Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

(Baohatinh.vn) - Gần 7 thập kỷ đã trôi qua nhưng mỗi khi tháng 5 về, lòng dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ về ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp 9 năm ròng rã “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

“Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”

Ngày 7/5/1954, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri, cáo chung số phận của bè lũ thực dân kiểu mới mưu toan cướp nước ta một lần nữa. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” ấy là biểu hiện sức mạnh của ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” như lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Chiều 7/5/1954, lá cờ của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Ảnh: Triệu Đại - TTXVN

Sau chiến thắng Việt Bắc 1947 và Chiến dịch biên giới Thu Đông 1950, trên cơ sở phân tích, đánh giá sâu sắc tình hình thế giới và trong nước, Trung ương Đảng đã đề ra Kế hoạch chiến lược Đông Xuân 1953-1954. Trong cuốn “Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký” (NXB Quân đội nhân dân - 2011, trang 888) tác giả đã viết về chiến trường Điện Biên Phủ như sau: “Cuộc hành binh đánh chiếm Điện Biên Phủ có bí danh là “Hải ly” (Castor).

Từ ngày 20 - 22/11/1953, địch đã ném xuống cánh đồng Mường Thanh 6 tiểu đoàn dù, khoảng 4.500 quân… Điện Biên Phủ thuộc tỉnh Lai Châu, không những giữ vị trí chiến lược quan trọng ở Tây Bắc mà còn trên cả chiến trường Đông Dương. Vùng này tiếp giáp với Thượng Lào và có những trục đường chạy về phía Nam xuống Trung, Hạ Lào, sang phía Tây tới Thái Lan, Miến Điện, lên phía Bắc tới Trung Quốc. Đây là vùng đông dân, trù phú, có cánh đồng rộng nhất ở Tây Bắc”.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cũng trong cuốn hồi ký này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Hạ tuần tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954. Đảng ủy chiến dịch được chỉ định gồm các anh: Hoàng Văn Thái, Tham mưu trưởng; Lê Liêm, Chủ nhiệm Chính trị; Đặng Kim Giang, Chủ nhiệm cung cấp. Tôi là Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch” (trang 896). Quân ta đã quyết tâm giữ vững thế chủ động, đánh địch cả chính diện và sau lưng, với phương châm tác chiến “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”, “đánh chắc thắng” để đánh bại Kế hoạch Na-va của địch”.

Bác Hồ đã chỉ đạo: Đây là chiến dịch có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng. “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” (trang 900). Lời dặn dò, cũng là mệnh lệnh, niềm tin và hy vọng Bác trao cho Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Bao nhiêu đêm mất ngủ, bao nhiêu cuộc thảo luận, bàn bạc, quyết định kéo pháo vào rồi lại kéo pháo ra, đó là những “đòn cân não” của người tổng chỉ huy, để cùng sức mạnh tổng hợp của toàn dân, quân đội ta đã đánh bại hoàn toàn Kế hoạch Na-va, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc quân đội Pháp phải đầu hàng, kết thúc chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.

“Bài ca hùng tráng về tầm cao văn hóa Việt Nam”

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kết quả của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam, đứng đầu là Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy chiến dịch; thể hiện đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, sáng tạo, “toàn dân, toàn diện”.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Tướng Đờ Cát-xtơ-ri đầu hàng trong chiều 7/5/1954. Ảnh: Tư liệu

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước nồng nàn, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sự sẵn sàng xả thân, hy sinh của toàn quân, toàn dân, là sự đoàn kết, quyết tâm của cả dân tộc. Những năm tháng ấy vẫn còn hiển hiện hào hùng trong từng thước phim tư liệu và từng câu thơ của Tố Hữu: Dốc Pha đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/ Dù bom đạn, xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh...

Chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mang ý nghĩa lịch sử to lớn, vừa mang tầm thời đại sâu sắc, làm sáng ngời chân lý: Một nước nhỏ, kinh tế chưa phát triển, nếu có một Đảng Mác-xít chân chính lãnh đạo, có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được thế giới đồng tình ủng hộ thì nhất định đánh bại mọi cuộc xâm lược của kẻ thù, dù kẻ thù mạnh hơn nhiều lần.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, bảo đảm hậu cầu cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN

Ngày 7/5/1964, tại lễ kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ đã viết vào sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”. Còn nhà nghiên cứu văn hóa Hà Đăng viết: “Đó là bài ca hùng tráng về tầm cao văn hóa Việt Nam”.

Trong thắng lợi chung của toàn thể dân tộc, có sự đóng góp không nhỏ của quân và dân Hà Tĩnh, mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng, luôn đi đầu trong mọi cuộc kháng chiến. Lịch sử ghi lại, giai đoạn cuối năm 1951 - đầu 1952, Hà Tĩnh đã bổ sung cho các đơn vị chủ lực 3.030 tân binh và bộ đội địa phương, huy động 9.602 dân công đi phục vụ chiến dịch Hòa Bình.

Bước sang giai đoạn 1953-1954, Hà Tĩnh được giao nhiệm vụ huy động nhân tài, vật lực phục vụ chiến dịch Trung Lào. Đây là một hướng chiến lược quan trọng của ta trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chỉ sau một thời gian ngắn, Nhân dân Hà Tĩnh đã đóng góp trên 1.000 tấn thóc, 2.500 chiếc khăn tay, 1.200 mũ lá... Các gia đình đã không ngừng động viên người thân, chiến sĩ Điện Biên vững vàng vào trận đánh.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Triệu Đại - TTXVN

Ngày 13/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, nhiều người con ưu tú của quê hương đã xả thân quên mình, sẵn sàng hy sinh. Điển hình là liệt sĩ Phan Đình Giót đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai cho đạn địch khỏi bắn ra, đồng đội tiến lên tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Trên mặt trận vận tải, tiếp tế, dân công và TNXP Hà Tĩnh đã sát cánh với các đơn vị bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu của Hà Tĩnh như: Tiểu đoàn 290 bộ đội địa phương, Đại đội dân công Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, dân quân xã Cẩm Nhượng; các anh hùng: Phan Đình Giót, Nguyễn Xuân Lực, Nguyễn Đô Lương…

Điện Biên Phủ hôm nay…

Thời gian càng lùi xa càng làm sáng rõ những giá trị lớn lao của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một “thiên sử vàng” chói lọi, “chấn động địa cầu”, soi sáng đến muôn đời sau.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Toàn cảnh di tích Đồi A1 – nơi diễn ra những trận đánh ác liệt nhất và quan trọng nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh Báo Quân đội nhân dân.

Điện Biên sau gần 70 năm đã hồng hào da thịt, xanh ngời sức sống, trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng. Khu di tích chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần, là địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cả nước. Khu di tích mỗi ngày đón hàng nghìn bước chân của các thế hệ người Việt Nam và du khách nước ngoài về tham quan chiến trường xưa, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của núi rừng Tây Bắc.

Vẫn còn đó hầm Đờ Cát-xtơ-ri, vẫn còn đó Đồi A1, Đồi Độc lập, Him Lam… ghi dấu “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng chí không mòn” của các chiến sĩ Điện Biên.

Sáng mãi thiên sử vàng Điện Biên

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ và trưng bày trên 1.000 hiện vật trong chiến dịch. Ảnh Báo Quân đội nhân dân.

Và, trong nghĩa trang liệt sĩ Đồi A1 ở TP Điện Biên, 644 ngôi mộ của các cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có các anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Trần Can… vẫn ngát hương hoa mỗi ngày như lời tri ân của các thế hệ mai sau đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Núi rừng Tây Bắc mãi mãi ôm ấp, ru ngủ linh hồn những người con bất tử của dân tộc.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Chủ đề 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Đọc thêm

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Chung tay bảo vệ an ninh biên giới

Dưới sự chủ trì phối hợp của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh, các lực lượng công an, quân sự, hải quan, kiểm lâm… đã cùng vào cuộc hiệu quả chung tay bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.