Đi giữa mùa tri ân: Ký ức chiến trường

(Baohatinh.vn) - Mùa tri ân tháng 7 gọi chúng tôi hòa cùng dòng người khắp trên cả nước trở về thắp nén tâm nhang trên những hàng mộ liệt sỹ. Tại nghĩa trang liệt sỹ những ngày đặc biệt này, chúng tôi được biết thêm bao câu chuyện hào hùng, bi tráng và thấm đẫm nghĩa tình. Nơi đó đang nói với muôn thế hệ những lời bất tử.

Thiêng liêng Thành Cổ

Nằm lặng bên dòng Thạch Hãn lưu dấu nhiều đau thương, Khu di tích Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ, nơi tưởng nhớ, ghi công hàng vạn liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ mảnh đất này. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ 5h30’ sáng với một CCB từng là chiến sỹ điệp báo hoạt động tại Thành cổ. Với tôi, ông thật đặc biệt: không cho biết tên tuổi; không một lời về chiến công cũng không chia sẻ kỷ niệm nào về đồng đội. Khi chúng tôi hỏi đến, ông chỉ nghẹn ngào. Nước mắt của người đàn ông sau hơn 40 năm kết thúc chiến tranh tưởng như đã khô cạn theo thời gian nay bỗng tuôn trào. Bên ông, chúng tôi cũng không thể cầm lòng.

Đi giữa mùa tri ân: Ký ức chiến trường ảnh 1

Tành cổ Quảng Trị. Ảnh: internet

Là người con của quê mẹ Quảng Bình nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với mảnh đất Thành cổ Quảng Trị từ lúc trai tráng cho đến hôm nay. Có lẽ vì thế mà với ông, Thành cổ đã trở thành máu thịt. Máu thịt của ông, của bao đồng đội. Ông dẫn chúng tôi đi, “để các cô biết thêm về Thành cổ, về 81 ngày đêm dùng máu giữ thành”. Bên đài tưởng niệm, ông lặng lẽ châm hương, lặng lẽ châm thêm điếu thuốc cho các liệt sỹ. Mọi cử động nhẹ nhàng, cẩn trọng đến từng ly. Ngay cả bước chân ông lên các bậc tam cấp đến với tượng đài cũng không phát ra tiếng động. Có lẽ, với ông và bao người dân Thành cổ, Quảng Trị, mỗi lần đặt bước là một lần chạm tới máu thịt của anh em, đồng đội.

“Năm 1972, lúc ác liệt nhất, cuộc chiến bảo vệ Thành cổ chỉ có thể thắng. Mỗi ngày lại có thêm bao cán bộ, chiến sỹ bơi qua sông Thạch Hãn, cũng đồng nghĩa với chừng ấy con người đã ngã xuống. “Biết rằng, qua sông phần nhiều không trở về, nhưng lúc đó, tôi chưa thấy ai từ chối nhiệm vụ”.

Đồng Lộc nghiêng mình

Từ khi thành lập Khu di tích TNXP Ngã ba Đồng Lộc, mỗi năm 2 lần, ông Phạm Văn Chiến (Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh Lào Cai) lại đều đặn dẫn đoàn CCB, TNXP, Mẹ Việt Nam anh hùng của tỉnh Lào Cai về với Ngã ba Đồng Lộc. Mỗi lần như thế, ông đều cẩn thận mang theo nào hương nến, hoa quả, cả rượu Bắc Hà, mật ong rừng là đặc sản quê hương để làm lễ dâng lên các liệt sỹ.

Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử" kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ và 47 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

Chương trình nghệ thuật "Đồng Lộc - Cõi thiêng bất tử" kỷ niệm 68 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ và 47 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

“Tôi là lính 559 của ông Đồng Sỹ Nguyên đó. Sau khi nhập ngũ (1968), tôi được biên chế về tiểu đoàn vận tải vận chuyển súng đạn, lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Ngày đó, khi đi qua Ngã ba Đồng Lộc, trên tuyến đường 15 bị bom đạn cày xới, hình ảnh tôi không bao giờ quên là các nữ TNXP tuổi mười tám, đôi mươi, tươi rói dẫn đường, làm cầu, san lấp hố bom…”. Nói đến đây, giọng ông như nghẹn lại.

“Rồi một hôm, khi đang hành quân thì một chiếc F4 hung hăng phóng tên lửa, chúng tôi được các cô kéo vào hầm chữ A tránh đạn. Vài phút sau, chúng tôi sống sót, còn 6 cô, người vẫn nóng nhưng tim đã ngừng đập. Các cô hy sinh vì sức ép của quả bom nổ gần đó…”.

Câu chuyện giữa chúng tôi và ông thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng trong im lặng. Ông nhớ từng cuộc hành quân, từng chuyến vận chuyển, nhưng có lẽ, nhớ nhất vẫn là những lần chứng kiến đồng đội ngã xuống. Chưa một ai có gia đình, không mấy người biết đến bàn tay, hơi ấm của người con gái. Thương nhất là các cô TNXP, sống tươi vui, hóm hỉnh, chiến đấu dũng cảm, kiên cường, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là tại các di tích lịch sử, các địa chỉ đỏ như Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Đường 9, Trường Sơn… luôn có một đội ngũ am hiểu lịch sử dân tộc, về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha anh và giá trị của hòa bình, độc lập để trao truyền cho con cháu…”.

Nghe ông nói, nhìn cách ông làm, tôi hiểu, không có sự tri ân nào thiết thực hơn là thế hệ hôm nay phải sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh...

Chuyện từ Cánh đồng Chum

Ngay khi đặt chân đến Nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào tại thị trấn Anh Sơn (Nghệ An), chúng tôi may mắn gặp được đoàn CCB là Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Bắc Giang.

Ban liên lạc CCB quân tình nguyện và chuyên gia quân sự VN giúp Lào tỉnh Bắc Giang thắp hương tại nghĩa trang Việt Lào

Ban liên lạc CCB quân tình nguyện và chuyên gia quân sự VN giúp Lào tỉnh Bắc Giang thắp hương tại nghĩa trang Việt Lào

Ông Hoàng Đình Tiến - Trưởng ban liên lạc, nguyên Tổng Biên tập Báo Bắc Giang kể nhiều chuyện chiến trường, chuyện bao nhiêu năm đi tìm đồng đội mà vẫn chưa gặp. Tuy vậy, ông vẫn khẳng định: “Ở đây (Nghĩa trang Việt Lào - P.V), tôi có anh Phụng đại đội phó, anh Hiên (quê Đức Thọ)… nhưng cụ thể ở đâu giữa gần 11.000 liệt sỹ thì tôi chưa biết được. Nhưng tôi chắc chắn là các anh ấy đang yên nghỉ tại đây”.

Trong đoàn CCB tỉnh Bắc Giang, chúng tôi để ý đến một người mặc bộ quân phục màu trắng (tiểu lễ). Ông lặng lẽ theo đoàn, với chỉ một cánh tay, kính cẩn thắp hương lên từng phần mộ. Đó là ông Nguyễn Xuân Dậu - Trưởng ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào huyện Lạng Giang, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Lào.

Đi giữa mùa tri ân: Ký ức chiến trường ảnh 4

CCB Nguyễn Xuân Dậu cùng đồng đội thắp hương các liệt sĩ

Là lính đặc công, tham gia chiến đấu ở cánh đồng Chum, ông đã lập nhiều chiến công trên các mặt trận. Đáng nhớ nhất là trận đánh vào ra-đa Pa-thí, tỉnh Hủa-phăn. Được mệnh danh là “mắt thần”, ra-đa Pa-thí chỉ huy ném bom toàn khu vực Đông Dương. “Chúng tôi được giao nhiệm vụ “bịt mắt” ra-đa này vì “hắn” đã gây nhiều tội ác không chỉ đối với quân và dân ta”. Ông bắt đầu câu chuyện. “Trong trận quyết tử này, có 3 đơn vị đặc công cùng tham gia. Sau nhiều ngày giằng co, cuối cùng, quân ta (khoảng 500 người) cũng đã tiêu diệt tất cả lực lượng sỹ quan quân sự và sỹ quan kỹ thuật của địch với hơn 1.000 tên”.

Sau trận đánh, ông được Bác Hồ và Bộ Tư lệnh binh chủng Đặc công khen ngợi về hành động dũng cảm: đánh lạc hướng địch để cứu lực lượng đặc công trọng yếu gồm 30 người, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất. “Thế còn cánh tay trái của bác?”. “Tôi bị trúng 14 vết đạn, đứt đại tràng, gãy sườn, gãy chân..., lại thêm cánh tay trái cũng không còn, tưởng “vứt đi” ấy chứ...”. Ông nói về trận đánh, nhẹ như vừa trải qua một giấc mơ. Nhưng khi nhắc đến các đồng đội, giọng ông chùng xuống. “Trận đó, ra-đa Pa-thí bị tiêu diệt nhưng nhiều đồng đội của tôi cũng đã nằm lại...”.

Vượt qua những đau thương, mất mát, ông tiếp tục “chiến đấu” trên mặt trận kinh tế, thành lập Công ty Thương mại Thống Nhất. Điều đặc biệt, cán bộ, nhân viên công ty đều là CCB và con em của các đồng đội. Với ông, đó như sự bù đắp của những người trở về đối với người ở lại.

Có một sự tình cờ thú vị trong cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi với các bác CCB Bắc Giang. Biết chúng tôi là người Hà Tĩnh nên bác Hoàng Xuân Thảo hỏi thăm về một người cùng chiến đấu đã chuyển đơn vị công tác. “Người Hà Tĩnh có ở Thạch Thanh, Thạch Tiến không”? Tôi nhanh nhảu: “Có cháu đây, cháu ở Thạch Thanh”. Mắt ông sáng lên. “Rồi, tôi phải xin địa chỉ, số điện thoại của cô mới được”. Nói rồi, ông vội vàng chạy đi, một lúc sau đưa lại cho tôi mảnh giấy ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, số điện thoại của ông và họ tên, địa chỉ của một người kèm cả tên vợ con, anh em của người đó.

“Cô nhớ phải giúp tôi, tôi đi tìm ông bạn này lâu lắm rồi”. “Khi còn ở trường Quân khí Quân khu Tây Bắc, anh ấy là thầy của tôi. Sau đó, anh ấy vào chiến trường trước. Thời gian sau, tôi cũng đi rồi sang Lào, không ngờ lại gặp anh, lại chiến đấu cùng đơn vị. Cho đến khi hòa bình, anh chuyển về Tỉnh đội Hà Tĩnh, tôi về Quân khu Tây Bắc, anh em bặt tin nhau từ đó… Nhiều lần vào đây gặp người Hà Tĩnh hỏi thăm nhưng họ không biết, may quá, hôm nay gặp cô”…

Chia tay ông, tôi mang theo lời hứa với một CCB năm nay đã bước sang tuổi 77. Chắc chắn tôi sẽ có được thông tin về đồng đội của ông. Nhất định thế!

(Còn nữa)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast