Thơ Hà Tĩnh - một chặng đường...

(Baohatinh.vn) - Thơ Hà Tĩnh là thơ của tụ khí tỏa hồn. Thơ khát khao được chia sẻ, được đồng cảm, được tự sự bộc bạch cõi lòng từ cái tôi đến cái ta, từ cái chung hướng về cái riêng.

Thơ là sự bí ẩn tâm hồn của mỗi con người, một thế giới riêng, một cõi riêng. Cũng cây trong vườn gieo trên một chất đất, cùng hút sương lọc nắng của một không gian, thời tiết, cùng một sự chăm sóc của người trồng, thế mà, mỗi loại cây một loại hoa, mỗi hoa một loài quả không giống nhau trong sự tiến hóa. Đó chính là sự đa dạng bí ẩn của sáng tạo. Nhưng suy cho cùng, cái đích của thi ca vẫn là có ích. Hạt gạo nhựa thật đẹp nhưng không thể nấu thành cơm. Bông hoa nhựa thật bền nhưng làm sao có thể tỏa hương. Bởi ngoài vẻ đẹp của ngôn từ còn có giai điệu của âm nhạc, gam màu của hội họa tạo sức quyến rũ lạ lùng.

Sông Ngàn Phố, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Ảnh: Đậu Bình

Sông Ngàn Phố, nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca, nhạc họa. Ảnh: Đậu Bình

Thơ là sự thể hiện mình rõ nhất, là âm bản của con người mình, thơ hời hợt thì anh sống hời hợt, thơ sâu sắc thì anh sống sâu sắc. Suy cho cùng, sự sáng tạo, cách tân thi ca, cái đích cuối cùng là hay. Trong hay có cả mới, trong mới chưa chắc đã hay. Có câu thơ vụng về nhưng lại là cái thô của một thứ quặng quý. Thơ ky nhất là nhạt, là đánh bóng, là tiểu xảo. Nhưng tiểu tiết thì cần vô cùng. Những chi tiết của đời sống khi được chưng cất đưa vào thơ thì gạo sẽ thành rượu. Cũng như với văn xuôi, gạo sẽ thành cơm, từ cơm chưng cất thành rượu. Men thơ có cái lâng lâng, cái gạn lọc tình đời thấm và sâu, lay thức và lan tỏa.

Thơ Hà Tĩnh trong 5 năm qua được phát hiện, bổ sung những gương mặt mới. Đó một Trần Phương Lài ảo hóa tài hoa ngay từ những bài thơ đầu tay giàu tính hội họa (công việc chuyên môn của chị) đã bắc một cầu vồng thơ bảy sắc màu rực rỡ. Một Hoàng Vĩnh Hương với tiếng thơ tự vấn day dứt mà kiêu hãnh. Thơ chị ngổn ngang câu chữ như ngổn ngang đường đời.

Dọc sông La, chúng ta có thầy giáo Trần Đăng Đàn thật tinh tế và nhiều suy ngẫm với Khúc sông bên lở. Ông tự nhận về mình sự thiếu hụt để tròn đầy bao ân tình. Xuôi dọc sông La, ta còn thấy một dáng người cao gầy, khắc khổ Dương Thế Vinh nhưng thơ thì đầy đặn, có những bất chợt thăng hoa tỏa sáng. Dọc bến sông này còn có một tiếng thơ thật trong trẻo nhưng cũng đầy tâm trạng quặn thắt, những bồi lở trong đời của Trần Thị Ngọc Mai khi chị tựa vào thơ, tựa vào nơi Bình yên của bão (tên tập thơ được tặng giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2013). Miền Kỳ Anh nắng gió là nơi phát tích những hồn thơ gắn với hồn quê và tự hào với tiềm mạch văn hóa của quê. Đó là Nguyễn Tiến Chưởng, Trần Nam Phong... Tôi không có điều kiện để nói hết các gương mặt thơ nhưng chỉ qua vài vùng đất để nói về cái linh khí hun đúc của đất đai hồn cốt cho các thi nhân rất hiếm và quý.

Điều đặc biệt là thơ Hà Tĩnh hiện nay có một đội quân làm nòng cốt là những tác giả đã có những chùm thơ có sức vang ấn tượng, làm sang trọng thêm trang thơ Tạp chí Hồng Lĩnh và thơ họ đã vượt ra ngoài biên giới của một tỉnh để đến với văn đàn cả nước. Ngoài các nhà thơ thành danh như: Duy Thảo, Bùi Quang Thanh còn những gương mặt xuất sắc: Yến Thanh, Thái Vĩnh Linh, Trương Ngọc Ánh, Quỳnh Như, Lê Văn Vỵ, Đào Minh Sơn, Nguyễn Công Ký, Vũ Thìn, Nguyễn Văn Hoan, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Ngọc Vượng, Võ Minh Châu, Nguyễn Xuân Hường, Đồng Trí Vượng… Có tác giả trong nhiệm kỳ qua đã xuất bản liền mấy tập thơ viết về đề tài quân đội, về tình đồng đội thật cảm động như nhà báo Vũ Thìn. Có người viết riêng một tập thơ về mẹ khá hiếm hoi trên thi đàn Việt Nam hiện nay như tác giả Lê Văn Vỵ.

Có một đội ngũ thơ nữ ngoài nét mềm mại, nữ tính thì có những tiếng thơ mãnh liệt và say đắm. Mãnh liệt để tôn vinh giới. Mãnh liệt để chủ động khám phá đời sống tâm hồn thật bí ẩn và tinh tế. Tôi muốn nói đến hai bông hoa hiếm hoi trong vườn hoa nở rộ đó là: Hoa Quỳnh (Quỳnh Hoa), Hoa Mai (Mai Hoa). Còn có một Nguyễn Thị Duyên rất duyên trong thơ và trong đời. Hồ Minh Thông sau tập thơ “Những cánh rêu” rất ấn tượng, chị chuyển sang viết tản văn khá hay và độc đáo. Nữ thi sĩ Bùi Minh Huệ dù bận rộn với công việc làm báo nhưng thơ chị vẫn giữ nguyên nét đẹp ngày nào, nay lại được tăng thêm sức tải của ý tưởng khi viết về Tổ quốc, Ngã ba Đồng Lộc, mùa xuân đất nước, gia đình... Trâm Anh viết ít nhưng thơ về gió của chị vẫn bay bổng, khát khao. Tuyết Mây gần đây với “Tuổi 40” đã định vị thêm cho mình một Cột - Mốc - Thơ trên đường đời thật ấn tượng.

Có một mảng thơ rất quan trọng và theo tôi, đây là thế mạnh hiếm hoi của thơ Hà Tĩnh, đó là mảng đề tài viết cho thiếu nhi. Ngoài một Thái Vĩnh Linh thật sung sức với những tập thơ thiếu nhi xuất bản trong nhiệm kỳ qua, tôi thật bất ngờ trước hiện tượng tác giả Nguyễn Văn Thanh. Ngoài tập thơ “Tìm sợi rơm vàng” đoạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2013 thì ông còn là tác giả của nhiều chùm thơ thiếu nhi khá hay in trên các báo, tạp chí trung ương và tỉnh bạn. Tôi cũng rất thích những bài thơ ngộ nghĩnh và tươi rói nhiều cung bậc tình cảm, nhiều chi tiết hồn nhiên với những tập thơ độc đáo, với những tứ thơ thật ấn tượng khi viết cho các em của tác giả Nguyễn Sinh, Phạm Minh Huyền.

Điều tôi muốn nói thêm là thi ca Hà Tĩnh có nét khá đặc biệt: một số đồng chí lãnh đạo nhưng tâm hồn rất thi sĩ và đã là tác giả những tập thơ, chùm thơ hay như tác giả: Đặng Quốc Vinh, Võ Hồng Hải, Nguyễn Xuân Hải…

Một nhiệm kỳ đi qua, một mùa màng gặt hái thơ tuy chưa bội thu nhưng bông nặng và hạt chắc. Nặng bởi sự sum suê của một đội ngũ. Chắc vì có những dòng thơ, tiếng thơ hé lộ những tiềm năng mới và có sự tròn đầy, chín tới chứ không còn xanh lép trên cây. Bởi tôi tin, cây đời và cây thơ: Tán cây xòe ra đến đâu – rễ cây mọc chùm đến đó.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast