Thời điểm hiện tại, vị thôn trưởng này đã rời khỏi địa phương vì lý do gia đình. Cũng trong 5 năm ấy, thôn không có thêm một km đường, không có nổi nhà văn hóa sinh hoạt chung, các tổ chức trong thôn hoạt động ì ạch.
Một số hộ dân xóm 5 (cũ) thuộc thôn Bình Minh đã chủ động trừ hành lang đường giao thông nội thôn để đón đầu chương trình nông thôn mới.
Sáp nhập thôn, người dân không thuận
Ra đời vào tháng 7/2012 trên cơ sở sáp nhập xóm 4 và 5, thôn Bình Minh như tên gọi của nó, vẫn sơ khai như những ngày đầu chưa sáp nhập. Con đường đi vào thôn vẫn mang hình dáng cũ: nhỏ hẹp, quanh co, khuất lấp bởi những bờ bụi. Con đường ấy hàng ngày cõng trên thân mình hàng trăm dân phu đi lao động, hàng trăm học sinh tới trường. Tất cả họ, dầu lứa tuổi khác nhau nhưng đều mang trong mình tâm thức của xóm 4, xóm 5 cũ. Hẳn là vì vậy mà đến nay, bộ máy thôn vẫn chưa được rạch ròi.
“Chi bộ là một, thôn trưởng lâm thời là một nhưng mặt trận, hội phụ nữ mỗi xóm vẫn một người, đoàn thể thì không sinh hoạt, đã lâu rồi, dân cũng không tham gia họp thôn” - một phụ nữ xóm 5 cho hay. Người này cho biết: “Dân ở đây không muốn nhập thôn vì điều kiện canh tác rất phức tạp. Có đến 6 – 7 cánh đồng, có nơi giáp tận Vĩnh Lộc, Thượng Lộc nên bất tiện. Trong khi đó, thôn 7, 8 là thôn có lãnh đạo xã ở gần nhau, điều kiện canh tác thuận lợi thì lại không sáp nhập”.
“Nói là dân biết, dân làm, dân kiểm tra, dân có quyền nhưng việc nhập thôn dân không biết. Vì “quan cứ lệnh, lính cứ truyền” nên người dân không nghe. Việc này nói thật ra là tại xã - một cụ bà ngoài 60 ở xóm 5 thẳng thắn.
Dừng xe chở cháu đi học về, cụ ông ngoài 70 thuộc xóm 4 (cũ) trao đổi: “5 năm rồi không bầu được thôn trưởng. Thiệt thòi cho người dân là giờ làm NTM mà không được một mét đường, nước non ngoài đồng không có người bảo vệ”.
Biểu hiện mất dân chủ, duy ý chí
“Dân làng không biết. Cứ nghe nói nhập, rồi tổ chức bầu thôn trưởng chứ dân không biết nên 3 lần bầu mà vẫn không thành công, có những lần trống dong cờ mở” - câu nói của cụ ông xóm 4 (cũ) hẳn sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ; ngay cả khi Bí thư Đảng ủy xã Lê Xuân Khanh khẳng định: “Chủ trương sáp nhập đã bàn kỹ trong BCH Đảng bộ. BCH cũng cho ý kiến về việc đặt tên các thôn”.
Bởi vì, chủ trương đã bàn kỹ, đảng viên toàn đảng bộ đã biết cớ sao việc sáp nhập lại không thành, nhiều người dân lại trả lời là không hay biết chủ trương? Vậy từ chủ trương của xã đến sự đồng thuận của người dân (nhất là một thôn gần trụ sở xã như Bình Minh) lỗi ở công đoạn nào, liên quan đến tổ chức, cá nhân nào? Điều này hẳn là đảng ủy, chính quyền xã Trung Lộc nhận biết rõ. Ấy vậy mà, thời điểm này, quan điểm của Bí thư Đảng ủy xã Trung Lộc vẫn quả quyết: “Quy trình sáp nhập thôn hết sức chặt chẽ”. Nhưng, trái khoáy và nghịch lý là, chính ông thừa nhận: “Chỉ mắc ở chỗ là người dân chưa đồng thuận”.
Sự vênh nhau đến buồn cười giữa các câu khẳng định của Bí thư Đảng ủy xã đã cho thấy những vấn đề nội tại của cấp ủy, chính quyền nơi đây trong cách vận hành bộ máy, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, cách phát huy dân chủ ở cơ sở.
Nói về thôn Bình Minh, một lãnh đạo huyện Can Lộc cho biết: “Huyện đã mất rất nhiều công sức trong việc bàn bạc và trực tiếp làm việc với xã, thôn. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã trực tiếp về chỉ đạo, phân công một đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy phụ trách mà vẫn chưa thành công. Đây là biểu hiện của duy ý chí, việc bàn và đưa ra chủ trương chưa trúng, chưa đúng”.
Lãnh đạo này còn cho hay, câu chuyện này đã được huyện nêu và phân tích nhiều lần giữa hội nghị cốt cán toàn huyện nhằm mục đích để các xã, thị trấn rút ra bài học kinh nghiệm, đồng thời thấy được phương thức lãnh đạo của Đảng, cách thức vận hành bộ máy ở cơ sở sao cho phát huy dân chủ, tạo đồng thuận trong nhân dân.
Trên đường từ thôn Bình Minh ra tỉnh lộ, tôi nhận thấy, một số hộ dân đã chủ động dời hàng rào, trừ hành lang để đón đầu công cuộc xây dựng NTM. Một cụ bà xóm 5 (cũ) cho hay: “Dân không nghe Đảng thì nghe ai. Không bầu được cán bộ, bà con cũng có nhiều thiệt thòi. Nói thật là, cán bộ xã cũng khổ, cán bộ huyện cũng khổ theo”.
Niềm trắc ẩn của người dân đã bộc bạch, điều quan trọng là cấp ủy, chính quyền nơi đây có đúc rút sâu sắc thành bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, mà cốt lõi là phát huy dân chủ trên địa bàn cả cho hôm nay và lâu dài về sau.