 8 nước thành viên hiện đã tăng mức chi tiêu quốc phòng của họ lên mức yêu cầu, 2% tổng sản phẩm quốc nội. Nhưng một số lượng lớn các nước thành viên khác vẫn còn tụt lại phía sau, với Bỉ (0,9%) là một trong những nước chi phí cho quốc phòng tệ nhất.

Một quốc gia khác không nghe lời kêu gọi của ông Donald Trump là nước Đức của Thủ tướng Angela Merkel. Trong năm 2017, Đức chỉ chi 1,22% GDP cho NATO. Để so sánh, Đức đóng góp cho NATO ít hơn so với các nước như Bồ Đào Nha hoặc Latvia.

Và có vẻ như một cuộc khủng hoảng mới đang dần hiện ra. Thủ tướng Đức không bỏ lỡ cơ hội để chỉ ra rằng khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ, châu Âu phải tự nắm lấy tương lai của mình. Ủng hộ quan điểm này của Đức, ngày 25-6, trong hội nghị các bộ trưởng quốc phòng các nước châu Âu tại Luxembourg, Pháp đã cùng 8 nước châu Âu thiết lập một cơ chế mới, được gọi là “Sáng kiến can thiệp châu Âu - IEI”.

Nhóm can thiệp này có thể nhanh chóng tiến hành một chiến dịch quân sự, giúp sơ tán tại một nước đang xảy ra chiến sự, hoặc trợ giúp khi có thiên tai. Dự kiến, Tổng tham mưu trưởng quân đội các nước EU sẽ họp tại Paris lần đầu tiên vào tháng 9-2018 để vạch ra kế hoạch cho các hoạt động chung.

Bộ trưởng Quân lực Pháp, bà Florence Parly nhấn mạnh, không chỉ hợp tác về quân sự mà cả về dân sự. Cần phải phối hợp chặt chẽ hơn để có thể can thiệp trong trường hợp thiên tai, hay sơ tán thường dân khi xảy ra xung đột. Đây cũng là một cách để bớt lệ thuộc vào NATO - mà người Mỹ đang thống trị, và Mỹ ngày càng ít muốn hỗ trợ cho các đối tác châu Âu trong trường hợp khủng hoảng.

Một dấu hiệu nữa về khả năng Mỹ sẽ rút khỏi NATO được các chuyên gia chỉ ra. Ngày 12-6-2018, Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo đã bất ngờ thông báo ngưng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn. Khi cho rằng các cuộc tập trận này mang tính chất “khiêu khích” và “quá tốn kém”, Tổng thống Mỹ đã làm hài lòng lãnh đạo Triều Tiên và cả Trung Quốc, đồng minh chủ chốt của Bình Nhưỡng, nhưng phải chăng nguyên thủ Hoa Kỳ cùng lúc muốn nhắc khéo các đồng minh châu Âu?

NATO liệu có còn Mỹ?

Bà Florence Parly - Bộ trưởng Quân Lực Pháp - thông báo việc khởi động sáng kiến quốc phòng châu Âu gồm 9 nước ngày 25-6.

Kể từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ công khai chỉ trích các thành viên trong NATO đã đóng góp quá ít cho quốc phòng, trong khi Hoa Kỳ là quốc gia đóng góp nhiều quân nhất tại châu Âu (65.000 quân) để hỗ trợ các chương trình luyện tập cho nhiều nước vùng Baltic đối phó với mối đe dọa đến từ Nga. Hoa Kỳ đã nhiều lần cảnh báo rằng sức mạnh và ảnh hưởng của NATO đã giảm đi rất nhiều trong thập niên qua do những hạn chế ngân sách, trong khi Trung Quốc và Nga đã củng cố ngân sách quốc phòng của họ.

Tổng thống Trump cũng cho biết ông không muốn trở thành người bảo hộ tài chính cho châu Âu và ông cũng biết rằng EU sẽ không thể xây dựng được một đội quân hiệu quả trong thời gian trước mắt. Theo các chuyên gia, phương Tây đã quá bỏ bê việc phòng thủ của mình sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Đặc biệt, mối đe dọa của Nga đã bị đánh giá rất thấp.

Các nước trong khối NATO giờ đây còn lo rằng trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 7 tới đây, các chính sách đối ngoại của ông Donald Trump chẳng hạn như tái thương lượng lợi ích thương mại toàn cầu của Mỹ sẽ xen vào các vấn đề quốc phòng. Tổng thống Mỹ đả kích công khai nhiều nước, kể cả những nước được Mỹ bảo vệ, đã có được những “thỏa thuận dở”, không có lợi cho Hoa Kỳ.

Nếu như quyết định ngưng tập trận Mỹ - Hàn Quốc của Tổng thống Donald Trump có những mặt lợi và hại cho cả hai nước, thì sự việc này gióng lên một hồi chuông báo động khả năng Mỹ rút quân trên diện rộng, nhất là ở những vùng giáp ranh với những đối thủ tiềm tàng của Mỹ như Nga và Trung Quốc chẳng hạn.

Cách tiếp cận theo kiểu co cụm này của ông Donald Trump có thể nhận được sự ủng hộ từ một vài nước cũng như là từ những ai tin rằng các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Trung Đông hay ở những nơi khác là những sai lầm đắt đỏ và tốn kém.

Theo An ninh Thế giới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast