Thạch Tân “khát” nước sạch

Nằm ngay sát thành phố Hà Tĩnh nhưng hàng chục năm nay người dân xã Thạch Tân (Thạch Hà) vẫn thường xuyên phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn. Mặc dù đường ống dẫn nước sạch về thành phố chạy ngay trên địa bàn xã, thế nhưng hàng ngàn hộ dân nơi đây vẫn chịu cảnh “khát” nước sạch từ nhiều đời nay…

Xã Thạch Tân hiện có gần 8.000 nhân khẩu sinh sống tại 12 xóm, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Hàng đời nay, hầu hết các hộ dân của xã này phải thường xuyên sử dụng nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và sức khỏe. Nước bơm từ dưới giếng lên để một lúc, thấy ngả sang màu vàng, sau đó đóng thành váng đặc quánh. Bể lọc nào nước cũng đỏ quạch; xung quanh thành giếng và các bể lọc, phèn đóng một lớp vàng ố, trông rất bẩn.

Người dân Thạch Tân phải lọc đến 3 lớp bể nhưng nước vẫn không thể ăn uống được

Người dân Thạch Tân phải lọc đến 3 lớp bể nhưng nước vẫn không thể ăn uống được

Nhiều người dân ở đây cho biết, vào mùa mưa này nước nhìn còn đỡ, chứ vào mùa nắng, nước vừa đỏ ngầu vừa có váng giống như dầu. Các thiết bị trong nhà như nồi niêu, soong chảo, thau chậu do sử dụng nước giếng nên đều chuyển sang một màu vàng cáu bẩn. Người dân nơi đây rất ngại mặc quần áo trắng bởi sau vài lần giặt, chúng đều bị ngả sang màu vàng ố.

Vừa bơm nước từ giếng lên, chị Lê Thị Diện ở thôn Bình Tiến than thở: “Cực khổ quá các chú ơi! Chúng tôi dùng nước nhiễm phèn này hàng đời nay rồi. Nước bơm từ giếng lên đỏ ngòm ngòm nhưng cũng phải lọc để dùng chứ chẳng biết làm sao được. Làng này nhiều người bị bệnh về da và đường tiêu hóa. Nhất là trẻ con và những người ở xa về, mỗi lần tắm xong có hiện tượng ngứa và xuất hiện những nốt mẩn đỏ khắp người”.

Bà Trần Thị Tứ vừa khuấy nước trong thùng lọc, vừa ngán ngẫm nói: “Nước nhiễm phèn nặng quá nên chúng tôi phải lọc qua 3 bể thì mới dùng được. Mà, cũng chỉ dùng để tắm rửa, giặt giũ chứ không thể dùng vào việc ăn uống. Không chỉ nhiễm phèn mà nước còn có vị mặn nữa. Gia đình tôi phải xây một bể riêng trữ nước mưa để dùng ăn uống. Tuy nhiên, bể chứa cũng có hạn nên về mùa nắng thường xuyên thiếu nước; phải chắt chiu từng giọt thì mới mong đủ dùng”.

Mỗi tháng xóc bể lọc vài lần nhưng anh Hùng vẫn cảm thấy không an tâm.

Mỗi tháng xóc bể lọc vài lần nhưng anh Hùng vẫn cảm thấy không an tâm.

Nước ở đây không những nhiễm phèn, nhiễm mặn mà còn phải đào sâu khoảng 14 - 15m mới có. Thậm chí một số gia đình khoan năm lần bảy lượt, sâu tới 20 - 30m nhưng vẫn không có nước nên đành chấp nhận bỏ cuộc. Để dùng được nước giếng, bà con phải xây thêm bể lọc nước chứa cát, đá và than để lọc phèn. Dù đã qua bể lọc, song nguồn nước vẫn không đảm bảo bởi vì lọc thủ công, được xử lý rất sơ sài. Vì nguồn nước giếng không đảm bảo sức khỏe trong nấu ăn, sinh hoạt, nhiều gia đình có điều kiện đã tự xây cho mình bể chứa nước mưa nhưng cũng rất hạn chế, chủ yếu chỉ dùng cho nấu ăn. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện xây bể lọc, bởi chi phí để xây một bể lọc tiêu tốn cả chục triệu đồng. Đối với những hộ nông dân nghèo thì số tiền đó quả thật không nhỏ.

Rời xóm Bình Tiến, chúng tôi đến xóm 18, cũng chứng kiến cảnh “khát” nước sạch trầm trọng từ nhiều năm nay của người dân. Chỉ vào chum nước và những vật dụng đựng nước sinh hoạt của gia đình, anh Lê Văn Trung ở xóm 18 than thở: “Đây là hệ thống lọc nước mà gia đình tôi sử dụng từ gần chục năm nay. Những nhà có tiền, họ xây bể lọc đàng hoàng thì đỡ hơn, chứ gia đình tôi chưa có điều kiện nên cũng chỉ biết dùng như thế. Nước múc lên ban đầu khá trong nhưng để một lúc đều chuyển sang màu vàng đục. Biết là ô nhiễm nhưng cũng phải nhắm mắt mà dùng chứ biết làm sao!”.

Nước đã qua bể lọc nhưng nhìn vẫn rất bẩn.

Nước đã qua bể lọc nhưng nhìn vẫn rất bẩn.

Anh Trần Văn Hùng, Thôn trưởng thôn Trung Hòa, cũng là người có thâm niên làm nghề đào giếng, cho biết: “Hầu hết giếng nước ở đây đều bị nhiễm phèn nặng. Cứ mỗi tháng phải xóc bể lọc vài lần mà vẫn thấy không an tâm.Vấn đề này lần nào họp dân hoặc tiêp xúc cử tri cũng đều được nhắc đến. Chúng tôi đã đề xuất với chính quyền rất nhiều lần nhưng xã cũng bất lực bởi kinh phí quá lớn, xã không thể giải quyết được. Dù chỉ cách nhà máy nước sạch chừng vài km nhưng người dân chúng tôi vẫn chịu cảnh sống chung với nguồn nước nhiễm phèn, nhiễm mặn từ bao đời nay rồi. Chúng tôi thiết tha mong muốn nhà nước sớm quan tâm giúp đỡ để chúng tôi có nước sạch sinh hoạt, hạn hế được các loại dịch bệnh do nguồn nước gây nên”.

Ông Nguyễn Hoành Mai, Chủ tịch UBND xã Thạch Tân cho biết: Toàn bộ nguồn nước trên địa bàn xã bị nhiễm phèn, đặc biệt là những xóm thuộc vùng trũng, thấp như xóm Bình Tiến, Tân Hòa, Trung Hòa... bị nhiềm nặng. Vấn đề này xã biết lắm nhưng với nguồn ngân sách eo hẹp của xã thì việc triển khai dự án cấp nước sạch cho bà con là ngoài khả năng. Xã cũng nhiều lần kiến nghị lên huyện mà vẫn chưa có phương án giải quyết. Chúng tôi mong nhà nước quan tâm, đầu tư dự án nước sạch về để bà con thoát cảnh dung nước nhiễm phèn, nhiễm mặn như hiện nay

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast