Trong vai là một cặp vợ chồng hiếm muộn, nhóm phóng viên chúng tôi tìm tới nhà của ông Phạm Đình Báu, còn được gọi là "Cậu Báu", sống tại xã Đồng Tiến (xã Thạch Trị cũ) với mục đích xem bói cầu con.
Có lẽ vì nắm được thông tin chúng tôi đi cầu tự mà sau khi hướng dẫn thắp hương, xào bài, rồi đến bốc lượt bài đầu tiên, "Cậu Báu" đã ngay lập tức hù dọa: “Có 2 vong nhi 1 gái, 1 trai, là con không may sa sẩy của vợ chồng em đi theo đứng ở ngoài sân nhà kìa”.
Thật kỳ lạ bởi “Cậu Báu” nổi tiếng xem bài chuẩn, dự báo được vận mệnh con người, soi chiếu được âm dương… thế nhưng lại không hề nhận ra 2 người đang ngồi trước mặt không phải là vợ chồng, con cái đều đã đề huề chứ không hề hiếm muộn.
Càng kỳ lạ hơn, "cậu" còn soi rõ, kể tường tận, vanh vách căn nhà của chúng tôi ra sao, đặt ở vị trí nào, mặc dù, chúng tôi không hề sống dưới một mái nhà…
Những màn hù dọa, ma mị cứ liên tiếp diễn ra. Từ con cái không thuận, đến đất đai không yên, rồi nhắc cả những người đã khuất về báo tin… Mục đích cuối cùng, "Cậu Báu" chốt lại là phải làm ngay một số lễ giải hạn, cầu siêu, cầu an… thì cuộc sống của “vợ chồng giả” chúng tôi mới có thể thuận lợi, hanh thông.
Từ việc chuẩn bị đồ cúng, đồ hàng mã, cho tới thực hiện lễ cúng, ông sẽ “bao trọn gói” với giá 10 triệu đồng. Quan trọng nhất, "Cậu Báu" nhấn mạnh phải làm lễ thì mới có thể có con được, còn nếu không thì có đi chữa trị ở bệnh viện cũng vô phương cứu chữa.
Không chỉ ông Phạm Đình Báu “phán” chúng tôi phải làm lễ cầu an giải hạn, mà ông Phạm Trương Cương, hay còn gọi là “Cậu Cương”, sống tại phường Thành Sen (phường Tân Giang cũ) cũng đốc thúc chúng tôi phải thực hiện lễ giải hạn, cầu an, cầu lộc, cầu tài như vậy, chỉ khác là với giá 5 triệu đồng.
Ông Cương còn khẳng định, vợ chồng hiếm muộn là do chưa làm lễ, chỉ cần làm lễ xong thì trong năm nay sẽ lập tức có tin vui.
Khi phóng viên hỏi thêm: “Làm lễ xong là sẽ đậu con đúng không thầy?”, thì ông Cương khẳng định: “Quan trọng nhất phải làm lễ cho được việc. Bài nổi lên đây như thế này là có con”.
Để tăng thêm phần thuyết phục, ông Cương đã đưa một bản danh sách rất dài, có nhiều người từng được ông đứng ra chủ trì làm lễ cầu an, giải hạn với nhiều giá tiền khác nhau. Người 1 triệu, người 2-3 triệu, có người thì 5 triệu đồng, đều được ông cẩn thận ghi lại trong một cuốn sổ.
Tiếp tục tìm tới một địa chỉ xem bói khá nổi tiếng, bà Nguyễn Thị Lương hay còn gọi là "Cô Lương" ở xã Kỳ Hoa, chúng tôi lại thêm một lần nữa bị hù dọa bởi những chiêu trò ma mị, sặc mùi mê tín dị đoan.
Có thể kể đến việc bà Lương phán tôi thường xuyên mộng mị, mơ thấy “bề trên”, để rồi chốt lại: "Phải làm lễ thì mọi việc mới suôn sẻ".
Thực tế cho thấy, phần lớn các hình thức bói toán hiện nay đều dựa trên những suy đoán mơ hồ, đánh vào tâm lý yếu đuối của con người, chứ không hề có cơ sở khoa học hay chứng cứ thực tiễn nào. Lợi dụng niềm tin, kỳ vọng vào các "giá trị hư vô", không ít thầy bói đã thực hiện chiêu trò hù dọa để người xem bỏ ra một số tiền lớn làm lễ nhằm trục lợi. Điều đáng nói, các hoạt động mê tín dị đoan như thế này đang diễn ra ở nhiều nơi, nhưng công tác phát hiện, xử lý, bài trừ vẫn đang bị không ít địa phương ngó lơ.
Ông Nguyễn Văn Học - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh cũ cho biết: “Để phát hiện, xử lý hành vi bói toán tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi nắm được những thông tin cụ thể hơn thì thời gian sắp tới sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đồng thời nghiêm khắc xử lý.”
Ranh giới giữa niềm tin tâm linh lành mạnh và mê tín dị đoan rất mong manh. Người dân cần nhận thức rõ rằng, việc xem bói không phải là phương pháp khoa học đáng tin cậy để đưa ra quyết định trong cuộc sống. Chúng ta nên đặt niềm tin vào bản thân, chủ động, tích cực hơn đối với sức khỏe, công việc và cuộc sống. Quan trọng nhất là phải có sự hợp tác từ cả cộng đồng để xây dựng một môi trường sống lành mạnh, để từ đó bài trừ mê tín dị đoan.