Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Trump dọa rút Mỹ khỏi WTO: Ngày 13/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nếu các điều kiện không được cải thiện.
"Chúng ta sẽ rời đi nếu chúng ta buộc phải làm vậy", Tổng thống Trump khẳng định trong cuộc trò chuyện với các công nhân khi tới thăm nhà máy hóa chất Shell ở Pennsylvania.
Trước đó, Tổng thống Trump đã nhiều lần công kích WTO cũng như đe dọa sẽ rút khỏi tổ chức này khi cho rằng Mỹ đã bị đối xử không công bằng và khẳng định Washington không cần phải tuân theo các quy định của WTO.
Ông Trump đặc biệt chỉ trích các điều khoản dành cho Trung Quốc khi nước này tham gia WTO, cũng như phàn nàn về việc các công ty Trung Quốc "trộm cắp" công nghệ Mỹ.
(Ảnh minh họa: CNN)
Hàn Quốc bắt đầu quá trình loại Nhật Bản khỏi "Danh sách trắng": Yonhap đưa tin Bộ Thương mại Hàn Quốc ngày 14/8 đã bắt đầu quá trình loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Đây được coi là một động thái kiểu ăn miếng trả miếng trong bối cảnh tranh cãi thương mại đang leo thang giữa hai nước láng giềng châu Á này.
Trước đó trong tuần này, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định sửa đổi việc phân loại các đối tác thương mại của mình thành ba nhóm từ hai nhóm hiện tại, đặt Tokyo vào nhóm ở giữa (nhóm thứ hai).
Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết việc phân loại lại các đối tác thương mại của nước này sẽ có hiệu lực sau khi lấy ý kiến người dân trong vòng 20 ngày và các đánh giá pháp lý. Tokyo đã nằm trong danh sách 29 quốc gia hàng đầu của Seoul được hưởng thủ tục xuất khẩu ưu đãi, và là thành viên của 4 thỏa thuận kiểm soát xuất khẩu hàng đầu của thế giới, trong đó có Thỏa thuận Wassenaar.
Trước đó, Bộ Thương mại Hàn Quốc cho biết nhóm mới được thiết lập, giữa hai nhóm hiện có, là dành cho một quốc gia tham gia bốn thỏa thuận quốc tế nói trên "nhưng vận hành một hệ thống kiểm soát xuất khẩu vi phạm các quy tắc quốc tế".
Mỹ bất ngờ hoãn đánh thuế với một số mặt hàng Trung Quốc. (Ảnh: EPA)
Mỹ bất ngờ tuyên bố hoãn tăng thuế hàng hóa Trung Quốc: Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ thông báo Washington sẽ hoãn tăng thuế 10% với một số hàng hóa Trung Quốc cho đến ngày 15/12 thay vì đầu tháng 9.
"Trong quá trình đánh giá và điều trần công khai của văn phòng thương mại, quyết định được đưa ra là việc đánh thuế sẽ được hoãn lại cho tới ngày 15/12 với một số mặt hàng nhất định. Các sản phẩm trong nhóm này bao gồm: điện thoại di động, máy tính xách tay, máy chơi game, một số đồ chơi, màn hình máy tính và một số mặt hàng giày dép và quần áo", tuyên bố từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra hôm 13/8 nêu rõ.
Một số mặt hàng khác cũng sẽ được đưa ra khỏi danh sách bị đánh thuế dựa trên các tiêu chí về “sức khỏe, an toàn, an ninh quốc gia và các yếu tố khác". Trước đó, Tổng thống Trump khiến thị trường thế giới chao đảo vào sáng 2/8 với tuyên bố áp thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ ngày 1/9.
Nhà thờ Đức Bà tại Paris được tu sửa sau vụ cháy kinh hoàng ngày 31/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giới chức Pháp cảnh báo nguy cơ Nhà thờ Đức Bà Paris bị sập: Chính phủ Pháp ngày 14/8 cảnh báo Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đối mặt với nguy cơ bị sập trong bối cảnh một số phần đã bị rơi trong suốt đợt nắng nóng vừa qua tại nước này.
Bộ Văn hóa Pháp khẳng định cần phải có biện pháp cấp bách nhằm đảm bảo an toàn cho phần cấu trúc còn lại của Nhà Thờ Đức Bà, vốn đang trong quá trình xử lý ô nhiễm chì.
Bộ này cho biết kể từ sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào tháng 4 vừa qua, các công tác tại Nhà thờ Đức Bà cho tới nay chỉ nhằm đảm bảo phần cấu trúc còn lại không bị sập, chứ chưa tập trung vào việc khôi phục lại công trình kiến trúc này. Theo Bộ Văn hóa Pháp, mới đây, một số tảng đá lớn từ mái vòm của gian giữa đã rơi xuống do nắng nóng và nhiệt độ cao.
Trẻ em gái tại trại tị nạn ở Nyala, khu vực Darfur, Sudan. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Chưa đến 50% trẻ em các nước phía Nam sa mạc Sahara được đăng ký khai sinh: Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) bày tỏ quan ngại về thực trạng chưa đến 50% trẻ em tại các nước ở phía Nam sa mạc Sahara của châu Phi được đăng ký khai sinh sau khi ra đời.
UNICEF đánh giá tỷ lệ sinh cao cùng với xu hướng thay đổi chậm hiện nay có thể dẫn đến tình trạng vào năm 2030, khoảng 115 triệu trẻ em ở khu vực nói trên chưa được đăng ký khai sinh, khiến các nước này khó có thể đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững với mục đích cung cấp danh tính pháp lý cho tất cả người dân, bao gồm việc đăng ký khai sinh. Số trẻ em không được đăng ký khai sinh sẽ lớn lên “vô hình”, không được chính quyền thừa nhận về sự tồn tại thực tế và về mặt pháp lý.
UNICEF nêu rõ giấy khai sinh giúp chính phủ thống kê chính xác được số trẻ em sinh ra và trẻ em không có giấy khai sinh sẽ rất dễ bị từ chối tiếp cận nhiều dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giáo dục và trợ giúp xã hội. Những em này lớn lên sẽ không thể chứng minh tuổi tác, cha mẹ hoặc danh tính, hay không được cấp hộ chiếu. Trẻ em chưa đăng ký khai sinh hoặc giấy tờ hợp pháp khác cũng thường xuyên phải chịu sự phân biệt đối xử và ngược đãi. Do không thể chứng minh được nhân thân, tuổi tác, những trẻ em này thường trở thành nạn nhân của lao động hoặc buôn bán trẻ em, hôn nhân cưỡng ép, tảo hôn.