Syria tiếp tục cảnh “nồi da nấu thịt”

Sự căng thẳng, tuyệt vọng về tình trạng chém giết lẫn nhau một cách tàn bạo lên cao hơn bao giờ hết.

Hôm 29/1, 78 thi thể đàn ông, được cho là bị hành quyết tập thể được phát hiện tại thành phố Aleppo (Syria) nơi được coi là điểm nóng trong làn sóng bạo loạn chống chính phủ kéo dài suốt 22 tháng qua.

Vụ việc càng làm gia tăng căng thẳng cũng như sự tuyệt vọng về tình trạng bạo lực trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang nỗ lực tìm giải pháp nhằm chấm dứt xung đột tại Syria.

Một vài giờ sau khi các thi thể trên được tìm thấy, đặc phái viên Liên Hợp Quốc Lakhdar Brahimi phát biểu trong một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết, "Syria đã đổ vỡ trước mắt mọi người" và cho biết chỉ có Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc mới có thể giúp giải quyết tình hình tại Syria vào thời điểm này.

“Syria đang bị phá hủy. Và khi Syria đang bị phá hủy từng chút một thì khu vực bị đẩy vào tình huống rất tồi tệ,” ông Brahimi nói. “Điều này rất quan trọng đối với toàn bộ thế giới. Đó là lý do tại sao tôi tin rằng Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc không thể cứ đơn giản tiếp tục nói rằng, chúng ta đang bất đồng và ngồi đợi cho mọi việc chuyển biến tốt hơn. Tôi nghĩ bây giờ đã đến lúc Hội đồng bảo an phải vật lộn với vấn đề này.”

Khu vực tìm thấy các thi thể của những người được cho là bị hành quyết (ảnh: AP)
Khu vực tìm thấy các thi thể của những người được cho là bị hành quyết (ảnh: AP)

Cùng ngày, Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo Syria đang tiến gần đến thảm họa nhân đạo hơn bao giờ hết khi khoảng 2 triệu người Syria rơi vào tình trạng không nhà cửa và 4 triệu người đang cần viện trợ nhân đạo khẩn cấp. Rất nhiều phụ nữ và bé gái bị lạm dụng ngay tại nơi công cộng hoặc tại nhà, khiến người dân Syria ồ ạt rời bỏ đất nước.

Liên Hợp Quốc cho biết, hơn 700.000 người tị nạn Syria đã sơ tán sang các nước láng giềng khác trong khu vực. Hiện các cơ quan cứu trợ đang gặp khó khăn trong việc phân phát hàng viện trợ vì số lượng người tị nạn tăng lên nhanh chóng.

Phát biểu khi đến Kuwait tham dự hội nghị các nhà tài trợ cho Syria, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề nhân đạo và điều phối cứu trợ khẩn cấp Valerie Amos cho biết, Liên Hợp Quốc đang thiếu hụt nguồn tài chính nhằm hỗ trợ người dân trong nước Syria và các nước láng giềng.

Tính đến cuối tháng 12/2012, Liên Hợp Quốc chỉ nhận được khoản đóng góp trị giá 50 triệu USD cho người dân Syria ở trong nước và người tị nạn tại các quốc gia khác.

Tuy nhiên, theo bà Amos ít nhất cần 1 tỷ rưỡi USD để giúp đỡ người dân Syria trong 6 tháng tới: “Bây giờ, chúng tôi cần rất nhiều tiền. Một tỷ USD cho việc trợ giúp người tỵ nạn Syria ở các nước láng giếng. Đây là một gánh nặng lớn cho cho các nước như Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq. Chúng ta đều biết rằng, sự hỗ trợ của các nước này rất quan trọng”.

Trước cuộc khủng hoảng đang leo thang tại Syria, Liên minh châu Âu (EU) đang xem xét các biện pháp nhằm giúp ổn định tình hình Syria. Hôm 29/1, phát biểu với báo giới về tình hình Syria, Tướng Pháp Patrick de Rousiers - người đứng đầu Ủy ban Quân sự Liên minh châu Âu cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bất kỳ sự can thiệp nào vào chiến trường Syria đều khiến tình hình xấu đi. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi phụ thuộc theo những diễn biến tại Syria. Theo ông Rousiers, khi xung đột dịu bớt, những dự án phát triển và các biện pháp để ngăn chặn giao tranh tái diễn sẽ là cần thiết. Vì vậy, trong trường hợp này, một nhóm tác chiến của Liên minh châu Âu có mặt tại Syria có thể sẽ có ích, cho dù chưa phải sự lựa chọn duy nhất.

Liên minh châu Âu hiện có một lực lượng phản ứng nhanh quy mô 2.000 quân được gọi là nhóm tác chiến, luôn trong trạng thái chuẩn bị, sẵn sàng thực thi nhiệm vụ gìn giữ hòa bình hoặc nhân đạo trong tình huống khẩn cấp./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast