Mỗi nửa giây có 1 trẻ em vào thế giới mạng

Đức Giáo hoàng đã phải lên tiếng kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ trẻ em trong thế giới số. Mỗi ngày có 175.000 trẻ em bắt đầu tham gia thế giới mạng.

moi nua giay co 1 tre em vao the gioi mang

Giáo hoàng Francis hiện nay cũng viết Twitter mỗi ngày - Ảnh: REUTERS

Theo trang Vatican News, nhân Ngày An toàn Internet (6-2), Giáo hoàng Francis đã viết dòng Tweet kêu gọi: "Tất cả chúng ta cần chung tay cam kết bảo vệ trẻ em trong thế giới số".

Từ 5 năm qua, vị lãnh đạo Công giáo đã không ngừng đưa ra cảnh báo về những hiểm nguy của trẻ em trong thế giới mạng mênh mông.

Theo Vatican News, 4 mối nguy lớn của thế giới mạng mà trẻ em là những nạn nhân hàng đầu được chỉ rõ là tình trạng tôn trọng cuộc sống riêng tư cá nhân, tình trạng vu khống, nạn tình dục trẻ em và nạn khiêu dâm.

Ngày An toàn Internet ra đời từ năm 2004 nhằm nâng cao ý thức trong việc sử dụng mạng. Trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) mới công bố, hằng ngày, cứ nửa giây lại có thêm một trẻ em lần đầu tiên đến với thế giới mạng, khai thác mọi cơ hội to lớn mà Internet đem lại, song đồng thời cũng phải đối mặt với những nguy cơ nghiêm trọng.

Báo cáo của UNICEF có tên "Tình trạng Trẻ em trên thế giới năm 2017: Trẻ em trong một thế giới số", cho thấy 1/3 số người sử dụng Internet hiện nay là trẻ em, nhưng cộng đồng quốc tế lại có quá ít hành động để bảo vệ các em trước những mối đe dọa của thế giới số.

Trước thực trạng đó, UNICEF kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ trẻ em trước nạn bóc lột tình dục, hăm dọa trên mạng và lạm dụng thông tin cá nhân của trẻ.

Đại diện của UNICEF tại khu vực Thái Bình Dương, ông Sheldon Yett cho biết Internet giúp trẻ em dễ dàng kết nối với những người bạn cùng trang lứa ở khắp nọi nơi trên thế giới và đây chính là công cụ để trao quyền cho trẻ em, giúp các em can dự vào cộng đồng của mình. Tuy nhiên, cũng chính sự kết nối này đặt các em trước nguy cơ bị xâm hại thông tin cá nhân, tiếp cận những nội dung độc hại và bị hăm dọa trên không gian mạng.

Trong khi đó, ông Laurence Chandy - Giám đốc bộ phận Dữ liệu, nghiên cứu và chính sách của UNICEF, cho biết : "Mỗi ngày, hàng ngàn trẻ em lần đầu tham gia vào thế giới số, điều đó khiến các em đối mặt vô vàn mối hiểm nguy mà người lớn chúng ta chỉ mới nhìn nhận chứ chưa có biện pháp chống trả".

Chỉ cần một cú nhấp chuột vào một đường liên kết thì trẻ em, dù ở bất kỳ nơi nào, cũng để lại một dấu vết số, mà ngườ khác có thể theo dõi và khai thác nếu muốn"

Ông Laurence Chandy - Giám đốc bộ phận Dữ liệu, nghiên cứu và chính sách của UNICEF

moi nua giay co 1 tre em vao the gioi mang

Thế giới số đem lại cơ hội tiếp cận kiến thức nhưng kéo theo vô vàn hiểm nguy cho trẻ em - Ảnh: AFP

Theo ông Chandy, mặc dù các chính phủ và khu vực tư nhân đã đạt được một số tiến triển trong việc đề ra những chính sách và chủ trương để xóa sổ những nguy cơ nghiêm trọng nhất từ kết nối trực tuyến, song cần phải có những nỗ lực hơn nữa mới có thể thấu hiểu và bảo vệ đầy đủ đời sống của trẻ em trong không gian mạng.

Hiện UNICEF đang phối hợp với các chính phủ tại khu vực Thái Bình Dương để thực hiện những chương trình an toàn mạng, đặc biệt là ở Tonga và Samoa, đồng thời cung cấp những chỉ dẫn cho các bậc phụ huynh về cách thức bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Báo cáo trên cũng nhấn mạnh tất cả mọi người đều có nghĩa vụ phải bảo vệ trẻ em trong thế giới số, trong đó có các chính phủ, gia đình, trường học và các thể chế khác - và đặc biệt ngành công nghệ và viễn thông có trách nhiệm rất lớn trong việc định hình tác động của công nghệ số đối với con trẻ.

UNICEF kêu gọi sự hợp tác khẩn cấp giữa các chính phủ, xã hội dân sự, các cơ quan LHQ, và quan trọng nhất là khu vực tư nhân, để đặt trẻ em vào trung tâm của chính sách đối với lĩnh vực kỹ thuật số, thông qua việc phối hợp các kế hoạch ứng phó của khu vực, quốc gia và toàn cầu; bảo vệ sự riêng tư cho trẻ em, trao cho trẻ em quyền trên không gian mạng; và tăng cường đầu tư vào việc tạo cơ hội và ngăn chặn rủi ro cho trẻ em trên không gian mạng.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast