Người đàn ông lập quốc gia riêng cho mình

Với Walubara, rạn san hô Great Barrier ngoài khơi Australia là một phần "quốc gia" được ông và con lập nên từ 5 năm trước.

Người đàn ông lập quốc gia riêng cho mình

Murrumu Walubara tại ngôi nhà ở thành phố Cairns, Australia. Ảnh: NYTimes.

Murrumu Walubara cùng con trai chèo thuyền trong vùng nước trong vắt của Rạn san hô Great Barrier, ẩn nấp phía dưới là những con cá kèn, hải sâm và sò tai tượng.

Hai cha con thổ dân Australia đang ở khu vực cách khoảng 56 km ngoài khơi bờ biển nước này. Walubara coi rạn san hô Great Barrier là một phần của Lãnh thổ Yidinji, đất nước rộng hơn 15.500 km vuông do ông tự lập ra ở phía đông bắc lục địa từ năm 2014.

5 năm trước, sau khi nhận ra những thổ dân như ông không được Hiến pháp Australia công nhận, Walubara đã từ bỏ công việc là một phóng viên chính trị và từ bỏ cả quốc tịch Australia cùng tên cũ Jeremy Geia. Walubara trả lại hộ chiếu, bảo hiểm sức khỏe và bằng lái xe cho nhà nước, sau đó tự cắt hết thẻ ngân hàng Australia.

“Tôi cứ ngỡ mình có đầy đủ tư cách của một thành viên trong Khối thịnh vượng chung Australia. Tuy nhiên tôi đã lầm. Tôi không còn đủ điều kiện hưởng những phúc lợi trong xã hội này”, Walubara, hiện đã bước sang tuổi 45, kể lại nội dung từng bức thư ông gửi cho các cơ quan chức năng khi trả lại giấy tờ.

Các chuyên gia nói Walubara còn đoạn đường đấu tranh dài phía trước nếu muốn Australia công nhận chủ quyền với Lãnh thổ Yidinji, song lập luận của ông đã thu hút sự chú ý của công chúng và truyền thông nước này. Tuyên bố của Walubara cũng mang đầy sức nặng chính trị ở một quốc gia chưa công nhận tư cách của các thổ dân bản địa trong hiến pháp.

Giờ đây, khi chính phủ Australia cam kết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề công nhận thổ dân trong hiến pháp, Walubara, người tự xưng là Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của Lãnh thổ Yidinji, một lần nữa gây áp lực cho các lãnh đạo liên bang với yêu cầu công nhận Yidinji có chủ quyền. “Nội các” của Yidinji hiện có 10 bộ trưởng và gần 100 công dân, hầu hết mang cả quốc tịch Australia và Yidinji.

“Chúng tôi không rời đi và cũng không muốn Khối thịnh vượng chung Australia biến mất. Tuy nhiên, đó là lãnh thổ của chúng tôi”, Walubara nói, khẳng định không muốn bồi thường mà chỉ cần Australia công nhận Lãnh thổ Yidinji là một thực thể chính thức cũng như có quyền duy trì lực lượng cảnh sát và quân đội. “Nói một cách đơn giản, đó chỉ là vấn đề trên giấy tờ”, Walubara khẳng định.

Walubara nói đây là “liều thuốc duy nhất” có thể xóa bỏ nỗi đau cho các thế hệ thổ dân, những người đã sống ở Australia ít nhất 65.000 năm trước khi người Anh đến đây vào cuối những năm 1700.

Walubara sinh năm 1974 tại Cairns, phía bắc Australia, có mẹ là thổ dân và cha là người Do Thái Croatia. Ông làm phóng viên suốt hai thập kỷ và từng thực hiện những cuộc phỏng vấn đầu tiên với Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London năm 2012.

Tuy nhiên, Walubara đã cảm thấy thất vọng với những câu chuyện lặp đi lặp lại về thổ dân Australia, về tỷ lệ bị giam giữ, tự tử cao ở họ cùng những hành động mà ông coi là “trẻ con” của các chính trị gia đối với vấn đề này.

Vào thời điểm đó, ông bắt đầu tìm hiểu đầy đủ về việc bản thân bị gạt ra khỏi Hiến pháp và nghiên cứu những điều kiện cần để tiến tới hiệp ước giữa chính phủ Australia và các bộ tộc thổ dân cùng người dân ở Quần đảo Eo biển Torres.

“Tôi nhận ra họ không có ý định làm điều đó, nên tôi phải làm”, Walubara nhắc tới các lãnh đạo Australia.

Bạn bè rất ngạc nhiên nhưng chủ yếu vẫn tôn trọng quyết định bỏ việc của Walubara. “Ông ấy đã từ bỏ sự nghiệp đang phát triển”, Mark Davis, một đồng nghiệp cũ của Walubara, nói. “Tuy nhiên ông ấy có những quy tắc của riêng mình. Tôi nghĩ điều này rất đáng chú ý và lịch sử sẽ làm sáng tỏ cho Walubara”.

Giờ đây, Walubara chủ yếu sống dựa vào sự trợ giúp từ những người ủng hộ sứ mệnh của ông. Ông hiện sống ở tầng trệt trong căn nhà của một người bạn ở Cairns cùng với con trai 11 tuổi và vợ, cũng là một nhà hoạt động.

Ông không chịu dùng tên Walubara để đăng ký các dịch vụ công của Australia, bao gồm dịch vụ y tế. Điều này gây ra lo lắng và bối rối khi trong một lần nhập viện gần đây, ông chỉ khăng khăng nói với nhân viên y tế ông là một người dân Yidinji, Davis nhớ lại. Năm 2015, Walubara bị bắt vì lái xe với biển số tự cấp của Yidinji.

Theo quan điểm của Walubara, nhiệm vụ của ông rất đơn giản: Yidinji muốn được công nhận như một chính phủ và có thể thực hiện các chức năng hành chính khác trên lãnh thổ của mình cũng như được đại diện cho lợi ích của mình tại Liên Hợp Quốc.

Khi ký vào Tuyên bố Liên Hợp Quốc về quyền của thổ dân, Australia đã cam kết cho phép trao quyền tự quản cho họ. Một số chuyên gia nhận định tuyên bố này có thể hỗ trợ quan điểm của Walubara, song cho biết có lẽ chính phủ Australia sẽ không bàn đến vấn đề này trong tương lai gần.

Anne Twomey, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Sydney, nói rằng điều quan trọng là Walubara chủ yếu đòi chủ quyền về chính trị, không phải chủ quyền pháp lý. Bởi vậy, chính phủ Australia vẫn có thể trao cho Lãnh thổ Yidinji kiểm soát hoặc công nhận chính trị ở “một mức độ hạn chế”, Twomey nói.

Walubara đã hứng chịu khá nhiều chỉ trích khi đòi chủ quyền cho Lãnh thổ Yidinji. Một số người khẳng định ông chỉ muốn gây chú ý, trong khi những người khác nói ông có ý định tốt song gần như chưa đạt được gì kể từ khi từ bỏ quốc tịch Australia vào 5 năm trước.

Người đàn ông lập quốc gia riêng cho mình

Murrumu Walubara và con trai tại Rạn san hô Great Barrier. Ảnh: NYTimes.

Tuy nhiên, vẫn có người miêu tả ông là nhà lãnh đạo táo bạo đang vạch ra hướng đi cho thế hệ tương lai. “Ông ấy là một trong những bô lão tuyệt vời nhất của mảnh đất này”, Isaac Cassady, 19 tuổi, tự coi mình là hậu duệ của người Yidinji, cho biết.

Đối với Walubara, con đường phía trước có thể cô đơn và trắc trở, nhưng ông vẫn tin một hiệp ước công nhận chủ quyền của Lãnh thổ Yidinji sẽ được ký trong đời mình. “Hòa bình luôn là con đường tốt nhất dù cho nó có thể là con đường dài nhất”, Walubara nói.

Theo VnExpress

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast