Hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ lên Facebook

Dạo gần đây, trên Facebook bỗng xuất hiện khá nhiều dòng trạng thái với nội dung đại loại như nếu đăng tải bài viết này, bạn sẽ không bị xâm phạm quyền riêng tư. Tuy nhiên, điều này có thật sự chính xác?

Facebook hiện đang là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn hai tỉ người sử dụng, cho phép bạn chia sẻ thông tin và kết nối với bạn bè mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, vấn đề nào cũng luôn có hai mặt, Facebook có thể giúp lan tỏa những thông tin tốt, đồng thời cũng là công cụ để kẻ gian đăng tải các bài viết sai sự thật, vô thưởng vô phạt.

Hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ lên Facebook

Dạo gần đây có khá nhiều người dùng chia sẻ bài viết với nội dung như sau: “Tôi không cho phép Facebook sử dụng hình ảnh, thông tin, tin nhắn hoặc bài viết của tôi trong quá khứ và tương lai. Với tuyên bố này, tôi cấm Facebook tiết lộ thông tin, sao chép, phân phối hoặc thực hiện bất kì hành động nào trên trang cá nhân. Vi phạm quyền riêng tư có thể bị trừng phạt bởi luật pháp (UCC 1-308-11 308-103 và quy định của Rome). Lưu ý: Tất cả các thành viên phải đăng ghi chú này bằng cách sao chép và dán. Nếu không, mặc định Facebook sẽ sử dụng hình ảnh của bạn và thông tin trên trang cá nhân”.

Hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ lên Facebook

Về cơ bản, những bài đăng dạng này vốn đã xuất hiện từ năm 2015 khi có thông tin cho rằng Facebook thu phí người dùng. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn khá nhiều người hồn nhiên tin rằng việc chia sẻ bài viết sẽ giúp họ không bị thu phí cũng như không bị xâm phạm quyền riêng tư.

Thông tin đăng tải trên trang cá nhân vốn chẳng phải là nội dung bảo mật, hơn nữa, Facebook cũng không cần những dữ liệu này trừ khi bạn là người nổi tiếng. Mô hình kinh doanh của Facebook đến từ quảng cáo chứ không đến từ nội dung trên trang cá nhân của người dùng.

Có thể thấy, tình trạng chia sẻ thông tin tràn lan, vô tội vạ và không hề kiểm chứng vẫn tồn tại khá nhiều khiến nạn nhân bị nguy hiểm, thậm chí doanh nghiệp phải đứng trước thềm phá sản. Không chỉ riêng Facebook, YouTube mà còn rất nhiều dịch vụ khác cũng phải đau đầu vì nạn tin giả.

Cách đây không lâu, trên YouTube xuất hiện đoạn video mô tả về cách làm bia Heineken giả, khiến không ít người dùng hoang mang. Tuy nhiên, công ty Heineken Việt Nam cho rằng video này được quay ở Trung Quốc và là sản phẩm chính hãng (nhưng bán vượt ra ngoài thị trường quy định). Nội dung mô tả, phụ đề trên video sai sự thật và gây ra tổn hại rất lớn cho công ty. Mặc dù vậy, cả Facebook và YouTube vẫn không gỡ bỏ nội dung video vi phạm.

Hãy kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ lên Facebook

Mới đây, vụ việc xúc xích Vietfoods bị nghi ngờ có chứa chất sodium nitrate-251 vào hồi năm 2016 lại được "đào mộ", nhiều khả năng nhằm mục đích triệt hạ công ty. Kết quả kiểm tra cho thấy Đội quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã sai sót trong việc kiểm tra, sai phạm về nghiệp vụ và cung cấp thông tin sai lệch cho báo chí khi chưa có kết quả kiểm nghiệm. Điều này đã khiến hàng hóa của Vietfoods bị dồn ứ tại kho. Người dùng tẩy chay và đứng trước nguy cơ phá sản, mặc dù xúc xích của Vietfoods an toàn.

Vụ việc trên đã được một fanpage giả mạo đăng tải lại, gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Hiện bài viết giả mạo này đã có hơn 3.000 lượt chia sẻ và bình luận. Đa số người dùng đều không kiểm chứng thông tin và tag (gắn thẻ) bạn bè vào để cảnh giác, góp phần tiếp tay chia sẻ thông tin sai sự thật. Việc chia sẻ các thông tin sai sự thật sẽ mang tác dụng ngược và hậu quả rất khó lường.

Do đó, trước khi chia sẻ bất kì bài viết nào, bạn hãy kiểm tra lại thông tin trên Google để tránh gây hoang mang. Tất nhiên không một ai muốn News Feed (bảng tin) của mình xuất hiện những bài viết với nội dung ngớ ngẩn, vô thưởng vô phạt và chưa được kiểm chứng.

Nếu cảm thấy hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ bài viết trên kynguyenso.plo.vn cho nhiều người cùng biết.

Theo PLO

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast