Ung thư tự hết - Hư cấu hay có thật?

Việc thổi phồng khả năng tự hết của bệnh nhân ung thư là việc chẩn đoán thiếu chính xác cũng như hiệu quả của các phương pháp thiếu khoa học như chích lễ, cúng bái, thực phẩm chức năng... Vậy trên ung thư tự hết là hư cấu hay có thật?

Ung thư tự hết - Hư cấu hay có thật?

Hiện tượng khối u tự biến mất mà không cần điều trị đã được ghi nhận từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên, trường hợp đầu tiên được mô tả khá chi tiết trong y văn thuộc về một linh mục trẻ tên Peregrine vào thế kỷ XIII. Peregrine bị khối u lở loét, gây nhiễm trùng nặng tại chân và các lương y tại thời điểm đó đã quyết định phải cắt bỏ chân là cách duy nhất có thể cứu mạng bệnh nhân. Tuy nhiên, điều kỳ diệu là đêm trước mổ, khối u đã tự nhỏ lại và biết mất, Peregrine sống khỏe mạnh đến 85 tuổi và được phong thánh sau đó.

Năm 1891, Coley, một bác sĩ trẻ tại bệnh viện Memorial (New York) chứng kiến một bệnh nhân bị khối u ác tính tái phát nhiều lần tại gò má, khối u không thể được cắt bỏ triệt để và bị nhiễm trùng nặng. Điều ngạc nhiên và thú vị là sau khi bệnh nhân vượt qua được đợt nhiễm trùng thì khối u cũng tự biến mất.

Điều này khiến Coley tập trung nghiên cứu vào tương quan giữa nhiễm trùng và khối u, Coley cho rằng sau khi cơ thể trải qua đợt nhiễm trùng nặng có thể tình cờ khởi phát các cơ chế miễn dịch, chống lại vi trùng và chống lại cả khối u, nhờ đó giúp bệnh nhân khỏi bệnh.

Coley tiếp tục phát triển một số độc tố từ vi khuẩn và tiêm vào bệnh nhân và một số, không phải tất cả, bệnh nhân có đáp ứng. Tuy nhiên, các hạn chế về phương tiện chẩn đoán cũng như ghi nhận hồ sơ tại thời điểm đó đã không chứng minh được hiệu quả chắc chắn của phương pháp Coley. Thêm nữa, gây nhiễm khuẩn nặng cho bệnh nhân được xem là “con dao hai lưỡi” khi chưa có được các kháng sinh hiệu quả và chăm sóc bệnh nhân tốt vào thời điểm đó. Một số bác sĩ cố gắng bắt chước theo Coley, tuy nhiên kết quả đạt được không rõ ràng.

Phương pháp của Coley không còn được áp dụng trong y học hiện đại. Theo đó, bệnh ung thư được xem là một căn bệnh mạn tính và điều trị phải phối hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… và không phải nhiễm khuẩn nào cũng tốt. Trong đó, có nhiều loại vi khuẩn hoặc virus làm tăng nguy cơ ung thư như Helicobacter pylori trong ung thư bao tử hoặc virus viêm gan b , C gây ung thư gan. Nhưng Coley được xem là người khởi xướng cho điều trị miễn dịch trong bệnh ung thư.

Một số nhà nghiên cứu cũng ghi nhận tỉ lệ nghịch giữa bệnh nhiễm trùng và ung thư. Cũng như một số vaccine, ví dụ BCG ngừa bệnh lao, có thể giúp giảm nguy cơ ung thư máu hoặc u sắc tố da ác tính.

Như vậy, hiện tượng ung thư tự hết là có thật và được ghi nhận trong y văn, đối với nhiều loại ung thư khác nhau, như ung thư máu, ung thư vú, các loại ung thư ở trẻ em… Tuy nhiên, tỉ lệ có thể chỉ là 1/100.000 (100.000 bệnh nhân ung thư có thể có 1 người tự hết), theo ghi nhận của một bác sĩ người Pháp từ những năm 1960. Nhưng thực tế có thể thấp hơn nhiều và ngoài yếu tố miễn dịch như trên, có thể có thêm nhiều yếu tố khác mà chúng ta chưa biết hết.

Một lý do quan trọng trong việc thổi phồng khả năng tự hết của bệnh nhân ung thư là việc chẩn đoán thiếu chính xác cũng như hiệu quả của các phương pháp thiếu khoa học như chích lễ, cúng bái, thực phẩm chức năng .... Chẩn đoán ung thư phải bao gồm đánh giá diễn tiến bệnh, các xét nghiệm như chụp CT scan, MRI … và xét nghiệm chính xác khối u. Nếu thiếu các yếu tố này việc kết luận một khối u nào đó ác tính là thiếu cơ sở.

Hiện tại, việc điều trị ung thư đã có nhiều tiến bộ, chẳng hạn thuốc tamoxifen trong điều trị ung thư vú có thụ thể nội tiết dương tính, tamoxifen giúp giảm nguy cơ tái phát đến 50% và nguy cơ tử vong do bệnh đến 30% với chi phí rất thấp và tác dụng phụ không đáng kể, điều này đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu lớn. Do đó, nếu chẳng may bạn hoặc người thân mắc bệnh ung thư, bạn nên đến bác sĩ để chọn cách điều trị tốt nhất dựa trên khoa học, hơn là chờ đợi một phép màu mà không biết khi nào sẽ đến.

Theo Ths.BS Nguyễn Triệu Vũ/SKĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast