Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ kêu gọi Anh rời EU mà không cần thỏa thuận: Trả lời phỏng vấn tờ The Sunday Times trước thềm chuyến thăm London của Vương quốc Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nước Anh nên rời Liên minh châu Âu (EU) mà không cần có thỏa thuận và từ chối thanh toán hóa đơn “ly hôn” trị giá 39 tỷ bảng (khoảng 45 tỷ euro hay 50 tỷ USD) được thống nhất trước đó.
Bình luận trên của Tổng thống Trump được đưa ra sau khi ông nói với The Sun rằng ông nghĩ cựu Ngoại trưởng Anh Boris Johnson sẽ là một Thủ tướng “xuất sắc” thay thế bà Theresa May, người dự kiến sẽ từ chức vào ngày 7/6 tới sau khi Quốc hội Anh một lần nữa từ chối thỏa thuận Brexit, chỉ việc nước Anh rời khỏi EU.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh trong ba ngày từ 3/6. Trong chuyến thăm lần này, ông Trump sẽ có cuộc gặp với Nữ hoàng Anh Elizabeth II và có cuộc hội đàm với Thủ tướng Theresa May.
Người dân tham gia biểu tình tại Algiers của Algeria. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chưa có ứng viên hợp lệ, Algeria hủy kế hoạch bầu cử tổng thống: Ngày 2/6, Hội đồng Hiến pháp Algeria thông báo nước này sẽ không tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/7 như kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là do hồ sơ đăng ký tranh cử của hai ứng cử viên đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện và đã bị loại.
Theo thông báo của Hội đồng Hiến pháp Algeria, cơ quan này đã bác đơn ứng cử của hai ứng cử viên độc lập, gồm ông Abdelhakim Hamadi - một tiến sĩ chuyên ngành dược phẩm, và ông Hamid Touahri - một kỹ sư bảo dưỡng máy bay đã nghỉ hưu.
Do đó, Hội đồng này khẳng định không thể tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/7. Thông báo này đã được phát trên kênh truyền hình quốc gia.
Giới chuyên gia luật cho biết trong trường hợp không có ứng cử viên nào hợp lệ, Hội đồng Hiến pháp sẽ viện tới Điều 103 trong Hiến pháp, theo đó quy định hoãn bầu cử tối đa 60 ngày nếu gặp các trở ngại nghiêm trọng. Tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah sẽ tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu đất nước cho tới khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức.
Bà Andrea Nahles, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội (SPD) tại cuộc họp báo ở Berlin ngày 27/5. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội Đức tuyên bố từ chức: Ngày 2/6, bà Andrea Nahles, Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội (SPD) - đối tác trong liên minh cầm quyền ở Đức - đã tuyên bố từ chức chủ tịch đảng và chủ tịch đảng đoàn SPD ở Quốc hội, động thái làm gia tăng nguy cơ đẩy chính phủ liên minh vốn đang gặp nhiều khó khăn tới bờ vực sụp đổ.
Liên minh giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel và SPD ngay từ đầu đã bị cho là một liên minh không vững chắc. Sau khi thất bại cuộc bầu cử năm 2017, SPD ban đầu tuyên bố trở thành đảng đối lập tại Đức nhưng sau đó lại tiếp tục hợp tác với CDU bất chấp sự phản đối của nhiều thành viên trong đảng.
Kể từ đó, chỉ số tín nhiệm của SPD liên tục suy giảm. Kết quả thăm dò hôm 1/6 cho thấy chỉ số tín nhiệm dành cho SPD chỉ ở mức 12% trong khi tín nhiệm dành cho đảng Xanh đối lập liên tục tăng và đạt 27% ý kiến ủng hộ. Với kết quả này, đảng Xanh vượt qua cả đảng CDU của Thủ tướng Merkel (26%) để trở thành đảng chính trị nhận được nhiều ủng hộ nhất tại Đức, một tín hiệu càng làm cho liên minh cầm quyền lung lay.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo ở Washington D.C, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)
Mỹ sẵn sàng đàm phán vô điều kiện với Iran: Ngày 2/6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Washington sẵn sàng đàm phán với Iran một cách vô điều kiện.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Thụy Sĩ Ignazio Cassis, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định Washington đã chuẩn bị để đối thoại với Tehran một cách vô điều kiện nhưng vẫn nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép để kiềm chế hành động của Iran.
Bình luận trên của ông Pompeo đánh dấu lần đầu tiên kể từ khi đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, chính quyền Mỹ nhấn mạnh rõ ràng quan điểm sẵn sàng đàm phán với Tehran mà không có điều kiện ràng buộc.
Hồi năm ngoái, cũng chính Ngoại trưởng Pompeo đã công bố danh sách 12 yêu cầu "hà khắc" mà Iran cần phải thực hiện trước khi đạt được "thỏa thuận mới" với Mỹ, đặc biệt tập trung chi tiết vào chương trình tên lửa của quốc gia Hồi giáo và về những ảnh ảnh hưởng của Tehrran trong khu vực.
Kể từ đó tới nay, quan hệ Mỹ- Iran vẫn chìm trong căng thẳng và ngày càng leo thang đặc biệt sau khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt và không ngừng gia tăng áp lực với Iran.
Phiến quân NPA tại dãy núi Sierra Madre, Philippines tháng 11/2016. (Ảnh: AP)
Không có người Việt thương vong trong vụ nổ mìn ở Philippines: Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines được cơ quan chức năng sở tại thông báo có hai công dân Việt Nam trên đoàn xe bị tấn công nhưng không ai bị thương. Đại sứ quán đang phối hợp với giới chức sở tại để tìm hiểu thông tin của hai người này và sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao.
Nhóm phiến quân Quân đội Nhân dân Mới (NPA) ngày 30/5 kích hoạt một quả mìn chống bộ binh nhằm vào đoàn xe chở binh sĩ Philippines, các tình nguyện viên địa phương cùng quan sát viên Việt Nam, Myanmar, Malaysia và Indonesia đi ngang qua thị trấn Impasugong thuộc tỉnh Bukidnon, miền nam Philippines.
Đoàn này giám sát hoạt động của tổ chức phi chính phủ địa phương trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa người bản địa. Ít nhất 11 người bị thương trong vụ tấn công, gồm 7 binh sĩ Philippines.