Lò lửa Trung Đông càng thêm nóng bỏng

"Báo Độc lập" của Nga ngày 18/6 đăng bài bình luận viết rằng việc Iran phái 4.000 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) tới Syria đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này. Theo truyền thông, 4.000 binh sĩ của IRGC chỉ là “nhóm quân đầu tiên”.

Iran có thể đưa quân tới Syria qua ngả Iraq. Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tới Baghdad và yêu cầu nước này không cho phép Iran thực hiện các chuyến vận tải hàng hóa quân sự bằng máy bay cho Syria. Tuy nhiên Thủ tướng Iraq, ông Nuri al-Maliki vẫn có cảm tình với Tổng thống Assad và không muốn tuân theo chỉ thị của Washington.

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria tiến hành diễn tập quân sự tại một địa điểm bí mật ngày 22/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ quân đội chính phủ Syria tiến hành diễn tập quân sự tại một địa điểm bí mật ngày 22/5/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

Cần lưu ý rằng trước đó thủ lĩnh của nhóm Hezbollah thuộc dòng Shi'ite ở Lebanon, ông Hassan Nasrallah đã tuyên bố đứng về phía Tổng thống Assad và can dự vào cuộc xung đột. Các chiến binh Hezbollah đã giúp chính phủ Syria giải phóng Quseir - một thành phố quan trọng gần biên giới với Lebanon.

Trong khi đó, trên biên giới Jordan-Syria, Mỹ đã triển khai các đơn vị thủy quân lục chiến, các hệ thống tên lửa phòng không Patriot và máy bay chiến đấu F-16, với lý do để tham gia tập trận. Các hệ thống phòng không Patriot trong tương lai có thể tạo ra một vùng cấm bay ở miền Nam Syria.

Ngoài ra, để thiết lập vùng cấm bay ở miền Bắc Syria, phương Tây có thể sử dụng các tên lửa Patriot bố trí dọc biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà chức trách nước này hiện đang nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở trong nước, song việc Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cương quyết không gặp người biểu tình đường phố khiến cho Ankara không thể có một chính sách lãnh đạo cứng rắn, khiến tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn.

Để làm dịu tình hình trong nước, ông Erdogan có thể bắt đầu các hoạt động dọc theo biên giới với Syria, điều mà phương Tây và các nước Arập có ảnh hưởng mong muốn. Trong trường hợp đó, phương Tây sẽ tha thứ cho ông Erdogan về hành động đàn áp bạo lực người bất đồng chính kiến. Ai Cập, nước trước đây đóng vai trò trung gian hòa giải trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp của khu vực, cũng khiến cho tình hình thêm bất ổn.

Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi vừa tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Damascus, yêu cầu thiết lập vùng cấm bay trên bầu trời Syria. Giới phân tích trong khu vực cho rằng ông Morsi đang tìm cách lấy lòng những người “Anh em Hồi giáo”, vì sự ủng hộ dành cho ông đã giảm sút do thất bại trong chính sách đối nội. Ngoài ra, sự hỗ trợ về tài chính của người Hồi giáo dòng Sunni ở phía Đông và Mỹ cũng rất quan trọng đối với ông Morsi.

Để thiết lập vùng cấm bay ở Syria cần một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, song điều này là không thể nếu Nga và Trung Quốc phản đối.

Chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của Viện Nghiên cứu phương Đông trực thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Vladimir Sotnikov cho rằng phương Tây đang hướng theo một khuôn khổ khác đó là tìm cách tạo ra tình thế để các nước láng giềng – không chỉ Arập Xêút và Qatar mà cả Jordan và Ai Cập sẽ không những cung cấp lãnh thổ và vũ khí cho phe đối lập ở Syria mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột này.

“Ý tưởng của Riyadh và Doha về việc thành lập một lực lượng Arập chung loại bỏ chế độ của Tổng thống Assad ngày càng gần với hiện thực”.

Theo baotintuc.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast