Người Việt mất 10 năm ốm đau, bệnh tật khi về già

Dù tuổi thọ trung bình thuộc hàng cao, nhưng số năm sống khoẻ mạnh của người Việt lại thấp. Theo báo cáo trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta mắc ít nhất 3 bệnh mãn tính.

Người cao tuổi Việt Nam có tới 10 năm sống không khoẻ

Năm 2011, khi Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa, số người trên 60 tuổi chiếm 9,9%. Năm 2018, con số này tăng lên thành 11,9%. Chúng ta cũng là một trong những nước có tốc độ già hoá nhanh nhất thế giới.

Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số, tức là cứ 4 người dân có một người cao tuổi.

Với người cao tuổi, tuổi thọ tăng kéo theo gánh nặng bệnh tật. Sức khỏe người cao tuổi Việt Nam còn nhiều hạn chế. Tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ khoảng 64 tuổi. Nghĩa là người già Việt Nam có tới gần 10 năm sống “không khoẻ”. 96% người mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây nhiễm.

Theo điều tra, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y. Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, ung thư, bệnh hô hấp, thoái hoá khớp, đột quỵ, loãng xương, sa sút trí tuệ….

Trung bình một người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh, họ cần nhiều thời gian điều trị hay thậm chí phải điều trị suốt đời. Một số nghiên cứu của Bệnh viện Lão khoa Trung ương còn cho con số giật mình hơn: Trung bình một người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính, như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, xương khớp…

Người Việt mất 10 năm ốm đau, bệnh tật khi về già

Người cao tuổi ở Việt Nam thường mắc nhiều bệnh cùng lúc, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường… Ảnh minh hoạ

Hệ thống chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi Việt Nam đang rất thiếu trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, việc thiếu các bệnh viện lão khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh, mà có tới 5-6 bệnh kèm theo. Hiện tại, bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa đều thiếu. Thậm chí, thiếu cả người hỗ trợ, chăm sóc điều trị, nên việc chăm sóc người cao tuổi vẫn chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân.

Bên cạnh đó, tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu còn thiếu các dịch vụ quản lý bệnh mạn tính và chăm sóc dài hạn cho đối tượng này, là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ phát hiện và điều trị bệnh ở mức rất thấp. Số liệu toàn quốc cho thấy trong số người cao tuổi đang quản lý điều trị thì chỉ có 9% bệnh nhân tăng huyết áp và dưới 6% bệnh nhân đái tháo đường là được cấp thuốc tại trạm y tế xã, còn lại hầu hết phải đi lên cơ sở y tế tuyến trên để khám và lĩnh thuốc định kỳ.

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi từ tuyến y tế cơ sở

Hiện nay, Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm phù hợp với giai đoạn dân số già và gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi.

Các Chương trình, Chiến lược, kế hoạch, hành động quốc gia về dân số, dinh dưỡng, phòng chống bệnh không lây nhiễm được ban hành trong thời gian gần đây đều nhấn mạnh vai trò của “phòng” hơn là “chống” lão hoá.

Theo các khuyến nghị từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), can thiệp dinh dưỡng và hoạt động thể lực đều đặn với cường độ hợp lý được coi là phương pháp tiếp cận thực tế, hiệu quả để chống viêm và làm chậm quá trình lão hóa. Công thức cho “lão hóa khỏe mạnh” phải liên quan đến cả chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động về thể chất.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sức khoẻ Việt Nam trong đó đặt mục tiêu 100% trạm y tế các xã/phường triển khai chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng vào năm 2025.

Để thực hiện những mục tiêu này, Chương trình đề ra các giải pháp về quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành.

Chương trình cũng nêu rõ, ngành Y tế cần truyền thông hướng dẫn người dân phòng chống yếu tố nguy cơ, phát hiện sớm dấu hiệu bệnh cũng như hướng dẫn tự tuân thủ điều trị cho người dân;

Đồng thời xây dựng và cung cấp các hướng dẫn chuyên môn, tăng cường đào tạo tập huấn về chăm sóc người cao tuổi kết hợp quản lý bệnh mạn tính tại cộng đồng cho cán bộ y tế tuyến cơ sở và cho người chăm sóc; Triển khai chăm sóc dài hạn lồng ghép quản lý bệnh không lây nhiễm cho người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng;

Xây dựng các gói dịch vụ y tế cơ bản về bệnh mạn tính và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế và khả năng của ngân sách nhà nước; Thực hiện quản lý sức khỏe và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi, bảo đảm mỗi người cao tuổi được định kỳ kiểm tra huyết áp, xét nghiệm đường máu và các chỉ số cơ bản khác.

Theo VNN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast