Đang đông, Cẩm Xuyên đã lo chống hạn vụ hè thu năm sau

(Baohatinh.vn) - Đến thời điểm này, các hồ đập trên địa bàn Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã ở mức báo động nguồn nước cấp phục vụ sản xuất. Vì vậy, tuy mới đầu đông nhưng huyện đã phải tính các biện pháp phòng chống thiếu nước cho vụ hè thu năm sau.

Đang đông, Cẩm Xuyên đã lo chống hạn vụ hè thu năm sau

Đã qua mùa mưa nhưng nước cao trình ở hồ Kẻ Gỗ chỉ đạt 24,74m/32,5m

Mặc dù đã hết mùa tích nước nhưng mực nước các hồ đập trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đều đạt thấp so với trung bình những năm trước đây. Cụ thể, hồ Kẻ Gỗ mực nước +24,74 m/32,5m, dung tích 155 triệu/345 triệu m3, đạt 45% so với thiết kế; hồ Sông Rác mực nước +20,59/23,2m, dung tích 85 triệu/124,5 triệu m3, đạt 68% so với thiết kế; hồ Thượng Tuy mực nước +19,65m/24,5m, dung tích 9,13 triệu/18,9 triệu m3, đạt 48,3% so với thiết kế.

Anh Nguyễn Văn Khoa - cán bộ quản lý vận hành tràn xã lũ Dốc Miếu - hồ Kẻ Gỗ cho biết: "Những năm trước, đến tháng 6 thường phải xả lũ để “đón” mùa mưa, nhưng riêng năm nay, không phải xã lũ và đã qua mùa mưa mà mực nước trong hồ rất thấp. Năm ngoái, tính đến ngày 15/11, nước cao trình trong hồ còn 30.48 m nhưng năm nay chỉ đạt được 24.83 m, trong đó đã có đến 6 m nước chết".

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương và của tỉnh Hà Tĩnh, 6 tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng Elnino (ấm nóng và ít mưa), do vậy lượng nước sẽ tiếp tục thiếu hụt. Vì vậy, đến thời điểm này, tuy mới đầu vụ Đông nhưng các địa phương ở trên địa bàn Cẩm Xuyên đã tích cực triển khai các biện pháp chống hạn.

Đang đông, Cẩm Xuyên đã lo chống hạn vụ hè thu năm sau

Cẩm Bình hỗ trợ các ca máy triển khai chiến dịch cao điểm phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn, giữ nước tự nhiên phục vụ sản xuất và nạo vét kênh mương thủy lợi nội đồng

Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn cho biết: “Từ ngày 22-30/11, xã đã tổ chức ra quân đồng loạt xóa bờ thửa, đắp phụ bờ vùng giữ nước, điều chỉnh mặt bằng khu vực và tiến hành cày, phay làm đất đối với các vùng đủ nước. Triển khai chiến dịch này, một mặt để tăng giá trị/đơn vị diện tích, mặt khác nhằm tận dụng nguồn nước tự nhiên để sản xuất, tiết kiệm nguồn nước tưới cho vụ Xuân để dành cho vụ hè thu sang năm.

Để đạt được mục tiêu này, xã đã có chính sách khuyến khích các thôn xóm và bà con nhân dân. Cụ thể, các đơn vị triển khai trong vụ Xuân 2019 được hỗ trợ 1 triệu đồng/ha/vùng có quy mô 5 ha trở lên. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình cụ thể của khu vực chuyển đổi, nếu phải bổ sung bờ vùng để giữ nước tốt, BCĐ xã phối hợp với thôn kiểm tra khối lượng để hỗ trợ cho các thôn thuê máy đào đắp, đảm bảo giữ nước tốt”.

Đến thời điểm này, Cẩm Xuyên đã có 7 xã, thị trấn (bao gồm: Xã Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Quang, thị trấn Cẩm Xuyên, Cẩm Vịnh, Cẩm Yên và Cẩm Hà) triển khai phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn. Đây là một thuận lợi rất lớn trong việc giữ nước tự nhiên và tiết kiệm nước trong phục vụ sản xuất.

Đang đông, Cẩm Xuyên đã lo chống hạn vụ hè thu năm sau

Các xã, thị trấn ở Cẩm Xuyên ra quân hưởng ứng đợt cao điểm phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn gắn với thủy lợi nội đồng, tích nước tự nhiên phục vụ sản xuất

Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Đăng Nhật cho biết: "Nguy cơ thiếu nước cho vụ hè thu đang là nhãn tiền, nếu không thực hiện đồng bộ các giải pháp chống hạn tốt và tưới tiết kiệm thì lượng nước chỉ đáp ứng sản xuất vụ xuân và thiếu trầm trọng cho vụ hè thu năm 2019 cả về nước tưới cho sản xuất và phục vụ dân sinh".

Việc phá bờ thửa nhỏ thành bờ thửa lớn không chỉ để tăng giá trị trên đơn vị diện tích mà còn có ý nghĩa trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, huyện tiếp tục phát động đợt cao điểm ra quân phá bờ thửa nhỏ trong toàn huyện; trong đó phát động toàn dân đắp bờ vùng bờ thửa để giữ nước tại ruộng 100% diện tích; đắp 100% các trục tiêu chính để giữ nước tại ruộng khi có mưa; nạo vét 100% các tuyến tưới tiêu nội đồng. Đồng thời, phối hợp với Công ty thủy lợi Nam Hà Tĩnh nạo vét các trục tưới tạo nguồn, các tuyến kênh dẫn nguồn cho hệ thống trạm bơm; kiểm tra các trạm bơm để có phương án khắc phục sửa chữa kịp thời.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast