Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Đức Thọ về công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn
Trên địa bàn huyện Đức Thọ hiện có 72 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia và 57 di tích văn hóa cấp tỉnh.
Từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành, với sự kết hợp của các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý chuyên ngành, công tác bảo tồn, trùng tu và quản lý di tích trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, không có hiện tượng xâm hại, lấn chiếm, tranh chấp. Bên cạnh công tác bảo tồn, huyện Đức Thọ còn làm tốt công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư, con em xa quê để trùng tu, tôn tạo nhiều di tích với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh ltrao đổi với Ban quản lý đền Liên Minh (Đức Thọ)
Tuy nhiên, do điều kiện khí hậu, thiên nhiên khắc nghiệt, hậu quả của chiến tranh đã làm các di tích bị xuống cấp, hư hỏng. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên còn hạn hẹp nên nhiều di tích bị xuống cấp.
Công tác tổ chức bộ máy nhân sự các cấp và cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ; việc phân cấp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích vẫn còn nhiều vấn đề cần được điều chỉnh bổ sung cho phù hợp với sự phát triển chung của xã hội và những quy định chung của pháp luật.
Thăm đền Trung xã Tùng Ảnh (Đức Thọ), ngôi đến có niên đại hàng trăm năm tuổi nhưng vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản
Ngoài các ý kiến thảo luận của các đại biểu tham dự buổi giám sát, lãnh đạo huyện Đức Thọ đã nêu ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo tồn các di tích văn hóa lịch sử.
Theo đó, cần tăng mức đầu tư cho công tác bảo tồn di sản văn hóa, tiếp tục hoàn thiện các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, khắc phục tình trạng chồng chéo, hoặc buông lỏng quản lý…
Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ Trần Hoài Đức đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đánh giá cao những nỗ lực của huyện Đức Thọ trong công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Đức Thọ là địa phương sở hữu nhiều loại hình văn hóa phong phú, có giá trị lớn về mặt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng. Do đó, thời gian tới, huyện cần tập trung khai thác các nguồn kinh phí để nâng cấp, sửa chữa những di tích văn hóa, lịch sử xứng tầm để không chỉ bảo tồn, gìn giữ mà còn thu hút du khách, tăng nguồn thu cho địa phương.
* Một số di tích xuống cấp; công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý và chuyện môn nghiệp vụ thiếu... là những trăn trở mà huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nêu tại buổi làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND về công tác quản lý di sản văn hóa trên địa bàn.
Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh chủ trì buổi làm việc
Theo báo cáo của huyện Kỳ Anh, hiện nay trên địa bàn có 13 di tích đã được công nhận, trong đó có 11 di tích cấp tỉnh, 2 di tích cấp quốc gia, ngoài ra còn có 37 di tích chưa được xếp hạng. Có 2 loại hình di sản văn hóa phi vật thể là: dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và hát sắc bùa. Thời gian qua, Kỳ Anh đã quan tâm đến công tác quản lý đối với các di sản văn hóa phi vật thể; phối hợp với các xã thống kê, kiểm tra các di tích xuống cấp và tiến hành sửa chữa, trùng tu.
Nghệ nhân ưu tú Trần Khánh Cẩm: Các cấp, ngành cần quan tâm, hỗ trợ để các CLB Dân ca hoạt động, phát huy hiệu quả, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương
Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, lãnh đạo huyện Kỳ Anh nêu một số tồn tại, hạn chế như: Một số di tích xuống cấp, chưa được đầu tư kịp thời, ảnh hưởng đến tuổi thọ di tích; công tác xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa chưa đạt kết quả tốt; đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên môn nghiệp vụ về văn hóa, quản lý di tích còn thiếu; nguồn ngân sách của địa phương đầu tư để tôn tạo, sửa chữa di tích chưa đáng kể; ý thức bảo vệ di tích của một số người dân còn thấp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh Nguyễn Xuân Thủy: Chính phủ và các bộ ngành trung ương, tỉnh cần có chính sách thiết thực trong công tác tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đang xuống cấp
Huyện Kỳ Anh kiến nghị, Chính phủ và các bộ ngành trung ương cần có chính sách thiết thực trong công tác tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa đang xuống cấp; các sở, ban ngành cấp tỉnh có sự khảo sát cụ thể các di tích trước khi bố trí hỗ trợ kinh phí chống xuống cấp để đảm bảo đầu tư đúng mục tiêu; tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn di tích...
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh lưu ý huyện Kỳ Anh cần tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Các nội dung kiến nghị, đề xuất của huyện sẽ được đoàn tổng hợp trình kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới.
Đoàn đi thực tế di tích lịch sử đền Phương Giai