Chạy đua nghiên cứu thuốc kháng virus, vắc-xin ngừa nCoV

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) từ Trung Quốc đã lan rộng ra nhiều nước châu Á, lan sang cả châu Âu, châu Úc và Bắc Mỹ (26 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Thế giới đang tiến hành nghiên cứu thuốc điều trị và vắc-xin ngừa nCoV để sớm đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Các nước ứng phó nCOV ra sao?

Mỹ ban bố tình trạng y tế khẩn cấp, cấm nhập cảnh đối với công dân của tất cả các nước vừa tới Trung Quốc trong vòng 2 tuần qua. Người dân Mỹ vừa từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - vùng tâm dịch sẽ được giám sát y tế trong vòng 14 ngày. Nhà Trắng cho biết sẽ cung cấp nơi ở cho 1.000 người cần theo dõi y tế tới ngày 29/2. Bốn cơ sở quân sự ở California, Colorado và Texas mỗi cơ sở sẽ cung cấp 250 phòng bệnh.

Hơn 300 công dân Ấn Độ và 100 công dân Đức đã được sơ tán khỏi tâm dịch Hồ Bắc. Thái Lan cũng sẽ sơ tán công dân khỏi Hồ Bắc trong những ngày tới. Nga sẽ sơ tán hàng trăm công dân vào thứ 2 và thứ 3, đồng thời dừng chương trình du lịch visa miễn phí đối với công dân Trung Quốc. Anh tuyên bố sẽ rút hàng chục nhà ngoại giao ra khỏi Trung Quốc đại lục.

Trung Quốc đã đề nghị Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ gửi trang thiết bị y tế từ các nước EU. Nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy chuyến hoặc dừng chuyến khứ hồi tới Trung Quốc.

Nhiều nước trên thế giới từ chối du khách nhập cảnh từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo người đứng đầu WHO, điều này có hại hơn là có lợi, bởi nó hạn chế chia sẻ thông tin, cung ứng thuốc men và ảnh hưởng tới các nền kinh tế. WHO khuyến cáo dùng máy đo thân nhiệt tại các cửa khẩu, cảnh báo việc đóng cửa đường biên giới có thể làm tốc độ lây lan virus gia tăng bởi sẽ xảy tình trạng nhập cảnh “chui”.

Chạy đua nghiên cứu thuốc kháng virus, vắc-xin ngừa nCoV

Các nhà khoa học hy vọng vắc-xin mới ngừa nCoV sẽ được thử nghiệm trên người vào đầu mùa hè 2020.

Kế hoạch thử nghiệm thuốc remdesivir ở Trung Quốc

Remdesivir, loại thuốc kháng virus đã được sử dụng để điều trị trên người mắc nCoV đầu tiên ở Mỹ, theo đăng tải trên tập san y khoa New England Journal of Medicine ngày 30/1. Mỹ sẵn sàng làm việc với các quan chức y tế Trung Quốc để thử nghiệm lâm sàng loại thuốc kháng virus này trên bệnh nhân nCoV. Trong các nghiên cứu trước đây, loại thuốc này đã kháng được các loại virus Corona, bao gồm SARS và MERS-CoV.

Remdesivir từng được sử dụng trong trường hợp tình trạng khẩn cấp khi dịch bệnh Ebola hoành hành ở Congo. Nó từng là 1 trong 4 biện pháp điều trị được thử nghiệm lâm sàng đối với dịch Ebola.

Vắc-xin ngừa nCoV sẽ sớm được thử nghiệm trên người

WHO đang điều phối các hoạt động toàn cầu nhằm tìm ra vắc-xin mới ngừa nCoV. Liên minh sáng kiến chuẩn bị cho dịch bệnh (Cepi) gồm nhiều chính phủ và các tổ chức từ thiện trên thế giới tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin ngừa nCoV. WHO cho biết, đang theo dõi sát sao tiến triển của một loạt cơ sở nghiên cứu vắc-xin, bao gồm 3 cơ sở do Cepi tài trợ.

Không giống như nhiều đại dịch trước đó, phải mất tới hàng năm trời để phát triển vắc-xin, nghiên cứu ra một loại vắc-xin để đẩy lùi dịch nCoV nhanh chóng được tiến hành sau khi xác định ra virus.

INO-1800, vắc-xin ngừa nCoV dựa vào công nghệ ADN hy vọng sẽ sớm được thử nghiệm trên người vào đầu mùa hè năm nay. Sau khi Trung Quốc giải mã gene và cung cấp chuỗi gene ADN của virus nCoV, phòng thí nghiệm Inovio ở San Diego, Mỹ thông qua trí tuệ nhân tạo đã thiết kế ra vắc-xin trong vòng 3 giờ đồng hồ. Vắc-xin ADN rất mới mẻ bởi sử dụng cách xếp chuỗi gene ADN từ virus để nhắm tới những phần cụ thể của mầm bệnh mà cơ thể sẽ đề kháng mạnh mẽ nhất. Sau đó, INO-1800 sử dụng chính tế bào người bệnh để trở thành “một nhà máy” sản xuất vắc-xin, tăng cường cơ chế kháng virus tự nhiên của cơ thể.

Ngoài ra, Cepi cũng đang tài trợ 2 chương trình khác để phát triển vắc-xin ngừa nCoV. Đại học Queensland, Australia đang tiến hành nghiên cứu một loại vắc-xin ở cấp độ phân tử, “có khả năng nhắm trúng đích và sản sinh vắc-xin nhanh chóng chống lại mầm bệnh đa virus”. Viện Các bệnh Dị ứng và bệnh Truyền nhiễm quốc gia Mỹ cũng đang đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin ngừa nCoV.

WHO sẽ quyết định vắc-xin nào được thử nghiệm trên người đầu tiên vào những ngày tới. Thử nghiệm lâm sàng cần thời gian và nên được tiến hành ở vùng tâm dịch. Bà Ana Maria Henao-Restrepo từ chương trình khẩn cấp về y tế của WHO cho biết: “Các chuyên gia sẽ xem xét nhiều tiêu chí, bao gồm mức độ an toàn, phản ứng miễn dịch phù hợp và thời gian cung ứng liều lượng vắc-xin khả thi.”

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast