Góp sức cùng cả nước hướng tới chấm dứt AIDS vào năm 2030

(Baohatinh.vn) - Đẩy mạnh điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, dự phòng trước phơi nhiễm HIV là những giải pháp được Hà Tĩnh triển khai mạnh mẽ để cùng cả nước hướng tới chấm dứt AIDS vào năm 2030.

Thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS được ngành Y tế Hà Tĩnh tập trung triển khai mạnh mẽ với nhiều giải pháp đồng bộ và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.

bqbht_br_anh-hiv-2a.jpg
Bệnh nhân HIV đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh thăm khám.

Khi biết bản thân bị nhiễm HIV, chị V.T.V.A (TX Hồng Lĩnh) đã rơi vào trạng thái tuyệt vọng. Tuy nhiên, qua các lần thăm khám và được cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn các giải pháp để chung sống với bệnh, chị đã mạnh dạn và tự tin hơn bằng cách xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, tuân thủ lịch khám và uống thuốc ARV theo chỉ định.

Với chị N.T.L (huyện Kỳ Anh), trước khi sinh con đã không biết mình bị nhiễm HIV. Đến tháng 8/2024, khi làm thủ tục sinh con, cảm thấy tình trạng sức khỏe không ổn định nên khi đi khám và xét nghiệm, chị phát hiện mình bị nhiễm HIV.

“Lúc đó, tôi hết sức hoảng loạn và lo lắng; lo cho mình một thì lo cho con mười. Sau khi trấn tĩnh lại, tôi nhanh chóng đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để được các bác sỹ tư vấn. Tại đây, tôi và con đã được lập hồ sơ, bệnh án, kiểm tra sức khỏe tổng thể, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để điều trị HIV/AIDS”.

Nhờ tuân thủ việc uống thuốc và điều trị đúng cách nên sức khỏe chị L. và con của mình đều ổn định. Hằng ngày, chị L. vẫn đi làm bình thường và hòa nhập tốt với cộng đồng.

bqbht_br_anh-hiv-4.png
Người nhiễm bệnh HIV được cấp phát thuốc ARV.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích đến tháng 11/2024, trên địa bàn Hà Tĩnh phát hiện 1.250 người nhiễm HIV, trong đó có 641 trường hợp nhiễm HIV còn sống, được quản lý và điều trị bằng ARV, 414 trường hợp tử vong do AIDS, 195 trường hợp không có mặt trên địa bàn. Đến nay, 13/13 huyện, thị xã, thành phố và 216/216 xã, phường đều có người nhiễm HIV/AIDS. Riêng 10 tháng năm 2024, tại Hà Tĩnh phát hiện mới và quản lý 38 trường hợp nhiễm HIV, trong đó có 31 trường hợp lây truyền qua quan hệ tình dục, chủ yếu ở độ tuổi trưởng thành, người lao động. Người nhiễm HIV tập trung ở những nhóm có hành vi nguy cơ cao như người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm và người có quan hệ tình dục đồng giới.

Để phòng chống hiệu quả HIV/AIDS, dưới sự hỗ trợ của Dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung mạnh mẽ cho công tác truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV. Đặc biệt, chú trọng mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS.

bqbht_br_anh-hiv-5a.jpg
Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tư vấn điều trị PrEP cho người chưa nhiễm HIV.

Ngành Y tế Hà Tĩnh đã tổ chức nhiều chương trình thông tin, giáo dục truyền thông cho các đối tượng nghiện ma túy, các đối tượng có nguy cơ cao và cộng đồng dân cư thông qua mạng lưới cộng tác viên. Phối hợp với các ban, ngành tổ chức truyền thông bằng các hình thức nói chuyện, phát tờ rơi về kiến thức phòng, chống HIV. Tổ chức các chương trình tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV với mục tiêu mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm.

Tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, ngành y tế đã phối hợp tuyên truyền cho hơn 400 người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình can thiệp dự phòng, hơn 1.600 trường hợp được xét nghiệm sàng lọc HIV miễn phí tại các cơ sở y tế.

Để góp sức cùng cả nước hướng tới mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030, một trong những giải pháp trọng tâm, cấp bách mà ngành y tế sẽ triển khai trong thời gian tới là thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông, quảng bá các hoạt động dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS ở các tuyến. Thực hiện tốt việc tiếp cận tư vấn cho nhóm nguy cơ cao làm xét nghiệm HIV và đa dạng hóa các mô hình xét nghiệm ở tất cả các tuyến. Đẩy mạnh hoạt động can thiệp bơm kim tiêm cho nhóm nghiện chích ma túy, can thiệp bao cao su, chất bôi trơn cho MSM (quan hệ tình dục đồng giới) tại các địa phương. Đặc biệt là duy trì hiệu quả hoạt động điều trị trước phơi nhiễm, tăng cường truyền thông để thu dung thêm bệnh nhân mới tham gia điều trị bằng Methadone. Tiếp tục tuyên truyền và triển khai hiệu quả việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

BS Phùng Bình Văn - PGĐ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Mở rộng danh mục thuốc bảo hiểm y tế, tăng quyền lợi cho người bệnh

Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước trên thế giới có danh mục thuốc tương đối đầy đủ, toàn diện và mở rộng so với mức phí đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, danh mục thuốc đó còn nhiều bất cập, hạn chế, cho nên Bộ Y tế đang xây dựng quy định mới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của người tham gia BHYT.
“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.