Đi giữa mùa tri ân: Về nơi bất tử

(Baohatinh.vn) - Dường như “cuộc sống” của những người lính đã ngã xuống vẫn đang tiếp nối từng ngày. Họ được đánh thức vào mỗi bình minh, được đón nhận những món quà đời thường. Những hàng mộ tăm tắp, ngay ngắn như các anh trong tư thế hành quân và hương bồ kết thoang thoảng gọi các chị chải tóc, soi gương trong phút bình yên trên cung đường máu lửa năm xưa.

>> Đi giữa mùa tri ân: Ký ức chiến trường

Hạnh phúc không dễ có

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn một sớm hè tháng 7. Trời âm u từ mấy ngày, sáng nay bỗng đổ mưa rào. Cơn mưa nhẹ đủ tưới mát những ngôi mộ và như làm dịu vơi nỗi đau của những người thân.

Đi giữa mùa tri ân: Về nơi bất tử ảnh 1

Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn

Ngày không giờ, tuần không thứ, những người làm việc ở BQL Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Quảng Trị) khái quát với chúng tôi về đặc thù “nghiệp” quản trang. Ông Nguyễn Bá Anh - Phó Trưởng BQL nghĩa trang - người có thâm niên lâu nhất hiện nay chia sẻ: “Khi tôi về làm việc (1981) đã như thế rồi. 15 anh em trong BQL đều vừa rời khỏi cuộc chiến khốc liệt, lặng lẽ nhận và thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao, với tất cả tình cảm và nghĩa tình dành cho người đã khuất. Lúc đó, phương tiện đi lại khó khăn, cả nước đang tiến hành kiến thiết nên những cuộc thăm viếng cũng mới chỉ diễn ra trong các dịp lễ, tết. Nhưng không vì thế mà công việc của chúng tôi nhẹ nhàng hơn. Hồi đó còn thắp đèn dầu, hút thuốc bó (thuốc cuộn - PV), tắm suối nhưng mấy anh em, “đầu trần, chân dép lốp” vẫn ngày ngày chăm sóc, “canh giấc” cho liệt sỹ”.

“21 cán bộ, nhân viên của BQL hơn nửa phần là cựu chiến binh, cựu TNXP, có người đã gắn bó với nơi này đã hàng chục năm. Công việc chăm sóc phần mộ liệt sỹ ở khu nghĩa trang rộng 140.000 m2 với 10.263 ngôi mộ mỗi ngày diễn ra lặng thầm nhưng không kém phần bộn bề, vất vả. Với họ, đó là niềm hạnh phúc của người trở về” - Trưởng BQL nghĩa trang Hồ Tất Ái chia sẻ.

Đi giữa mùa tri ân: Về nơi bất tử ảnh 2

Tác giả trao đổi CCB Nguyễn Xuân Đình (thị trấn Thạch Hà) tại nghĩa trang Trường Sơn

Dẫn chúng tôi lần theo những hàng mộ ở khu vực liệt sỹ tỉnh Quảng Trị, ông Hồ Tất Ái dừng lại trước bia mộ có tên Nguyễn Văn Quật - bác sỹ quân y, quê xã Triệu Long - Triệu Phong. Chúng tôi lặng người trong câu chuyện xúc động của ông: Một buổi sáng, có bà cụ dáng người nhỏ nhắn, rất đẹp lão từ Thanh Hóa về thắp hương cho các liệt sỹ. Đến ngôi mộ này, đột nhiên, bà ngất đi. Khi được sơ cứu tỉnh lại, bà ôm lấy ngôi mộ vật vã khóc.

Mở tung chiếc hòm sắt nhỏ mang theo bên mình, bà lấy ra nào lược, khăn mùi xoa, những lá thư và nói chuyện với liệt sỹ. Khi bà bình tâm lại, chúng tôi mới biết, liệt sỹ quân y này và bà đã từng hò hẹn ngày hòa bình nên duyên chồng vợ. Chiến tranh đi qua, không nhận được tin tức gì về người mình yêu, bà mang nỗi đau bị lãng quên, phụ bạc và không thể mở lòng với ai. Bao năm qua, tất cả kỷ vật tình yêu được bà cất giữ trong chiếc hòm sắt nhỏ, luôn mang theo bên mình. Không còn nỗi đau phụ bạc, bà như tìm lại được tình yêu son sắt của mình.

“Chúng tôi đã chứng kiến biết bao câu chuyện xúc động, cao đẹp như thế. Và những lúc này, chợt nhận ra sự đặc biệt của những người được làm cầu nối giữa người thân, đồng đội với các liệt sỹ, thấm thía hơn những mất mát, hy sinh để hiểu rằng, mình đang nắm giữ niềm hạnh phúc không mấy ai có” - ông Hồ Tất Ái trải lòng...

Nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào (thị trấn Anh Sơn - Nghệ An) dường như lặng lẽ hơn bởi lượng người đến thăm viếng không nhiều (mỗi năm khoảng 40 đoàn). Thế nhưng, việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan cho khu nghĩa trang rộng tới 7 ha với 10.741 ngôi mộ đòi hỏi BQL một sự sắp xếp khoa học và tấm lòng hết thảy vì những người đã hy sinh cho Tổ quốc.

“Nghĩa trang quốc tế này chỉ gần 4.000 ngôi mộ có thông tin, trong đó, 574 ngôi có tên nhưng không rõ quê quán, tuổi tác. Số còn lại với gần 7.000 liệt sỹ chưa có tên luôn khiến chúng tôi nặng lòng và việc chăm lo hương khói cho họ như càng nhắc chúng tôi nhẹ bước hơn, bàn tay cẩn trọng hơn” - Trưởng BQL Nghĩa trang Việt Lào - Trần Văn Hiền chia sẻ.

Lặng thầm ở hàng vạn nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước, thì chính niềm hạnh phúc này đã khiến những người quản trang thêm yêu và trân trọng công việc mình đang làm. Không chỉ vậy, niềm hạnh phúc đó còn là sự ghi nhận về tinh thần, thái độ phục vụ của anh em trong BQL. Anh Đào Anh Tuân - Phó trưởng BQL Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc chia sẻ: Gắn bó với nơi này đã 15 năm, vậy mà, mỗi lần kể chuyện về Ngã ba Đồng Lộc với những đoàn khách, cảm xúc như ngày càng nhân lên.

Nhớ nhất là lần kể chuyện cho 300 sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tại khu mộ 10 cô gái. Không ai cầm được nước mắt, nhiều em quỳ xuống ôm lấy các ngôi mộ nức nở... Không thể diễn tả hết cảm xúc lúc đó, nhưng trên hết, tôi thấy mình thực sự hạnh phúc khi được chuyển tải đến thế hệ sau những thông điệp vô giá về sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sỹ, từ đó, hướng các em đến giá trị hòa bình và biết phấn đấu, cống hiến xứng đáng với những người đã ngã xuống cho đất nước... Với tôi, nơi đây đã trở thành máu thịt. Đó là hơi thở, là cuộc sống!

Nghĩa trang Việt Lào

Nghĩa trang Việt Lào

“Cuộc sống” trên nghĩa trang

Trên chuyến ta-xi từ thành phố Đông Hà lên Nghĩa trang Trường Sơn, người tài xế đứng tuổi tên Quốc liên tục dừng xe giới thiệu với chúng tôi các địa chỉ đỏ rồi kể tường tận những chiến công và những câu chuyện linh thiêng trên vùng đất lửa. Mang những câu chuyện tâm linh huyền bí của người lái ta-xi hỏi Trưởng BQL Nghĩa trang Trường Sơn - Hồ Tất Ái, chúng tôi được ông trao đổi một cách rất tự nhiên.

Ông nói, nhiều cán bộ quản trang nơi đây đã chứng kiến sự linh thiêng của các liệt sỹ. Nhất là khi mình đã hứa với liệt sỹ điều gì mà chưa làm được, lập tức tối hôm đó sẽ nghe tiếng người gõ cửa với câu hỏi vì sao. Không thể lý giải những tình huống huyền bí thường chứng kiến, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, các liệt sỹ vẫn ở đó với những nhu cầu, mong muốn giản dị và chính đáng.

Mỗi ngày trên những nghĩa trang, cán bộ, nhân viên của các BQL đều làm việc xoay quanh những nhu cầu rất thực của các liệt sỹ. Các anh, chị liệt sỹ cần dọn dẹp “ngôi nhà” của mình để “đón khách”, cần hương hoa để xóa nhòa cách biệt âm - dương, cần những món quà tri ân đơn sơ nhưng thấm đẫm nghĩa tình... Riêng với những nữ liệt sỹ TNXP ở Ngã ba Đồng Lộc, mỗi sớm mai, không thể thiếu nước chè trên mộ và chậu nước bồ kết cùng với khăn lau để các chị gội đầu. 6h sáng, khi chúng tôi thắp nén hương viếng các chị, trên mỗi ngôi mộ đã được ai đó bày biện thêm chùm bồ kết cùng những trái đào tiên tươi rói. Một nữ nhân viên BQL khu di tích cho biết, đó là quà của một đoàn khách từ ngoài Bắc mang vào.

Cũng từ sáng sớm, một phụ nữ Hà Thành cùng các con đã có mặt ở Ngã ba Đồng Lộc với cơ man là quà dành cho các anh, chị liệt sỹ. Ngoài hương nến, hoa quả còn có áo quần, giày dép, mũ cối, mũ phớt, gương, lược, đồng hồ... được cả gia đình cẩn thận bày biện dâng lên các liệt sỹ với tấm lòng thành kính. Tôi bắt chuyện, được biết chị tên Thông, nhà ở quận Tây Hồ - Hà Nội, tháng 7 năm nào cả nhà cũng có chuyến hành hương về các địa chỉ đỏ và chị tâm niệm, phải sắm đầy đủ lễ vật để các liệt sỹ dùng vì họ đã phải chịu thiếu thốn nhiều rồi.

Hay như ở di tích Thành Cổ, nhiều người dân sống quanh thành có thói quen cứ sáng sớm đều đến trước đài tưởng niệm thắp nén hương đánh thức các liệt sỹ, chào các anh một ngày mới. “Với chúng tôi, các anh vẫn luôn ở đó, từng ngày chứng kiến cuộc sống mới ở Thành Cổ” - một người dân cho biết.

Qua mỗi nghĩa trang, đến nhiều tượng đài liệt sỹ, lắng lại trong mỗi chúng tôi là tình cảm của đồng bào, nhân dân cả nước đối với những người con đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Tổ quốc. Trên những miền linh thiêng ấy, chúng tôi cảm nhận cuộc sống vẫn đang hiện hữu, mạnh mẽ và yên bình.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast