Lo chia tay không đạt thỏa thuận, Anh và EU tính lùi thời điểm Brexit

Trước kịch bản về một Brexit “cứng” ngày càng rõ ràng, việc hoãn thời điểm Anh chính thức rời EU có thể là một lựa chọn khôn ngoan.

Trong bối cảnh thỏa thuận Brexit đang gặp khó tại ải Nghị viện Anh, các quan chức Anh và Liên minh châu Âu đã bắt đầu tính đến chuyện lùi thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu, ban đầu dự kiến vào tháng 3/2019 tới. Theo các nhà phân tích, đây có thể là một lựa chọn khôn ngoan, bởi kịch bản một Brexit không có thỏa thuận là kết quả mà không bên nào mong muốn.

Lo chia tay không đạt thỏa thuận, Anh và EU tính lùi thời điểm Brexit

Lo chia tay không đạt thỏa thuận, Anh và EU tính lùi thời điểm Brexit. Ảnh: Reuters

Tờ Điện tín hàng ngày hôm qua đăng tải thông tin cho biết, các quan chức Anh và Liên minh châu Âu đang đàm phán về khả năng lùi thời điểm chính thức Anh rời Liên minh châu Âu, hay còn gọi là Brexit. Các nguồn tin châu Âu mà tờ nhật báo này dẫn lời đều khẳng định, chính phủ Anh đã xúc tiến việc thăm dò tính khả thi của biện pháp.

Trước đó, tờ Buổi tối (Le Soir) của Bỉ dẫn lời Bộ trưởng- Chủ tịch vùng Flanders, ông Geert Bourgeois cho rằng, nếu Nghị viện Anh bác bỏ thỏa thuận về Brexit trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào tuần tới, thì thời điểm Anh chính thức rời Liên minh châu Âu nên rời đến ngày 29/03/2021, tức 2 năm sau thời điểm dự kiến. Theo lãnh đạo vùng Flanders, điều 50 của Hiệp ước về Liên minh châu Âu cho phép thay đổi thời hạn “chia tay”, với điều kiện tất cả các nước thành viên đều đồng ý.

Những thông tin này đưa ra trong bối cảnh Nghị viện Anh hôm nay nối lại các cuộc thảo luận về thỏa thuận Brexit và dự kiến bỏ phiếu vào ngày 15/01 tới. Là kết quả của 17 tháng đàm phán khó khăn, song văn kiện mà Thủ tướng Theresa May đạt được với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu hồi cuối năm 2018 lại đang đứng trước nguy cơ thất bại ở ngay chính “sân nhà”. Kế hoạch dự phòng cho biên giới Ireland, dù góp phần quan trọng giúp Anh và Liên minh châu Âu khơi thông thế bế tắc trong đàm phán và đi đến thỏa thuận, song lại trở thành “rào cản” khiến văn kiện gặp trắc trở ở trong nước. Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh:

“Cuộc bỏ phiếu chắc chắn phải diễn ra. Mục tiêu của chúng tôi trong những ngày tới là phải đạt được sự đảm bảo trong 3 vấn đề. Thứ nhất là giải pháp cho vấn đề biên giới Ireland. Thứ 2 là vai trò lớn hơn của Quốc hội khi chúng ta đàm phán về mối quan hệ tương lai giữa Anh và Liên minh châu Âu. Và thứ 3 là nhận được những đảm bảo hơn nữa từ Liên minh châu Âu.”

Cuộc bỏ phiếu dự kiến hồi cuối năm 2018 đã phải hoãn lại do nguy cơ thất bại cao. Vậy liệu lần bỏ phiếu sắp tới, mà theo hãng tin BBC là vào ngày 15/01 tới, có suôn sẻ hay không? Đây vẫn là điều mà không một nhà lãnh đạo Anh hay Liên minh châu Âu nào dám khẳng định chắc chắn. Kịch bản về một sự chia tay không có thỏa thuận hay còn gọi là một Brexit cứng đang ngày càng trở nên rõ ràng. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, việc hoãn thời điểm chính thức Anh rời Liên minh châu Âu có thể là một lựa chọn khôn ngoan nhằm tránh một kịch bản không mong muốn.

Một nghiên cứu mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy một sự chia tay không có thỏa thuận sẽ đem lại thiệt hại cho toàn bộ các nước Liên minh châu Âu, nhất là Ireland và các nước gần Kênh đào Anh, song Anh mới là quốc gia gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Thủ tướng May hôm 6/1 thậm chí cảnh báo, “quốc đảo sương mù” sẽ nằm trong vùng lãnh thổ không được ghi trên bản đồ nếu nước này rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận “chia tay”.

Như một minh chứng rõ ràng nhất, chính phủ các nước Liên minh châu Âu đã “rục rịch” triển khai các các biện pháp thắt chặt quy tắc đối với những công ty đặt trụ sở tại Anh. Theo đó, các công ty đầu tư có trụ sở tại Anh phải mở chi nhánh tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu nếu muốn tiếp tục hoạt động đầy đủ. Đã được ngoại trưởng 28 nước thành viên thông qua, biện pháp này chỉ còn đợi Nghị viện châu Âu chấp thuận để chính thức trở thành luật./.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast