“Núi cao” đang chờ Đặc phái viên mới tại Syria

Việc khỏa lấp những lỗ hổng chia rẽ cũng như thuyết phục các bên tại Syria ngồi vào bàn đàm phán là một khó khăn lớn hiện nay.

Ngày 10/8, các hãng truyền thông lớn của thế giới đồng loạt trích dẫn nguồn tin từ các nhà ngoại giao giấu tên cho biết, Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab đang xem xét việc bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu người Algeria Lakhdar Brahimi làm Đặc phái viên mới về Syria thay ông Kofi Annan - người vừa đưa ra quyết định từ chức hồi tuần trước vì lý do thiếu sự ủng hộ của quốc tế đối với nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 tháng qua ở Syria.

Syria đang bị tàn phá bởi các cuộc giao tranh giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy (Ảnh: Reuters)
Syria đang bị tàn phá bởi các cuộc giao tranh giữa chính phủ và lực lượng nổi dậy (Ảnh: Reuters)

Đặc phái viên mới và nhiệm vụ cũ

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho biết, ông đã thảo luận với Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Nabil al-Arabi về người thay thế ông Annan để đảm bảo “con đường ngoại giao vẫn được tiếp tục”.

Theo giới ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, người thay thế ông Annan phải là nhân vật có tầm ảnh hưởng cỡ như ông Annan. Trong số những nhân vật có thể thay thế ông Annan được đề cập đến là cựu Ngoại trưởng Tây Ban Nha Miguel Ángel Moratinos, cựu Cao ủy phụ trách Chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Javie Solana. Tuy nhiên, cái tên được nhắc đến nhiều nhất là nhà ngoại giao kỳ cựu người Algeria Lakhdar Brahimi.

Ông Lakhdar Brahimi, 78 tuổi từng đảm nhiệm cương vị Ngoại trưởng Algeria trong khoảng thời gian từ 1991 - 1993. Ông Brahimi cũng được xem là nhân vật đã có đóng góp quan trọng vào việc kết thúc cuộc nội chiến tại Lebanon vào cuối những năm 1980 trong vai trò là Đặc phái viên của Liên đoàn Arab.

Bên cạnh đó, ông Brahimi cũng từng là Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ và sau đó làm Đặc phái viên ở Iraq sau cuộc chiến năm 2003 của liên quân do Mỹ đứng đầu.

Hiện tại, các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được sự nhất trí của các nước có liên quan nhằm bổ nhiệm ông Brahimi đang được tiến hành khẩn trương.

Nếu được bổ nhiệm, ông Brahimi sẽ tiếp tục công việc đang dang dở mà người tiền nhiệm Annan để lại là tìm ra một giải pháp khả thi nhất nhằm đem lại hòa bình cho Syria - đất nước đang chìm trong một cuộc nội chiếm kéo dài suốt 17 tháng qua khiến gần 20.000 người thiệt mạng (theo số liệu thống kê của Liên Hợp Quốc). Tuy nhiên, các nhà phân tích đều thống nhất cho rằng, đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng, nếu không muốn nói rằng đó là “nhiệm vụ bất khả thi” trong thời điểm hiện nay.

Nhà ngoại giao kỳ cựu Lakhdar Brahimi đang được đề cử là Đặc phái viên mới về Syria (Ảnh: AFP)
Nhà ngoại giao kỳ cựu Lakhdar Brahimi đang được đề cử là Đặc phái viên mới về Syria (Ảnh: AFP)

“Núi cao” đang chờ đợi Đặc phái viên mới tại Syria

Khó khăn đầu tiên đối với Đặc phái viên mới là tìm kiếm sự thống nhất trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về một giải pháp cho Syria. Việc Đặc phái viên Kofi Annan từ chức cũng chính bởi không tìm được “sự ủng hộ quốc tế” đối với nỗ lực của ông đưa ra nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 17 tháng qua tại Syria.

Cho đến nay, Nga và Trung Quốc vẫn tiếp tục dùng quyền phủ quyết đối với những Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra với lý do các nghị quyết này gây sức ép buộc ông al-Assad từ chức.

Sự chia rẽ tại Hội đồng Bảo an là khó khăn đầu tiên mà ứng cử viên cho vị trí Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab phải vượt qua, bởi đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho một giải pháp hòa bình tại Syria. Tuy nhiên, vào thời điểm này, việc hoà giải những bất đồng giữa các bên là một việc khó khăn bởi không dễ gì để có được một giải pháp mà không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cả hai phía - ủng hộ và chống chính quyền hiện tại ở Syria.

Lý giải cho những quyết định phủ quyết của mình, Nga và Trung Quốc cho rằng, những Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về Syria là thiếu khách quan, không công bằng khi chỉ quy trách nhiệm cho chính quyền Syria khi để xảy ra cuộc xung đột kéo dài khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng.

Nga và Trung Quốc cũng không muốn lặp lại kịch bản đã từng xảy ra ở Lybia khi Hội đồng Bảo an bỏ phiếu thông qua việc cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Lybia như một động thái ủng hộ cho phe đối lập lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Gaddafi. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa là Nga và Trung Quốc không muốn mất sự ảnh hưởng tại Trung Đông khi chính quyền của Tổng thống al-Assad sụp đổ và một chính quyền thân phương Tây lên nắm quyền tại Syria.

Cho đến nay, Nga vẫn bày tỏ sự ủng hộ việc tìm người thay thế ông Annan tiếp tục con đường ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu. Các thành viên của Hội đồng Bảo an gồm Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan đều nhất trí với quan điểm của Moscow. Tuy nhiên, phía Mỹ lại hoài nghi trước việc tìm người thay thế đặc phái viên Kofi Annan sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ tiếp tục bác bỏ các nghị quyết do Mỹ và phương Tây đề xuất nếu có ý định gạt Tổng thống al-Assad khỏi chính trường Syria hoặc “rắp tâm” can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Obama thay vì ủng hộ cho kế hoạch hòa bình, thì lại tăng cường hỗ trợ cho phe đối lập chống lại ông al-Assad. Người phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ đang hợp tác với các bên, cả Liên Hợp Quốc và các bên được xem là “Những người bạn của Syria” trong nỗ lực chung nhằm gây sức ép lên chính quyền Tổng thống al-Assad.

Thực tế tại Syria với những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và lực lượng đối lập đang cho thấy tình hình đã vượt tầm kiểm soát. Chính quyền của Tổng thống al-Assad đang đẩy mạnh các chiến dịch quân sự, trong đó có việc tập trung lực lượng tại thủ đô Damascus cũng như thành phố lớn nhất là Aleppo nhằm tiêu diệt lực lượng phiến quân. Trong khi đó, lực lượng nổi dậy với sự hậu thuẫn của nước ngoài cũng đang cố gắng mở rộng tầm kiểm soát nhằm đạt được những sự mặc cả có lợi (nếu có) trên bàn cờ chính trị tại Syria.

Sự ra đi của Đặc phái viên Kofi Annan đồng nghĩa với Kế hoạch hòa bình 6 điểm do ông đưa ra sụp đổ và những nỗ lực đem lại hòa bình cho Syria đang đi vào ngõ cụt. Mới đây, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã một lần nữa nhấn mạnh tính nghiêm trọng của tình hình ở Syria, đồng thời cảnh báo về một cuộc nội chiến lâu dài. Ông Ban Ki-moon cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy nỗ lực hợp tác với nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Syria.

Với sự chia rẽ quốc tế như hiện nay, chắc rằng nhiệm vụ sắp tới của Đặc phái viên mới về Syria sẽ không hề dễ dàng và người dân Syria - những người chịu tổn thất nhất trong cuộc nội chiến này, sẽ chưa thấy được bình yên trên mảnh đất của mình./.

Theo vov.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast