Sinh viên Trung Quốc vung tiền ở phương Tây

Tại trung tâm thương mại xa xỉ ở London, số sinh viên Trung Quốc mải mê mua sắm nhiều không kém giới nhà giàu châu Âu.

Sinh viên Trung Quốc vung tiền ở phương Tây

Một cửa hàng trang sức tại trung tâm thương mại Pháp Galeries Lafayette. Ảnh: SCMP .

Khách hàng chủ yếu của khu mua sắm Harrods sang trọng hay trung tâm thương mại Selfridges ở London, Anh trước đây thường là những người nghỉ hưu thuộc tầng lớp giàu có, khách du lịch châu Âu và các tín đồ thời trang địa phương. Nhưng những người bán hàng ở đây ngày càng quen thuộc với một tầng lớp khách hàng mới, đó là các du học sinh Trung Quốc “tiêu tiền không cần nghĩ”.

Cảnh tượng này không chỉ diễn ra ở thủ đô Anh. Trên những phố mua sắm tại Los Angeles, các sinh viên Trung Quốc từ Đại học California Los Angeles, Đại học Nam California và Đại học bang California chi mạnh tay không kém các sao Hollywood.

Ở Bờ Đông nước Mỹ, sinh viên Trung Quốc theo học trường thiết kế Parsons và Đại học Columbia chấp nhận chi số tiền lớn thuê những căn hộ trên Đại lộ số 5, một trong con phố mua sắm đắt đỏ nhất thế giới.

Khung cảnh tương tự diễn ra ở Melbourne, Paris và Vancouver, nơi giá thuê nhà đã tăng ở những khu vực được giới trẻ Trung Quốc ưa chuộng. Trong khi sinh viên bản địa thường chỉ mua các thương hiệu bình dân, du học sinh Trung Quốc được gia đình chu cấp khoản tiền đáng mơ ước.

Annabel Yao, sinh viên khoa học máy tính 22 tuổi của trường Harvard, là con gái của người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. Trên các trang mạng xã hội, cô đăng ảnh du lịch khắp thế giới với bộ sưu tập hàng hiệu đồ sộ.

Vương Tư Thông, con của một trong những người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm, đã học tại Đại học London (UCL). Anh từng mua đồng hồ thông minh cho chó cưng và trả 105 triệu USD cho một căn hộ trong khu phố thượng lưu Kensington.

“Đây là những khách hàng mà các nhãn hiệu săn đón”, Melody Yeh, giám đốc điều hành của Recenting Communications, công ty marketing có trụ sở tại London, nói. “Họ có sức mua lớn. Để có thể đến Anh du học, họ hẳn phải xuất thân từ những gia đình giàu có”.

“Chúng tôi tính toán rằng hàng năm một sinh viên Trung Quốc tại Anh chi khoảng 28.000 bảng (37.000 USD) cho mua sắm cá nhân, không tính tiền thuê nhà hay hóa đơn sinh hoạt. Mỗi sinh viên sẽ có khoảng 3-5 người từ Trung Quốc đến thăm mỗi năm và đương nhiên họ sẽ đi mua sắm với nhau. Vậy nên các thương hiệu muốn thu hút sự chú ý của họ”, Yeh cho biết.

Những sinh viên này ngày càng phổ biến ở các đại học phương Tây. Người Trung Quốc chiếm hơn 40% tổng số sinh viên quốc tế ở Anh năm ngoái và khoảng 33% ở Mỹ và Canada.

Sinh viên Trung Quốc vung tiền ở phương Tây

Annabel Yao tại dạ vũ thượng lưu ở Paris tháng 11/2018. Ảnh: Le Bal des Debutantes.

Cho con đi du học đã trở thành một trong những mục tiêu chính của cả người siêu giàu lẫn tầng lớp trung lưu khá giả ở Trung Quốc. Một cuộc khảo sát gần đây của Kai Tak Education cho thấy 83% triệu phú Trung Quốc muốn con cái đi du học, chủ yếu ở phương Tây. Dựa trên ước tính của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse rằng có hơn 100 triệu người Trung Quốc trong top 10% người giàu nhất thế giới, có thể thấy số lượng sinh viên Trung Quốc học ở phương Tây nhiều đến mức nào.

Làn sóng sinh viên Trung Quốc đổ vào các thành phố châu Âu và Mỹ đã tạo ra một ngành công nghiệp nhằm tiếp thị hàng hóa và dịch vụ cho họ. Có những trang web được viết hoàn toàn bằng tiếng Trung, tư vấn cho du học sinh Trung Quốc nơi mua sắm.

Tao Liang từng là sinh viên ở New York. Anh nổi tiếng trên mạng với biệt danh “Ngài túi xách”, có hơn 3,5 triệu người theo dõi trên Weibo và hơn 850.000 trên WeChat. Tháng 6 năm ngoái, chỉ trong 6 phút, Liang giúp một công ty đồ da Italy bán lượng túi xách trị giá 3,24 triệu NDT (460.000 USD). Năm kia, anh giúp một công ty xa xỉ phẩm Pháp bán số túi xách trị giá 1,2 triệu NDT trong 12 phút.

“Cách tốt nhất để thu hút sinh viên Trung Quốc này là nhắm vào các KOL (người có sức ảnh hưởng) Trung Quốc đang sống ở Mỹ hoặc Anh, vì các sinh viên sẽ theo dõi họ để học theo”, Yeh nói.

“Một điều quan trọng khác cần làm là quảng bá hàng hóa trên Weibo và WeChat vì các nghiên cứu cho thấy sinh viên thường gắn bó với các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc hơn là dùng ứng dụng quốc tế như Instagram hoặc Twitter”.

Yeh cũng cho rằng các hãng cần tiếp cận những khách hàng này bằng cách tạo sự gần gũi, như nhắm vào dịp năm mới âm lịch, ngày độc thân 11/11 và các Tuần lễ Vàng (những đợt nghỉ lễ kéo dài 7-8 ngày ở Trung Quốc). “Họ sống ở Anh hay Mỹ nhưng họ vẫn kỷ niệm những dịp đó và cách tiếp cận như vậy sẽ thu hút họ”, cô nói.

Những thương hiệu mang đậm bản sắc của nước bản địa cũng có thể thu hút sinh viên vì họ đang cố gắng thích nghi và hòa nhập với nơi sống mới. Được ưa chuộng không kém là các nhãn hàng cho phép sinh viên cá nhân hóa như tự thiết kế, trang trí để thể hiện cá tính của họ.

Mỹ vốn luôn là lựa chọn hàng đầu của du học sinh Trung Quốc, nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc chọn du học tại Anh thay vì Mỹ. Đây có thể là động lực lớn cho ngành công nghiệp thời trang Anh vốn gặp nhiều khó khăn kể từ khi nước này trưng cầu dân ý và quyết định rời EU năm 2016.

“Những bình luận của Trump về Trung Quốc xuất hiện đầy trên các mặt báo, ông ấy đang làm cho người Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc xin thị thực du học tại Mỹ. Kết quả là sinh viên Trung Quốc lần đầu tiên nói rằng Anh là lựa chọn đầu bảng của họ để du học. Điều này rất quan trọng đối với ngành thời trang địa phương”, Yeh cho biết.

Theo chuyên gia marketing này, Brexit và chủ nghĩa chống nhập cư gia tăng ở châu Âu sẽ phần nào tác động đến các du học sinh Trung Quốc, nhưng ảnh hưởng là không lớn. “Brexit làm cho đồng bảng hạ giá có nghĩa là giá cả ở London phải chăng hơn trước đây”, Yeh nói.

“Ngoài ra, Anh vừa nới lỏng thị thực làm việc cho sinh viên Trung Quốc, những người có bằng sau đại học ở Anh sẽ được phép làm việc tại đây trong hai năm sau đó. Điều đó rất hấp dẫn”, cô nói thêm.

Theo Phương Vũ/VNE/SCMP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast