Tham vọng địa chính trị của Liên minh châu Âu trong năm mới

Khép lại năm 2019, Liên minh châu Âu (EU) sau những bận rộn của cuộc bầu cử nghị viện châu Âu (EP) đã tìm ra được đội ngũ lãnh đạo mới và Brexit (nước Anh rời EU) cũng sẽ diễn ra ngày 31/1/2020 tới.

Tham vọng địa chính trị của Liên minh châu Âu trong năm mới

Cờ Liên minh châu Âu (phía trên) và quốc kỳ Anh bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những khó khăn, năm 2019 đánh dấu việc EU đã củng cố được không gian thương mại tự do tương đối vững chắc dù mối quan hệ thương mại với Mỹ vẫn còn nhiều sóng gió.

Khối cũng đã ít nhiều chứng tỏ được vai trò tiên phong cho tiến trình gắn kết toàn cầu trong một loạt vấn đề chiến lược như biến đổi khí hậu hay chống phố biến vũ khí hạt nhân.

Việc đội ngũ lãnh đạo mới của EU chính thức nhậm chức đầu tháng 12 và bắt đầu lên kế hoạch xây dựng một ủy ban địa chính trị cho nhiệm kỳ mới là bước tiến đáng ghi nhận trong bối cảnh nội tình chính trị của khối rơi vào cảnh phân tán chưa từng thấy.

Châu Âu đang chứng kiến cuộc đối đầu đầy căng thẳng giữa lực lượng ủng hộ hội nhập với phe của các đảng cực hữu, vốn ngả theo chủ nghĩa dân túy.

Cuộc bỏ phiếu bầu EP hồi tháng 5 đã tạo ra cục diện chính trị mới tại châu Âu khi liên minh hai đảng lớn lần đầu tiên bị mất đa số.

Quá trình bầu chọn 4 vị trí chủ chốt của khối cũng gập ghềnh gian nan, với các cuộc đàm phán thâu đêm để thống nhất được danh sách nhân sự. Tình trạng phân tán tại EP khiến EU phải đương đầu với nhiều thách thức để tìm được đồng thuận cho các quyết sách quan trọng.

Ảnh hưởng rõ nét đầu tiên của tình trạng trên chính là sự chậm trễ trong việc thành lập Ủy ban châu Âu (EC), toàn bộ thành phần EC cùng các nhà lãnh đạo chủ chốt của EU đã phải nhậm chức muộn mất một tháng so với dự kiến.

Tham vọng địa chính trị của Liên minh châu Âu trong năm mới

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu trong một cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngay khi tiếp quản vị trí, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã khởi động kế hoạch đầy tham vọng cho nhiệm kỳ mới mang tên “Thỏa thuận Xanh châu Âu” với mục tiêu đưa EU lên vị trí hàng đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu .

Một kế hoạch khẩn cấp nhằm ứng phó với tình trạng nóng lên rất đáng lo ngại của Trái Đất, trong bối cảnh năm 2019 đã được ghi nhận là một trong 3 năm nóng nhất kể từ năm 1850.

Năm 2019 cũng ghi nhận câu chuyện Brexit cuối cùng đã ngã ngũ. EU đã trải qua một năm đầy kịch tính với lộ trình Brexit , khi thời hạn chót ngày 29/3 đã bị lùi đến 3 lần, từ mốc 12/4 đến 31/10 và giờ đã được ấn định vào ngày 31/1/2020.

Việc Thủ tướng Anh Boris Johnson lên nắm quyền đã thay đổi được cục diện chính trường nước Anh và tạo bước đột phá cho Brexit.

Cuộc tổng tuyển cử tại Anh với kết quả chiến thắng mang lại đa số tuyệt đối cho đảng Bảo thủ của ông Boris Johnson là yếu tố quan trọng đảm bảo cho việc nước Anh sẽ rời EU trong trật tự.

Thủ tướng Boris Johnson cam kết sẽ hoàn tất thỏa thuận thương mại với EU trong vòng chưa đầy một năm, tuy nhiên thời hạn này bị Brussels coi là không thực tế.

Trong khi đó, ông Boris Johnson vẫn tin rằng nước Anh có thể ký kết thỏa thuận thương mại tự do với EU - đối tác thương mại lớn nhất của London - vào thời điểm kết thúc quá trình chuyển đổi, tức ngày 31/12/2020.

Là bên đi tiên phong trong bảo vệ không gian thương mại tự do đa phương, EU đã có một năm được coi là thành công trong việc duy trì và mở rộng không gian thương mại mở.

Tiếp theo sự kiện Hiệp định tự do thương mại EU-Nhật Bản chính thức được thực thi hồi tháng 2, EU đã ký Hiệp định tự do thương mại với Việt Nam vào tháng 6.

Tham vọng địa chính trị của Liên minh châu Âu trong năm mới

Ký kết Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Cùng với đó, EU và khối Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay) đã ký một khung thỏa thuận về thương mại tự do, và Hiệp định tự do thương mại EU-Singapore cũng được phê chuẩn vào tháng 11.

Hiện EU vẫn đang đàm phán với một số nước như Mexico, Australia, New Zealand nhằm hướng tới các hiệp định tự do thương mại song phương.

Ở chiều ngược lại, mối quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương lại đang đứng trước nhiều khúc mắc do chính sách “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump.

Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa EU và Mỹ, vốn đang trong tình trạng đình trệ, có thể đổ vỡ do chính sách đe dọa về thuế quan mà ông Trump nhắm vào các đồng minh chủ chốt trong EU.

Tổng thống Trump liên tục coi việc xuất khẩu các mặt hàng như nhôm, thép hay ô tô của EU là “mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ,” và Washington vẫn kiên quyết muốn áp thuế đối với nhiều mặt hàng của EU vì bất đồng trong vấn đề bảo trợ cho hai hãng chế tạo máy bay Airbus và Boeing, cũng như thuế công nghệ kỹ thuật số của Pháp.

“Bóng đen” của một cuộc song đấu thuế quan giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn đang hiện hữu và không loại trừ nguy cơ bùng nổ thành cuộc chiến thương mại vô cùng tốn kém, nhiều khả năng là chẳng có người thắng.

Trong các vấn đề đối ngoại, EU chủ trương tiếp cận hợp lý với Trung Quốc, đó là hợp tác khi có cùng lợi ích và lùi xa khi chạm tới “đường ranh giới đỏ.”

Năm 2020 sẽ là mốc thời gian rất quan trọng để chứng tỏ những cam kết đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc tháng 4/2019 và chứng minh mối quan hệ hợp tác giữa hai bên là hữu dụng.

Trong quan hệ với Nga, dù EU vẫn tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt và Moskva cũng duy trì các biện pháp đáp trả, song hai bên đã có những động thái nhằm ưu tiên đối thoại cũng như luôn nhận thức được vai trò của phía kia trong việc duy trì sự ổn định ở châu Âu.

Trong tình hình đó, EU vẫn luôn phải cố gắng lôi kéo Nga tham gia các cuộc đàm phán ngoại giao cấp cao, như trong vấn đề hạt nhận Iran, các cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine hay Libya.

EU cũng thể hiện sự kiên định trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh Washington và Tehran luôn có các hành động gây sức ép và đe dọa sử dụng sức mạnh khiến cho căng thẳng gia tăng. Tuy nhiên, nỗ lực của EU vẫn chưa mang lại kết quả khả quan.

Bước sang năm 2020, EU sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức cam go như những hậu quả của Brexit, vấn đề người di cư, thống nhất về ngân sách dài hạn, trong bối cảnh lợi ích của các quốc gia thành viên vẫn tồn tại nhiều khác biệt và không ít mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập.

EU, đi đầu là Pháp và Đức, còn dự tính xây dựng liên minh những nước ủng hộ chủ nghĩa đa phương, có thể bao gồm các quốc gia như Canada, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Mexico.

Một liên minh như vậy chắc chắn phải tìm ra được cách thức để tiếp cận cả Mỹ, Trung Quốc cũng như Nga. Để thực hiện kỳ vọng về một liên minh địa chiến lược mạnh và nâng tầm ảnh hưởng quốc tế, EU sẽ cần táo bạo và linh hoạt hơn trên mặt trận đối ngoại, cũng như phải chứng tỏ được hình ảnh và vị thế là một bên tham gia có trách nhiệm./.

Theo Kim Chung (TTXVN/Vietnam+)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast