Hà Tĩnh: Ngăn dịch lây lan, khi bán lợn phải báo cáo chính quyền xã

(Baohatinh.vn) - Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại Hà Tĩnh đang diễn biến phức tạp, khó lường, do đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn đang thực hiện phương châm không tăng đàn, tái đàn hay nhập lợn từ ngoài vào thời điểm này nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Hà Tĩnh: Ngăn dịch lây lan, khi bán lợn phải báo cáo chính quyền xã

Phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột khu vực chăn nuôi, hạn chế tăng đàn, tái đàn vào thời điểm này... là những biện pháp cần thực hiện để ngăn dịch lây lan trên diện rộng.

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Phùng thôn Bắc Văn (Thạch Văn, Thạch Hà) đang tập trung dọn vệ sinh khu vực chuồng trại nuôi lợn, phun tiêu độc khử trùng để đề phòng dịch bệnh. Thời điểm cách đây hơn 1 tuần, khi dịch tả lợn xuất hiện trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, chị lần lượt xuất bán hết đàn lợn 21 con vì sợ dịch lây lan ra diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn cho gia đình.

Chị Phùng chia sẻ: "Theo dõi báo, đài thấy dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp tại Hà Tĩnh nên theo hướng dẫn của chính quyền địa phương, thời điểm này tôi sẽ tạm dừng chăn nuôi, không nhập lợn từ địa phương khác về vì lo ngại mua phải lợn giống nhiễm dịch bệnh thì "tiền mất tật mang".

Hà Tĩnh: Ngăn dịch lây lan, khi bán lợn phải báo cáo chính quyền xã

Chị Nguyễn Thị Phùng thôn Bắc Văn (Thạch Văn, Thạch Hà) vệ sinh chuồng trại sạch sẽ sau khi xuất bán đàn lợn của gia đình và chưa có ý định tái đàn thời điểm này

Là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất huyện Thạch Hà, lại nằm gần với huyện Cẩm Xuyên – huyện đã xảy ra dịch nên hiện chính quyền và người dân xã Thạch Hội (Thạch Hà) đang hết sức lo lắng, nâng cao tinh thần cảnh giác, đặt công tác phòng chống dịch lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Thanh Long - Chủ tịch UBND xã Thạch Hội cho biết: “Hiện tại, địa phương chưa phát hiện dịch tả lợn châu Phi nhưng xã khuyến cáo người dân thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, không tái đàn, tăng đàn vào thời điểm này. Đồng thời, khi người dân xuất bán lợn phải lên trình báo với UBND xã để xã nắm số lượng đàn lợn, kiểm soát tình trạng sức khỏe của lợn và cấp giấy xác nhận đi qua trạm kiểm dịch; tiến hành phun tiêu độc khử trùng trước khi ra khỏi địa phương”.

Hà Tĩnh: Ngăn dịch lây lan, khi bán lợn phải báo cáo chính quyền xã

Chốt kiểm dịch tại xã Thạch Văn (Thạch Hà) được lực lượng chức năng trực liên tục, hạn chế việc mang mầm bệnh sang các địa phương khác.

Theo khảo sát, đến thời điểm này, toàn xã đã xuất bán trên 1.000 con lợn; các hộ chăn nuôi trên địa bàn không nhập thêm lợn giống về vì lo ngại dịch bệnh; nhiều hộ bỏ trống chuồng trại hoặc chuyển sang chăn nuôi tạm thời những gia súc, gia cầm khác như gà, vịt… Điều này vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa có thể duy trì thu nhập từ chăn nuôi, ông Long cho biết thêm.

Tại vùng dịch và các xã giáp ranh vùng dịch thuộc huyện Lộc Hà, người dân cũng đã được quán triệt không tái đàn, tăng đàn trở lại trong lúc tình hình diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát trên diện rộng tại địa phương.

Anh Nguyễn Văn An ở xã Phù Lưu (Lộc Hà) cho biết: “Hiện xã giáp ranh là Hồng Lộc đã xuất hiện ổ dịch nên gia đình tôi đang rất lo lắng nên sẽ không tái đàn hay tăng đàn; tiến hành thực hiện đúng hướng dẫn của cán bộ thú y xã, huyện về cách vệ sinh chuồng nuôi, rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng.

Hà Tĩnh: Ngăn dịch lây lan, khi bán lợn phải báo cáo chính quyền xã

Người chăn nuôi tại những vùng chưa có dịch phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, rắc vôi bột, tăng khẩu phần ăn có chất dinh dưỡng... để đảm bảo sức khoẻ cho đàn lợn.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Đối với những địa phương đang xảy ra DTLCP hoặc giáp ranh với vùng dịch thì tỉnh không khuyến khích việc tái đàn, tăng đàn bởi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trên diện rộng, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường. Khi người chăn nuôi xuất bán lợn ra thị trường cần báo cáo với xã để xã nắm được thông tin, hạn chế tối đa việc mang mầm bệnh ra các địa phương khác.

Đối với những địa phương chưa xuất hiện ổ DTLCP thì căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mà bà con có thể tái đàn, tuy nhiên phải hết sức thận trọng, đặc biệt là phải chú ý kiểm tra rõ nguồn lợn giống; khi tái đàn cần tiêm phòng đầy đủ, thực hiện thường xuyên các biện pháp tiêu độc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ khu chăn nuôi hằng ngày..., ông Thanh cho biết thêm.

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast