Giải vô địch bóng chuyền Cúp quốc gia 2013: Dư âm buồn!

Thành công của giải là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, có quá nhiều những dư âm buồn khiến người hâm mộ không khỏi phiền lòng...

Giải vô địch bóng chuyền Cúp quốc gia 2013 do Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh đăng cai tổ chức kéo dài từ ngày 5 - 19/10 với 37 trận thi đấu của 10 đội. Giải có ý nghĩa quyết định thứ hạng cho các CLB bóng chuyền hàng đầu của quốc gia. Do đó, không khí mùa giải luôn diễn ra hết sức gay cấn với nhiều kịch tính hấp dẫn, cuốn hút người xem.

Khán đài luôn rất đông người xem
Khán đài luôn rất đông người xem

Thành công của giải là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bóng chuyền Việt Nam đang còn bất cập về đội ngũ kế cận vì các danh hiệu cá nhân đang thuộc về nhóm VĐV cao tuổi nhất. Khâu tổ chức, điều hành giải của BTC địa phương vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng giải đấu.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam - Nguyễn Bá Nghị cho rằng: Hệ thống cơ sở vật chất của BTC địa phương chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ các giải đấu tầm cỡ quốc gia vì nhà thi đấu chưa có thảm rải sàn, cột lưới không đạt tiêu chuẩn, hệ thống vệ sinh công cộng chưa được quan tâm. Việc BTC bố trí VĐV đi chung cửa với khán giả càng thêm lộn xộn, làm mất mỹ quan của một giải đấu quốc gia.

Còn BTC địa phương thì luôn kêu lỗ, khiến dư luận đặt câu hỏi: Việc đăng cai tổ chức giải đấu lần này của ngành VH-TT&DL Hà Tĩnh nhằm mục đích kinh doanh hay phục vụ người hâm mộ?

Giải vô địch bóng chuyền Cúp quốc gia được tổ chức tại Hà Tĩnh lần này có rất nhiều nhà tài trợ và theo quy định của Liên đoàn, mỗi đội bóng tham dự giải phải nộp lệ phí thi đấu 20 triệu đồng/năm, ngoài ra, còn phải tự túc tiền ăn ở, tàu xe đi về. Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam chi trả toàn bộ kinh phí ăn ở, đi lại làm nhiệm vụ cho BTC điều hành, giám sát. Tiền thưởng của giải đã có nhà tài trợ lo.

Đông đảo khán giả đến cổ vũ trận chung kết nữ giải vô địch bóng chuyền Cúp quốc gia 2013.
Đông đảo khán giả đến cổ vũ trận chung kết nữ giải vô địch bóng chuyền Cúp quốc gia 2013.

Như vậy, ngoài các nội dung đã ký hợp đồng với Liên đoàn, BTC địa phương chỉ lo công tác phục vụ sân bãi. Trong khi đó, lượng khán giả đến xem bình quân chiếm gần nửa số ghế của nhà thi đấu, các trận bán kết và chung kết thì gần kín khán đài. Mỗi vé vào sân được BTC bán với giá 50.000 đồng, ngoài ra, còn các khoản thu dịch vụ xe máy, ô tô. Nhà thi đấu thể thao tỉnh có quy mô hơn 2.500 chỗ ngồi, trong khi theo một thành viên BTC, tại giải đấu này chỉ phát ra 200 vé Vip xem toàn giải và một số vé mời từng trận. Như vậy, việc BTC địa phương “kêu” lỗ là điều khó thuyết phục!

Qua tiếp xúc với một số khán giả hâm mộ, đa số đều bày tỏ: giải đấu được Hà Tĩnh đăng cai tổ chức lần này không hiểu theo hình thức phục vụ hay kinh doanh khi các nội dung thi đấu kéo dài, một người muốn đến xem tất cả các trận đấu phải bỏ ra gần 1 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Nguyên (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh) làm nghề lao động phổ thông chia sẻ: “Tôi rất mê bóng chuyền nhưng thu nhập như gia đình tôi nếu bỏ tiền mua vé xem thi đấu thì con tôi phải nhịn đói. Trong khi đó, lương những người làm công tác thể thao và kinh phí đầu tư công trình nhà thi đấu cũng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Giá vé quá cao so với thu nhập của người lao động…”.

Thiết nghĩ, những trăn trở của người hâm mộ cần phải có lời giải của những người làm công tác thể thao tỉnh nhà nhằm gắn lợi ích kinh doanh với công tác phục vụ khán giả trên tinh thần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast