Tết của người Việt ở Thủ đô Vientiane

(Baohatinh.vn) - Đến hẹn lại lên, khu chợ Khuadine ở trung tâm Thủ đô Vientiane tấp nập kẻ bán người mua mỗi dịp tết cổ truyền của người Việt.

Chủ các sạp hàng ở khu chợ này chủ yếu là bà con người Lào. Họ dựng sạp hàng kiểu thời vụ. Chị Lat Insaphane, người dân quận Hatxaiphong, Thủ đô Vientiane sống cách chợ Khuadine khoảng 20 km có mặt ở chợ này từ cách đây một tuần.

Tết của người Việt ở Thủ đô Vientiane

Nhiều mặt hàng phục vụ tết truyền thống của người Việt được bày bán tại khu chợ.

Chị Lat Insaphane cho biết, năm nào chị cũng xem lịch truyền thống của người Việt để đặt hàng từ các huyện cách xa Vientiane hàng trăm cây số đem hàng về bán. Các mặt hàng thiết yếu được bày bán là những thứ mà người Việt thường sắm sửa cho dịp tết cổ truyền như: lá dong, lạt tre, măng, nấm, rau rừng, hoa mai rừng... Mỗi dịp như thế này, chị Lat Insaphane cũng thu nhập khoảng 20 - 30 triệu kíp (tương đương 60 - 80 triệu đồng).

Hằng năm, bà Van Inthaxay (70 tuổi, quận Chanthabouri) đều xem lịch để gom các loại hàng mã, hoa quả, bánh kẹo, giò chả về chợ Khuadine. “Tôi bán ở đây 5 ngày rồi. Hàng hóa của tôi chủ yếu phục vụ người Việt và người Trung Quốc” – bà Van Inthaxay cho hay.

Tết của người Việt ở Thủ đô Vientiane

Bà Van Inthaxay bên sạp hàng phục vụ tết truyền thống của người Việt, Trung Quốc.

Đang tất bật lựa chọn hàng hóa, chị Nguyễn Thị Quy - Việt kiều sinh ra và lớn lên tại Lào, hiện sống ở quận Chanthabouri, Thủ đô Vientianne cho biết, gia đình chị vẫn giữ tục cúng ông Công, ông Táo. Sau khi cúng ông Táo xong mới mua lá dong để gói bánh chưng. “Việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống này là cách để gia đình tôi luôn nhớ quê hương gốc gác, luôn nhớ mình là người Việt. Ngày tết, chúng tôi thường sum vầy và chia sẻ với nhau những thông tin của quê hương”, chị Nguyễn Thị Quy cho hay.

Mua nhiều lá dong và lạt tre để sau lễ cúng ông Táo, gia đình chị Chanthon Aphilom (quận Sikhottabong) sẽ sum vầy gói bánh chưng. Chị Chanthon Aphilom quê gốc là dân tộc Thái Đen từ tỉnh Sơn La. Hiện các thành viên trong gia đình chị Chanthon Aphilom đều mang quốc tịch Lào nhưng mỗi năm, đại gia đình chị vẫn ăn tết theo phong tục Việt Nam.

Tết của người Việt ở Thủ đô Vientiane

Chị Hồ Nguyệt Ly mua sắm lễ vật để chuẩn bị cho tết cổ truyền của người Việt.

Chia sẻ về việc chuẩn bị cho dịp tết truyền thống của Việt Nam, chị Hồ Nguyệt Ly (quận Chanthabouri) nói: “Ngày cúng ông Táo, chúng tôi mua lễ vật về thắp hương, làm mâm cơm cúng bái tổ tiên, cúng các vị thần linh, không thả cá nhưng cúng cá; nhà nào có điều kiện thì mua cá thả xuống sông”.

Vui nhất là những ngày áp tết, bà con Việt kiều sống tại Thủ đô Vientiane sum vầy, quây quần ngồi gói hàng trăm chiếc bánh chưng. Được biết, ở Thủ đô Vientiane có Câu lạc bộ “Đồng hương Xiengkhuang” là một cộng đồng của kiều bào Việt Nam sinh sống tại Lào. Câu lạc bộ này đã thành lập 15 năm và có nhiều hoạt đông gắn kết được chính quyền và các tổ chức xã hội của Lào đánh giá cao.

Mỗi năm vào dịp tết, bà con gói hàng trăm cái bánh chưng phần thì cho gia đình, họ hàng, phần làm quà biếu cho bà con người Lào để cùng chia sẻ niềm vui ngày tết.

Ông Sinhthong Singhapannha (người dân Thủ đô Vientiane) bày tỏ: “Tôi đã được đến chung vui tết cùng bà con người Việt. Tôi rất hào hứng vì được ăn bánh chưng, được tham gia văn nghệ với bà con. Tôi thấy nhiều người Việt ở Lào giữ được phong tục tết cổ truyền của dân tộc mình, điều này nuôi dưỡng nét đẹp ăn hóa Việt để không bao giờ bị mai một…”.

Chủ đề Hội nhập Quốc tế

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.
'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

'Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối' vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng

Ra mắt ngày 4/4 tại các rạp trên toàn quốc, bộ phim lịch sử, chiến tranh cách mạng do tư nhân đầu tư vốn “Địa đạo – Mặt trời trong bóng tối” đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả khắp cả nước. Chỉ sau 2 ngày công chiếu chính thức, 4 ngày chiếu sớm, bộ phim đã vượt qua mức doanh thu 45 tỷ đồng và tiếp tục tăng.
Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ “Hồng Lĩnh tự hào địa linh”

Dạ hội văn nghệ với chủ đề “Hồng Lĩnh tự hào địa linh” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách về tham dự Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại TX Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).
Ngôi nhà trí tuệ - nơi lan tỏa tinh thần học tập

Ngôi nhà trí tuệ - nơi lan tỏa tinh thần học tập

Trải qua 4 năm triển khai, mô hình "Ngôi nhà trí tuệ" tại Hà Tĩnh đã khẳng định vai trò thúc đẩy phong trào khuyến học và xây dựng xã hội học tập tại các địa phương. Đây là nơi cung cấp nguồn tài liệu, sách báo phong phú đáp ứng nhu cầu học tập của người dân ở mọi lứa tuổi.