Rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ để có giải pháp xử lý triệt để

(Baohatinh.vn) - Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (31/10), Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn cho rằng, những kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được nhân dân và cử tri đồng tình, củng cố thêm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước.

ra soat con bao nhieu du an thua lo de co giai phap xu ly triet de

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, năm 2017, đất nước ta phát triển trong điều kiện kiện khó khăn, thách thức, tình hình thế giới với những diễn biến khó lường, bất ổn về địa chính trị và diễn biến bất thường về thời tiết, biến đổi khí hậu..., nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Chính phủ và các địa phương, nước ta vẫn đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phòng chống tham nhũng, lãng phí... Nhân dân và cử tri đồng tình, củng cố thêm niềm tin vào đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước.

Với kết quả nổi bật về duy trì kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chuyển biến tích cực, có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước, với những nhân tố mới giúp nền kinh tế vượt qua một số khó khăn, thách thức, bước đầu thu được nhiều kết quả quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% GDP; có 13/13 chỉ tiêu ước đạt và vượt của năm 2017.

Điều mà đại biểu quan tâm nhất là chất lượng tăng trưởng đã được Chính phủ lựa chọn để chủ động điều hành và kiên định trong lúc phải đối mặt với sự sụt giảm của các lĩnh vực trụ cột như: khai khoáng và dầu mỏ giảm 8,08%, dầu thô sụt giảm gần 2 triệu tấn so với 2016...

Chính phủ đã lựa chọn và chỉ đạo tăng trưởng dựa trên sự bứt phá của sản xuất công nghiệp chế tạo, chế biến, linh kiện điện tử; xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI; tăng trưởng từ dịch vụ, du lịch và nông, lâm, thuỷ sản có bước đột phá.

Cùng với việc quan tâm thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đều đạt và vượt chỉ tiêu, có ý nghĩa hết sức quan trọng cho phát triển đất nước cho giai đoạn tới. Mặt khác, đại biểu đồng tình cao với nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn của Chính phủ về 6 nhóm tồn tại, hạn chế cần được phân tích và nhận thức sâu sắc để có giải pháp khắc phục và tạo đà cho mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn cũng cho rằng, Chính phủ chưa tập trung xử lý đồng bộ các dự án thua lỗ nặng (12 dự án của Bộ Công thương xử lý rất chậm), chưa giao Bộ, ngành, địa phương rà soát còn bao nhiêu dự án thua lỗ để có các giải pháp quyết liệt trong xử lý. Cần gắn cổ phần hóa với cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để báo cáo với Quốc hội và thông tin với cử tri.

Việc phân bổ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia đều chậm, lại nhiều vướng mắc trong thực hiện giải ngân nhưng thiếu chủ động, chậm tham mưu xử lý, gây ách tắc cho địa phương, cơ sở, ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Chính phủ, các bộ đã trả lời chất vấn trước Quốc hội, UBTVQH nhưng chậm điều chỉnh các chính sách, chậm vào cuộc để tháo gỡ cho sản xuất - kinh doanh. Chẳng hạn như giải cứu các sản phẩm của nông nghiệp, Bộ NN&PTNT nêu giải pháp hay nhưng cuối cùng cơ bản nhân dân vẫn tự chịu, tự giải cứu. Còn đầu vào sản xuất không thay đổi, giá thành vẫn cao như: giống, phân bón, thức ăn gia súc. Trong lúc sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi liên kết vẫn lúng túng, dư thừa, giá cả bấp bênh, thị trường đầu ra không ổn định, phần thiệt thòi vẫn là người sản xuất, người nông dân.

Quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vẫn còn bất cập, nhiều cơ chế chính sách vẫn chậm và khó vào cuộc sống để đáp ứng cho sản xuất, cho phát triển doanh nghiệp. Quản lý thị trường về hàng giả, hàng kém chất lượng, kể cả thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được khắc phục đã làm mất niềm tin người tiêu dùng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, đó là những vấn đề thể hiện sự yếu kém, chồng chéo của các cơ quan quản lý nhà nước.

Mặc dù, Chính phủ đã vào cuộc chỉ đạo quyết liệt nhưng một số bộ, ngành, cơ quan của Trung ương vẫn chưa sâu sát chủ động tháo gỡ cho các địa phương, vẫn chậm xử lý những vấn đề bức xúc từ cơ sở.

Ngoài những giải pháp về kinh tế vĩ mô ổn định để cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục có bước phát triển đạt những mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 như Chính phủ trình thì việc sớm khắc phục các hạn chế yếu kém trên sẽ tạo niềm tin, động lực cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, đại biểu mong muốn Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương có giải pháp kịp thời, cụ thể.

Nhân diễn đàn quan trọng này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn đã chuyển lời cảm ơn trân trọng của Đảng bộ, chính quyền và cử tri tỉnh nhà đến Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, các bộ, ngành trung ương cùng các địa phương và nhân dân cả nước đã hết lòng giúp đỡ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Tĩnh cũng như các tỉnh miền Trung trong phòng chống thiệt hại siêu bão số 10 vừa qua.

Sự quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ đã góp phần kịp thời khắc phục hậu quả bão lũ để nhân dân Hà Tĩnh sớm ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đọc thêm

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Ấm áp, nghĩa tình Ngày hội Đại đoàn kết

Hòa trong không khí của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, các khu dân cư ở Hà Tĩnh đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần gắn kết cộng đồng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2024

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, các nghị quyết chuyên đề, nỗ lực để đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ cả nhiệm kỳ.