Rằm Tháng Giêng

Cứ mỗi độ xuân về lòng tôi lại nôn nao nghĩ tới Rằm tháng Giêng. Tháng giêng không chỉ làng tôi mà bao nhiêu làng quê khác nao nức chờ đón một ngày linh thiêng nhất trở về với dòng họ mình.

Tản văn

Thành kính. Ảnh minh họa
Thành kính. Ảnh minh họa

Làng tôi tuy ở miền sơn cước nhưng nét sinh hoạt dòng họ rằm tháng giêng và rằm tháng bảy đã ăn sâu vào tiềm thức nhân dân, thành nét đẹp văn hoá ngàn đời không bao giờ phai nhạt. Làng tôi có nhiều dòng họ thuộc diện “mạnh đinh” như họ Phan, họ Đoàn, họ Thái.. Những dòng họ khác “ít đinh” hơn như họ Võ , họ Trần, họ Bùi, họ Lê.. Cách đây vài chục năm có họ tế lễ xong, con cháu ngồi quây quần vừa đủ vài mâm cỗ. Nhưng bây giờ họ thuộc diện “ ít đinh” con cháu cũng sum vầy ngồi chật cả ngoài phía sân nhà thờ.. Họ nào cũng có phong trào động viên con cháu xa gần “đóng góp tự nguyện” để trùng tu lại nhà thờ, xây dựng nghĩa trang, chăm sóc ngôi mộ tổ... Khi cuộc sống người dân no ăn, đủ mặc thì ai cũng nghĩ tới cốt nhục sinh thành và dòng họ sinh ra mình... Đối với những người ở độ tuổi tứ tuần trở lên lại càng trăn trở hoài niệm về họ mình nhiều hơn.. Chăm sóc xây dựng dòng họ phát triển ở làng tôi có một nét đẹp riêng mà không phải làng nào cũng có đó là chuyện không phân biệt chuyện gái trai, người sang và kẻ nghèo, quan chức và nông dân khi sinh ra đều được làm lễ “kết nạp” họ.

Lễ tế họ Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa
Lễ tế họ Rằm tháng Giêng. Ảnh minh họa

Dường như sau mỗi đợt rằm tháng giêng, đến họ để “ cầu phúc” cầu “Tài” cầu “Lộc” không khí đầm ấm thêm. Từ già tới trẻ được nhâm nhi chén rượu quê được ngồi trên chiếu ăn cỗ xôi nếp to vừa thơm vừa dẻo. Lại được xé thịt gà trống béo ngậy.Những người con đi xa về được nghe chuyện làng chuyện xóm, chuyện họ nhà mình ai còn, ai mất, ai làm ăn phát đạt, gia đình nào có con học hành xuất sắc hơn thiên hạ.

Rằm tháng giêng về họ được nghe ông tộc trưởng hướng dẫn con cháu những công việc lế lễ tại nhà thờ, từ việc lau chùi bàn thờ sạch sẽ, sắp xếp chỗ để lư hương, đến chuyện rót chén rượu đặt lên bàn thờ.. Có những người lo đeo đuổi chuyện đèn sách, chuyện làm ăn giữa thương trường, chuyện “vác kiếm binh đao miền biên ải”, nhưng về thắp hương cúng rằm nhà thờ họ, đứng trước ông tộc trưởng họ mình trông họ cũng ngây thơ như con trẻ… Họ vụng về, lúng túng không hiểu về cách vái lạy trước nhà thờ như thế nào?. Những lúc ấy các ông tộc trưởng lại bày tỉ mẩn từng động tác từ cách cắm hương đốt lửa mấy que, cách chụm tay, cúi đầu rồi ngồi lên lạy xuống mấy lần..

Chuyện cúng rằm tháng giêng ở các dòng họ thường đúng vào giờ Ngọ. Ông tộc trưởng đã soạn sẵn bài văn cúng bằng chữ Hán, bài cúng được đặt lên khung giá gỗ hình chữ nhật sơn đỏ... Trước lúc ông tộc trưởng cúng mấy người giúp việc trải chiếu hoa, rồi đặt lễ mâm xôi gà, trầu cau, rượu, nước.. đứng túc trực bên bàn nhà thờ họ… Tiếng chuông nhà thờ họ ngân lên ba hồi lanh lảnh…Tiếng chuông nhà thờ họ nào cũng khoan thai, đĩnh đạc bay thấu tận chín tầng trời mây, bay sâu xuống chín tầng đất…Những đứa trẻ tròn xoe mắt lắng nghe, cả cây mít, cây cau sau vườn cũng dường như nín thở.. Tiếng chuông thấm sâu vào linh hồn người đã khuất và tâm hồn người đang sống đấy là tiếng chuông nguyện cầu tháng giêng của những dòng họ ở làng tôi. Tiếng chuông lay thức những hồn của “ người muôn năm cũ” hãy về chung vui cùng cháu con, bảo ban cho con cháu những điều hay lẽ phải.

Ai cũng thấm thía rằng họ nào càng lắm người tốt thì dòng họ ấy ngày càng thịnh vượng. Trong nghi ngút khới hương, tất cả mọi người đều im lặng nghe ông tộc trưởng thay mặt con cháu dòng họ thành tâm xin tạ lỗi những cái gì đã qua, xin được linh hồn tổ tiên độ trì những điều tốt lành tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast