Bản quyền truyền hình World Cup 2014 tại Việt Nam: MP & Silva đang đùa với lửa?

Chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa World Cup 2014 sẽ chính thức khai mạc trên sân Arena de Sao Paulo (Brazil), nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đài truyền hình nào của Việt Nam thông báo đã chính thức sở hữu bản quyền World Cup 2014. Lý do dẫn tới sự chậm trễ này chỉ xuất hiện từ một nguyên nhân duy nhất, TIỀN .

4 năm trước, MP&Silva đã đánh dấu sự hiện diện của mình trên thị trường bản quyền truyền hình Việt Nam bằng “cú áp-phe” Super Sunday của Premier League cho K+, khiến cho dư luận nổi sóng một thời. 4 năm sau, MP&Silva không còn nắm giữ bản quyền Premier League tại Việt Nam, và đồng thời cũng đã thay thế người đại diện, nhưng nhà môi giới bản quyền này vẫn không thay đổi thói quen mua đắt bán đắt cho thị trường Việt Nam.

Sở dĩ nói thế là bởi cách đây 4 năm, VTV đã mua trọn gói bản quyền phát sóng World Cup 2010 từ nhà cung cấp Dentsu Alpha (Nhật Bản) với giá 2,7 triệu USD cho 64 trận đấu của World Cup 2010, nhưng 4 năm sau, MP&Silva đã phải trả cho FIFA 7 triệu USD để đổi lấy việc được độc quyền sở hữu bản quyền phát sóng của World Cup 2014 tại Việt Nam, và nhà môi giới này đang chào mời các đài truyền hình Việt Nam với giá gây choáng... 10 triệu USD!

1. Theo ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV), 10 triệu USD là số tiền quá lớn cho một sự kiện chỉ diễn ra trong vòng một tháng như World Cup và sẽ rất khó để một đài truyền hình có thể thu hồi được số vốn đã bỏ ra nếu như đơn phương đứng ra mua bản quyền World Cup 2014.

Một chuyên gia về bản quyền truyền hình cho rằng có thể MP&Silva đã mắc phải sai lầm chết người khi cho rằng bản quyền World Cup 2014 tại Việt Nam sẽ là con gà đẻ trứng vàng như phi vụ bán bản quyền Premier League cách đây 4 năm. Nguyên nhân thì rất đơn giản, bởi World Cup 2014 chỉ kéo dài trong một tháng nên 10 triệu USD là quá đắt, còn Premier League thì diễn ra trong vòng 10 tháng và gói bản quyền lại kéo dài 3 năm, nên dù có giá tới 40 triệu USD thì cũng vẫn còn có khả năng thu hồi vốn và sinh lời.

Quan trọng hơn nữa, trong 2 thương vụ mua độc quyền Premier League tại Việt Nam trong vòng 4 năm qua, sự xuất hiện của K+ đóng vai trò then chốt và quyết định.

Thậm chí, có thể khẳng định rằng nếu không có K+ thì chưa chắc có một đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền khác ở Việt Nam đủ khả năng tài chính để sở hữu gói bản quyền độc quyền của Premier League. Tuy nhiên, K+ đã khẳng định không quan tâm tới bản quyền World Cup 2014, đúng như khẳng định của ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc Công ty VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+. Ông Liết nói: “World Cup không phải cái đích chúng tôi hướng tới.

6 năm trước, FPT đã bất ngờ mua được bản quyền World Cup 2006 với giá được cho là 2,2 triệu USD và sau đó FPT đã bán lại cho VTV. Có một chi tiết ít người biết là người đại diện của MP&Silva tại Việt Nam bây giờ cũng từng tham dự thương vụ mua lại bản quyền World Cup2006 trong thành phần FPT cách đây 6 năm.

2. Thế nhưng, bối cảnh kinh tế bây giờ đã khác với cách đây 6 năm, và thêm điều quan trọng nữa là World Cup 2014 diễn ra ở khung giờ không thực sự thuận lợi cho

người xem Việt Nam, khi chỉ có khoảng 8 trận vào 23 giờ, số còn lại rơi từ 2, 3 giờ sáng hoặc 6, 7 giờ sáng, và đương nhiên như thế sẽ khiến các đài truyền hình Việt Nam khó lòng gọi được quảng cáo để thu hồi vốn.

Cũng theo ông Lê Đình Cường, FIFA đã đưa ra quy định yêu cầu tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của FIFA phải phát sóng các giải có sự tham dự của các đội tuyển quốc gia như World Cup, Euro trên kênh quảng bá để phục vụ số lượng công chúng càng nhiều càng tốt.

Bên cạnh đó, khi bán bản quyền truyền hình World Cup 2014 trên các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, FIFA cũng đưa vào hợp đồng điều khoản là World Cup phải đến được với đông đảo dân chúng ở mức độ tối đa nhất tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà các công ty hoặc tập đoàn truyền thông nhượng lại bản quyền.

Hiểu một cách đơn giản là nếu MP&Silva chỉ mua bản quyền World Cup 2014 rồi “bỏ kho” thì công ty này sẽ phải thiệt đơn thiệt kép, vì vừa mất trắng số tiền đã bỏ ra để mua bản quyền, đồng thời có nguy cơ bị FIFA phạt nặng vì vi phạm điều khoản trong hợp đồng đã ký. Có lẽ đây là lý do khiến MP&Sila trong suốt mấy tháng vừa qua phải cử người làm việc ngược xuôi với các đài truyền hình ở Việt Nam, còn bên mua là các đài truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam thì cứ ”bình chân như vại”.

3. Đại diện VTV, đơn vị luônsở hữu bản quyền phát sóng World Cup trong nhiều năm liên tiếp gần đây, đã khẳng định sẽ tìm cách mua bản quyền World Cup 2014 để phục vụ người hâm mộ nhưng sẽ không phải cái giá 10 triệu USD như đòi hỏi của MP&Silva. Trong khi đó, một đơn vị được kỳ vọng sẽ làm vụ áp-phe ngoạn mục để mua lại bản quyền World Cup 2014 từ tay MP&Silva là Viettel đã quyết định từ bỏ đàm phán.

Một khi 2 tên tuổi lớn là VTV và Viettel đều kiên quyết nói không với con số 10 triệu USD do MP&Silva đòi hỏi thì không có đài truyền hình nào khác ở Việt Nam đủ khả năng để sở hữu gói bản quyền này, cho dù đó là VTC, HTV Hà Nội hay HTV TP.HCM. Bản thân đại diện các đài truyền hình này khi trao đổi với báo chí cũng khẳng định sẽ không mua bản quyền World Cup với giá 10 triệu USD.

Lúc này, người đang nóng ruột và vội vàng chính là MP&Silva chứ không phải bất cứ ai khác, bởi họ đang nắm trong tay “củ khoai” bỏng rẫy trị giá 7 triệu USD mang tên World Cup 2014. Chưa bao giờ các đài truyền hình Việt Nam lại “nhất trí đồng lòng” với nhau như lần này, dù rằng sự nhất trí này có thể là do hoàn cảnh tạo thành chứ chưa chắc đã phải vì xuất phát từ ý chí chủ quan của các bên. Tuy thế, có một điều chắc chắn là nếu như MP&Silva vẫn hy vọng làm được một phi vụ béo bở như gói bản quyền Premier League cách đây 4 năm thì nhiều khả năng họ sẽ phải thất vọng.

Theo Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast