Ai cho trêu trọng tài?

Bóng đá Anh nếu cứ động đến trọng tài là phức tạp, và bản thân FA cũng không dám động tới, nên chỉ biết... phạt những ai "phạm húy".

Ryan Babel và bức ảnh trọng tài Howard Webb mặc áo Manchester United trên trang Twitter cá nhân của mình
Ryan Babel và bức ảnh trọng tài Howard Webb mặc áo Manchester United trên trang Twitter cá nhân của mình

1. Ryan Babel đang đứng trước nguy cơ bị phạt vì một tấm ảnh. Anh đã dùng tài khoản mạng xã hội Twitter của mình để đăng tấm ảnh trọng tài Howard Webb mặc áo Manchester United kèm dòng viết: “Thế mà người ta nói rằng ông ấy là trọng tài tốt nhất. Đúng là trò đùa”, ám chỉ đến quyết định có lợi cho M.U mà ông này đưa ra ở trận đấu vòng 3 FA Cup với Liverpool mới đây.

Babel sau đó đã lên tiếng xin lỗi. Nhưng FA vẫn quyết tâm điều tra. Và động thái này đang gây ồn ào trong dư luận. Nếu bị phạt, Babel sẽ là cầu thủ bóng đá đầu tiên nhận án vì một dòng chia sẻ trên trang mạng cá nhân.

Không chỉ có HLV Kenny Dalglish của Liverpool bảo vệ Babel, mà chủ tịch Hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) Gordon Taylor cũng tỏ ra rất bực tức. Theo ông, FA đang làm nghiêm trọng hóa một câu chuyện phiếm. “Anh ấy chỉ bày tỏ cảm xúc của mình. Sự hài hước và các quan điểm luôn là một phần của bóng đá”.

2. Đầu tiên phải khẳng định rằng Babel không phải là người đầu tiên dùng Twitter để chia sẻ quan điểm với CĐV. Và anh lại càng không phải là người duy nhất dùng Twitter tạo ra các scandal. Kể từ ngày mạng xã hội này trở nên phổ biến, có hàng loạt ngôi sao đã rơi vào cảnh dở khóc dở cười vì những phát ngôn trên đó.

Năm 2009, Darren Bent đã chửi thậm tệ chủ tịch Daniel Levy của Tottenham trên Twitter vì trì hoãn vụ chuyển nhượng anh sang Sunderland.

Hồi tháng 11, trưởng bộ phận thể lực Darren Burges của Liverpool cũng chỉ trích nặng nề FA vì chấn thương của Steven Gerrard trong trận giao hữu Anh - Pháp.

Tuần trước, cầu thủ Marvin Morgan của Aldershot còn dùng Twitter gửi thông điệp đến CĐV: “Tao ước chúng mày chết hết đi”. Sau những chuyện ấy không ai bị phạt hay cảnh cáo. Dù những phát biểu đó, suy cho cùng, cũng làm hại hình ảnh của bóng đá Anh chẳng kém gì trò đùa photoshop của Babel.

Như thế là các cầu thủ và HLV có thể ngang nhiên chửi bất cứ ai: khán giả, báo chí, chủ tịch, thậm chí là… liên đoàn. Nhưng trọng tài thì không. Chuyện như thể FA “có tật giật mình”. Chất lượng trọng tài xứ này thì từ lâu đã không còn đáng bàn đến.

3. Nếu lập luận rằng phát biểu của một cầu thủ, dù là trên sân, ngoài đời hay trên Internet, đều có tính đại diện cho bóng đá, thì có lẽ chẳng có thứ hành động nào của anh ta là không gây ảnh hưởng lên đám đông.

Babel chửi đổng Howard Webb trên trang mạng cá nhân sẽ không khác với việc anh đánh nhau trong một quán bar ở Liverpool: cả hai hình ảnh đều sẽ xuất hiện ồ ạt trên các báo Anh ngay sáng ngày hôm sau và đến tay cả triệu người.

Nhưng trong trường hợp thứ hai, sẽ chẳng ai phạt Babel. Và có lẽ quyết định phạt một cầu thủ vì một dòng trên Twitter sẽ gián tiếp xóa đi cái ranh giới giữa con người đời sống - con người bóng đá của anh ta.

Không có sự riêng tư, không có quan điểm, không đùa cợt gì nữa, cầu thủ buộc phải biến thành một tấm áp phích phẳng trơn cho giải đấu và cho CLB của mình. Nếu Ryan Babel bị phạt thật, thì có lẽ chưa có ở thời đại nào đời sống riêng tư của một ngôi sao lại tiềm ẩn nhiều mối nguy cho anh ta đến thế.

Nói chung, ở Anh cứ động đến trọng tài là phức tạp. Và có lẽ bởi vì nó phức tạp quá, nên chính FA cũng chẳng dám cải tổ mớ lộn xộn ấy nữa, mà chỉ biết… phạt tất cả những ai động đến chất lượng trọng tài Anh.

Theo Baobongda.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast