Kinh doanh sân cỏ nhân tạo: Lãi nhiều nhưng... không dễ!

(Baohatinh.vn) - Bóng đá được coi là môn thể thao vua. Bên cạnh các giải bóng đá chuyên nghiệp thì bóng đá phong trào vẫn được rất nhiều người yêu thích. Nắm bắt nhu cầu đó, hơn 1 năm trở lại đây, ở TP Hà Tĩnh đã mọc lên nhiều sân cỏ nhân tạo phục vụ người chơi bóng.

Vốn lớn, lãi lớn

Hiện ở TP Hà Tĩnh có 3 cụm sân cỏ mini nhân tạo, số lượng chưa nhiều nhưng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân. Vào khung giờ cao điểm (15-17h), nếu muốn có sân, khách hàng phải đặt trước vài ngày. Có mặt tại Trung tâm thể thao Phú Quang vào khung giờ cao điểm, tất cả 5 sân đều được khách thuê hết.

Cụm sân cỏ nhân tạo của Trung tâm Thể thao Phú Quang luôn kín khách
Cụm sân cỏ nhân tạo của Trung tâm Thể thao Phú Quang luôn kín khách

Để đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo cần phải có nguồn vốn tương đối lớn nên các sân trên địa bàn Hà Tĩnh thường có sự kết hợp giữa nhiều đơn vị. Anh Lê Công Hà - người quản lý tại CLB sân bóng đá Thảo Nguyên cho biết: Cụm sân Thảo Nguyên do Công ty Thương mại dịch vụ và Du lịch Hatico phối hợp với Trung tâm TDTT Hà Tĩnh xây dựng cách đây hơn 1 năm với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng. Đây cũng là sân cỏ nhân tạo đầu tiên của Hà Tĩnh.

Cụm sân Thảo Nguyên có 3 sân phục vụ cho đội hình thi đấu 7 người. Cỏ nhập từ TP Hồ Chí Minh với giá 280 nghìn đồng/m2, được đánh giá đủ tiêu chuẩn và chất lượng. Nhưng khác với các sân cỏ nhân tạo trên địa bàn, cụm sân Thảo Nguyên chủ yếu phục vụ các vận động viên của Trung tâm TDTT tỉnh luyện tập thể lực, hoặc các đội bóng thanh, thiếu niên của trung tâm tập luyện trong giờ hành chính. Đối với khách ngoài, giá thuê sân dao động khoảng 350-400 nghìn đồng/giờ.

Không ít khó khăn

Đầu tư xây dựng sân cỏ nhân tạo được đánh giá ít gặp rủi ro, thu lãi lớn. Tuy vậy, do nguồn vốn đầu tư ban đầu cao nên quá trình thu hồi vốn phải mất từ 3-5 năm.

Anh Đặng Đôn Hoàn - người quản lý Trung tâm Thể thao Phú Quang cho biết: “Toàn bộ chi phí xây dựng khu trung tâm khoảng 10 tỷ đồng (gồm 5 sân cỏ bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền và các công trình phụ). Lượng khách tương đối ổn định, vào giờ cao điểm, các sân gần như kín lịch. Doanh thu mỗi tháng đạt gần 150 triệu đồng nhưng cũng phải mất một thời gian dài mới thu lại được tiền đầu tư ban đầu”.

Tuy thu lãi lớn nhưng kinh doanh sân cỏ nhân tạo không hề dễ. Thời tiết ở Hà Tĩnh khắc nghiệt nên ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ cỏ nhân tạo, kéo theo chi phí chăm sóc và bảo dưỡng tăng cao. Khách thuê sân chủ yếu vào chiều tối, dẫn đến tình trạng “thừa mà thiếu”. Vào “giờ vàng” vẫn xảy ra tình trạng thiếu sân trong khi cả ngày sân để trống. Những ngày mưa rét, các sân cũng rơi vào tình trạng “đóng băng”.

Anh Phạm Thế Bá - quản lý sân bóng đá Công đoàn cho hay: Vì sân Công đoàn mới được xây dựng (đầu năm 2014), lại không nằm ở khu vực trung tâm thành phố nên khách thuê còn rất ít. Đối tượng khách hàng thường xuyên thuê sân cỏ nhân tạo là cán bộ, công nhân viên thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp, vì thế, giờ tan tầm thường rất đông khách thuê sân. Học sinh, sinh viên thuê sân còn khá ít do tiền thuê khá cao.

Hoạt động kinh doanh sân cỏ nhân tạo góp phần đẩy mạnh sự phát triển của bóng đá phong trào. Từ khi các sân cỏ nhân tạo được xây dựng, các giải bóng đá phong trào của các cơ quan được tổ chức thường xuyên hơn. Anh Đặng Đôn Hoàn cho biết thêm: Trung tâm Thể thao Phú Quang được xây dựng trước tiên vì mục đích xã hội hóa thể thao. Trong giờ vắng khách, lứa tuổi thiếu nhi được vào đá bóng miễn phí để khuyến khích các em chơi bóng. Phong trào bóng đá có nhiều cơ hội phát triển, ngày càng có nhiều đội bóng được thành lập và thi đấu thường xuyên.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast