Địa phương có thể thành lập thêm các tổ chức trung gian ?

(Baohatinh.vn) - Trường hợp đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã chỉ có một khu vực bỏ phiếu thì nhiệm vụ và số lượng thành viên của ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và tổ bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND được quy định như thế nào? Con dấu của ban bầu cử và tổ bầu cử được sử dụng như thế nào?

Tại đơn vị bầu cử chỉ có một khu vực bỏ phiếu, thành viên ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã kiêm nhiệm vụ thành viên tổ bầu cử; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về bầu cử.

Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Tranh cổ động bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

- Về số lượng thành viên của ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và tổ bầu cử: Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã có từ 7-9 thành viên theo quy định; trong khi tổ bầu cử được thành lập theo một quyết định khác, có từ 11-21 thành viên (trong đó có số thành viên của ban bầu cử).

- Về việc đóng dấu của ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã kiêm nhiệm tổ bầu cử HĐND và đại biểu HĐND:

+ Đóng dấu của ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã trong biên bản kiểm phiếu và xác định kết quả bầu cử đại biểu HĐND cấp xã ở đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã.

+ Đóng dấu của tổ bầu cử với mỗi loại biên bản kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử ĐBQH, phiếu bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

Như vậy, trong trường hợp trên phải có hai quyết định: Thành lập ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử) và thành lập tổ bầu cử (chậm nhất là 50 ngày trước ngày bầu cử); đồng thời, có hai con dấu của các tổ chức trên để thực hiện nhiệm vụ về bầu cử. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ban bầu cử thì đóng dấu của ban bầu cử; khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của tổ bầu cử thì đóng dấu của tổ bầu cử.

- Địa phương có thể thành lập thêm các tổ chức trung gian ở xã, phường, thị trấn và ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh để giúp các ban bầu cử tập hợp kết quả bầu cử được không?

Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định các tổ chức phụ trách bầu cử gồm:

- Hội đồng Bầu cử Quốc gia;

- Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương:

+ Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ủy ban bầu cử ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, ủy ban bầu cử ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là ủy ban bầu cử).

+ Ban bầu cử ĐBQH, ban bầu cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện, ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã (sau đây gọi chung là ban bầu cử).

+ Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu.

Nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức phụ trách bầu cử này cũng được quy định hết sức cụ thể. Vì vậy, để bảo đảm thống nhất và phù hợp với các quy định của pháp luật, các địa phương không được thành lập thêm các tổ chức trung gian để tập hợp kết quả bầu cử ở các xã, phường, thị trấn và ở các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

(Còn nữa)

Chủ đề ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ HĐND CÁC CẤP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast