Người dùng internet di động 3G, 4G cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng từ sự cố cáp biển APG, IA

Đề cập đến tình huống trong thời gian ngắn các tuyến cáp biển APG, IA, AAE-1 liên tiếp gián đoạn do sự cố, bảo trì, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, có lẽ người dùng Internet qua di động 3G/4G là đối tượng cảm nhận thấy rõ nhất ảnh hưởng.

Người dùng internet di động 3G, 4G cảm nhận rõ nhất ảnh hưởng từ sự cố cáp biển APG, IA

Theo nhận định của đại diện Hiệp hội Internet Việt Nam, những người dùng Internet qua di động 3G/4G, theo ông Bình có lẽ sẽ là những người cảm nhận rõ nhất sự khác biệt khi các tuyến cáp quang biển gặp sự cố (Ảnh minh họa: VietnamPlus.vn)

Theo chia sẻ từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP), trong thời gian ngắn từ tháng 2/2019 đến tháng 4/2019, liên tiếp các tuyến cáp biển quốc tế APG, AAE-1 và IA gặp sự cố hoặc được bảo trì, dẫn tới tổng lưu lượng Internet ra quốc tế đã và sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đặc biệt, trong khi sự cố xảy ra trên nhánh S1.9 của tuyến cáp APG đến ngày 11/4 mới được sửa xong, tuyến cáp IA lại có kế hoạch được bảo trì trong thời gian từ ngày 20/3 đến 20/4/2019. Như vậy, ít nhất trong gần 10 ngày, từ ngày 11/4 đến 20/4, cả 2 tuyến cáp APG và IA sẽ gián đoạn kết nối.

Bình luận về mức độ ảnh hưởng đối với các ISP và người dùng trong tình huống trên, ông Vũ Thế Bình, CEO Công ty NetNam, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, rõ ràng cùng một thời điểm mà nhiều hơn một tuyến cáp không dùng được thì sức ép đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với các nhà mạng là lớn. Những người dùng Internet qua di động 3G/4G, theo ông Bình có lẽ sẽ là những người cảm nhận thấy rõ nhất sự khác biệt khi cáp gặp sự cố.

“Theo quan sát của chúng tôi thì sự cố APG có ảnh hưởng nhiều, nhưng các nhà mạng cũng đã phản ứng kịp thời”, ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết thêm, trong trường hợp bảo trì, bảo dưỡng có kế hoạch, các nhà mạng hoàn toàn chủ động bố trí được lưu lượng thay thế, để không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ chung đối với người sử dụng. Giải pháp của các nhà mạng là tăng lưu lượng qua hướng đất liền và các hướng cáp biển còn lại.

“Chúng tôi cho rằng các nhà mạng sẽ có các giải pháp để dùng lưu lượng dự phòng và mở thêm lưu lượng thay thế cho phần thiếu hụt, đồng thời điều chỉnh để chất lượng không bị ảnh hưởng, hoặc duy trì ở mức chấp nhận được. Những tình huống này các nhà mạng đã xử lý nhiều lần, và theo chúng tôi sẽ không có ảnh hưởng chất lượng ở diện rộng. Có chăng sẽ có sự ảnh hưởng cục bộ về nhóm khách hàng cũng như về thời điểm bị ảnh hưởng”, ông Bình chia sẻ.

Ở góc độ của nhà mạng, đại diện CMC Telecom cũng bày tỏ sự lo lắng khi các tuyến cáp liên tiếp bị gián đoạn kênh truyền. Vị đại diện này cho biết, nếu một tuyến cáp bị sự cố thì chưa ảnh hưởng mạng lưới vì CMC đang chạy trên hơn 5 hướng ra quốc tế. Tuy nhiên, nếu đồng thời 2 - 3 tuyến cáp gặp sự cố, được bảo dưỡng gây gián đoạn kết nối cùng lúc, CMC sẽ phải kích hoạt dung lượng kết nối xuyên Đông Nam Á từ Việt Nam qua Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Siangapore để có dung lượng kết nối Internet. Hạ tầng mạng này tên là A-Grid, được CMC đưa vào sử dụng khi khánh thành cáp đường trục backbone CVCS hồi tháng 12/2017.

“Ngay tuần trước, khi 2 tuyến cáp biển APG, AAE-1 cùng gặp sự cố, CMC đã kích hoạt hàng trăm GB trên hạ tầng mạng này”, đại diện CMC Telecom cho hay.

Với NetNam, người đứng đầu nhà mạng này chia sẻ, NetNam hiện dùng cân đối giữa hướng cáp biển IA, APG và các hướng đất liền. Trong trường hợp các tuyến IA và APG bị sự cố hoặc dừng hoạt động do bảo trì, NetNam chuyển lưu lượng qua hướng đất liền và lưu lượng thay thế qua các tuyến cáp biển khác như AAG.

Liên quan đến tình huống nhiều tuyến cáp biển gặp sự cố cùng lúc, còn nhớ, cách đây 2 năm (tháng 1/2017) - thời điểm cả 3 tuyến cáp biển AAG, APG và IA cùng gặp sự cố , trong trao đổi với ICTnews khi đó, đại diện VIA đã đề xuất: “Về lâu dài Internet Việt Nam nhất thiết phải được bổ sung dung lượng đất liền từ hướng Nam, Tây Nam để vu hồi và/hoặc một số tuyến cáp biển khác”.

Đến nay, theo cập nhật của đại diện VIA, một số nhà mạng Việt Nam đã kết nối qua hướng Tây Nam (đi qua Campuchia) và kết nối vào tuyến AAE-1 từ Campuchia để tới Hong Kong và Singapore, vừa tăng cường dung lượng và chất lượng tới các đích tại châu Âu, vừa thêm phương án dự phòng đến HongKong và Singapore.

Theo ictnews

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast