Nét xưa… câu đối nay

(Baohatinh.vn) - Cùng với thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh và cây nêu thì câu đối đỏ cũng đã trở thành một trong những thứ tiêu biểu góp phần làm nên phong vị đặc trưng trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Xin và cho câu đối không chỉ để cầu mong cho mình một năm mới tài lộc mà còn thể hiện tinh thần hiếu học, trọng chữ nghĩa, tri thức của người Việt.

Các ông đồ viết câu đối ở chùa Hương Tích

Các ông đồ viết câu đối ở chùa Hương Tích

Câu đối tết thường được viết trên giấy đỏ hoặc giấy hồng điều, bởi theo quan niệm dân gian, màu đỏ là biểu tượng của sự may mắn… Người hay chữ làm câu đối, còn người xin chữ thường sắm sửa một bầu rượu ngon, một đĩa trầu nhỏ để làm lễ vật mang đến nhà thầy đồ. Câu đối không chỉ điểm tô sắc màu cho mỗi ngôi nhà mà đó còn là cách để mỗi người gửi gắm biết bao ước nguyện. Có lẽ vì thế nên trên bàn thờ gia tiên ngày tết, bên cạnh hương hoa, mâm ngũ quả luôn là đôi câu đối. Thông qua những nét mực Tàu, giấy đỏ, gia chủ còn thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn ông bà, tổ tiên và nền nếp gia phong.

Chuyện xin và cho câu đối không chỉ là làm đẹp ngày xuân mà nhờ đó tình làng nghĩa xóm cũng trở nên thân tình, ấm áp hơn bao giờ hết. Đã có một thời, nét đẹp truyền thống này tưởng chừng rơi vào quên lãng, thế nhưng, những năm gần đây, hương vị tết cổ truyền lại trở về khi đi trên những con phố đông người, trên những nẻo đường quê, tôi lại thấy thấp thoáng một nét xưa trong cuộc sống hiện đại hôm nay - hình ảnh những ông đồ bên câu đối đỏ.

Dù đã bước qua ngưỡng thất thập cổ lai hy, mắt đã mờ, tay cầm bút đã bắt đầu run, nhưng mỗi độ tết đến, xuân về, ông Nguyễn Đăng Vinh - nguyên giảng viên Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, quê ở xã Xuân Đan (Nghi Xuân) lại bắt đầu sửa soạn nghiên mực, giấy hồng điều để viết câu đối. Ông cho biết: “Dẫu bây giờ, người xin và treo câu đối không còn nhiều như xưa... song với tôi, viết câu đối ngày xuân đã trở thành một thói quen, một nếp sinh hoạt văn hóa không thể thiếu. Đó cũng là cách để tôi gửi gắm lòng mình, gửi gắm niềm tin, sự kỳ vọng vào một năm mới phúc, thọ, an khang”.

Trước kia, người chơi câu đối, thư pháp chủ yếu là lớp người cao tuổi, các thầy đồ Nho hay những danh nhân đã từng ra vào cửa Khổng, sân Trình, thì ngày nay, thú chơi tao nhã này đã có sự vào cuộc tích cực của giới trẻ, đặc biệt là các thầy giáo và sinh viên… mà nhiều người vẫn yêu mến gọi là các “ông đồ trẻ”. Hiện trên mảnh đất địa linh này, phong trào chơi câu đối, thư pháp đã xuất hiện ở hầu hết các địa bàn. Đặc biệt, trải dài từ Bến Thủy đến Đèo Ngang, hương vị tết với lớp trẻ dường như trở nên đậm đà, ý nghĩa hơn khi họ lại có dịp tề tựu bên nhau trong các hoạt động giao lưu.

“Ông đồ trẻ” Từ Xuân Bắc - giáo viên dạy Mỹ thuật của Trường Tiểu học Phúc Lộc (Can Lộc) cho biết: “Với niềm đam mê câu đối và tình yêu tiếng Việt nên từ năm 2007 đến nay, ngoài giờ dạy học, tôi đã mở lớp dạy câu đối, thư pháp cho những người yêu bộ môn nghệ thuật này”. Dẫu lớp học của thầy Bắc chưa đến chục người, nhưng với thầy đó cũng là niềm vui lớn khi tâm huyết, ước mong của mình đã trở thành hiện thực. Đặc biệt, lớp học cũng đã trở thành nơi hội tụ, nơi sinh hoạt của những người yêu thư pháp trẻ trong mỗi độ tết đến, xuân về.

Em Trần Thị Xinh - một học viên của lớp hiện đang học ở Trường THPT Nghèn chia sẻ: “Hồi nhỏ, vào dịp tết, nhìn thấy câu đối và những bức thư pháp được treo trong các gia đình hay trong từng ngõ xóm là em lại thấy trào dâng một niềm say mê. Em cũng muốn mình có thể viết lên những bức thư pháp, những câu đối được treo và được mọi người chiêm ngưỡng”.

Cùng với các lớp học thư pháp thu hút những người cùng sở thích được hình thành tại các địa phương, mấy năm gần đây, chùa Hương Tích (xã Thiên Lộc - Can Lộc) cũng đã trở thành điểm hẹn cho nhiều ông đồ trên địa bàn tỉnh về tụ họp. Nét sinh hoạt văn hóa này bắt đầu vào khoảng 20, 21 tháng chạp và kéo dài cho đến sau ngày 18/2 âm lịch, khi lễ hội chùa Hương kết thúc.

Không chỉ góp phần làm sống lại một phong tục đẹp, các ông đồ ngày nay còn thể hiện ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc với mong muốn giữ gìn nghệ thuật viết thư pháp, câu đối Việt. Trong niềm vui đón chào mùa xuân mới với bao hy vọng tốt lành, các ông đồ lại sửa soạn nghiên mực, giấy hồng điều viết câu đối, làm cho hương vị tết xưa như chợt trở lại với bao người…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast