Máy ảnh cháy rụi sau khi chụp vụ phóng tên lửa

Khi chụp ảnh cho một đợt phóng tên lửa của SpaceX, nhiếp ảnh gia NASA đã trải qua sự cố lần đầu xảy ra trong 30 năm làm việc.

Sau khi Elon Musk công bố thế hệ 2 của tên lửa Starship, nhiều người nhắc lại sự cố hi hữu của Bill Ingalls, nhiếp ảnh gia của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) vào 4 năm trước.

Tháng 5/2018, khi SpaceX phóng tên lửa Falcon 9 từ Căn cứ Không quân Vandenberg tại California (Mỹ), Ingalls đã đến tận nơi để chụp ảnh. Dù đặt máy ảnh cách vị trí phóng tên lửa hàng trăm mét, thiết bị của Ingalls vẫn bị thiêu rụi do sức nóng từ tên lửa.

Chiếc máy ảnh Canon được Ingalls đặt cách bệ phóng Space Launch Complex 4E khoảng 402 m. Theo Space, đó là một trong 6 máy ảnh dùng để ghi lại quá trình phóng tên lửa Falcon 9, chứa 2 vệ tinh GRACE-FO của NASA và 5 vệ tinh Iridium Next cho mục đích thương mại.

Máy ảnh cháy rụi sau khi chụp vụ phóng tên lửa

Chiếc máy ảnh của Ingalls bị thiêu rụi khi chụp hình phóng tên lửa Falcon 9. Ảnh: NASA

Trong khi 5 thiết bị ghi hình còn lại hoạt động bình thường, chiếc máy ảnh Canon đặt cách bệ phóng 402 m bị thiêu rụi do ngọn lửa từ bệ phóng. Nhân viên cứu hỏa đã tìm thấy máy ảnh và trao lại cho Ingalls.

Đó là sự cố cháy camera đầu tiên của Ingalls trong suốt 30 năm làm việc tại NASA. Dù máy ảnh bị hỏng hoàn toàn, ông vẫn lấy được thẻ nhớ và trích xuất những bức ảnh cuối cùng, ghi lại khoảnh khắc ngọn lửa bao trùm camera, vỏ bọc nhựa bị nấu chảy và rũ xuống ống kính.

Dựa trên dữ liệu EXIF của bức ảnh, trang Wildfire Today đã xác định địa điểm đặt camera. Ingalls nhiều khả năng đặt nó trên đỉnh một con dốc, đối diện bệ phóng khoảng 402 m. Lượng nhiên liệu của tên lửa và hướng gió khiến ngọn lửa bao trùm máy ảnh với nhiệt độ cao.

Trên trang cá nhân, Ingalls chia sẻ ảnh chụp chiếc camera và bọc bảo vệ bằng nhựa bị đốt cháy. Theo nhiếp ảnh gia kỳ cựu, 5 máy ảnh còn lại vẫn hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 4 chiếc đặt ở khoảng cách gần hơn nhưng không bị hư hại.

Không chỉ ngọn lửa, các mảnh vỡ, hòn đá bị thổi từ nơi phóng tên lửa cũng có thể làm hỏng máy ảnh. Đó là lý do chúng phải được bao bọc cẩn thận trước khi đặt vào vị trí và điều khiển từ xa bằng remote.

Máy ảnh cháy rụi sau khi chụp vụ phóng tên lửa
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast