Quy tắc ứng xử “mở đường” cho cán bộ, công chức tham gia mạng xã hội

Ở góc độ người đã có hơn 11 năm tham gia các nền tảng trực tuyến kết nối cộng đồng, CEO VINADES Nguyễn Thế Hùng cho rằng, bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội sẽ buộc người dùng có trách nhiệm hơn với thông tin mình chia sẻ.

Người tham gia mạng xã hội sẽ cân nhắc hơn khi “share” thông tin

Là người đã và đang tham gia giảng dạy về Digital Marketing và hay sử dụng mạng xã hội thể hiện quan điểm, đóng góp ý kiến cho các chính sách liên quan đến truyền thông và công nghệ, CEO Công ty cổ phần Phát triển nguồn mở Việt Nam (VINADES) Nguyễn Thế Hùng cho rằng: “ Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội mới được Bộ TT&TT ban hành có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh mạng xã hội ngày càng phát triển rộng rãi, thông tin không được kiểm soát và bất cứ ai cũng có thể đăng tải thông tin lên mạng xã hội như hiện nay”.

Quy tắc ứng xử “mở đường” cho cán bộ, công chức tham gia mạng xã hội

Ngoài tham gia CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) với vai trò Phó Chủ tịch, CEO VINADES Nguyễn Thế Hùng từ năm 2019 đến nay còn làm giảng viên chương trình “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”.

Thông tin sai sự thật, tin giả đang là vấn nạn toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở Việt Nam, tin giả chủ yếu xảy ra trên các nền tảng xuyên biên giới mà nhiều nhất là trên Facebook và YouTube. Thời gian qua, Bộ TT&TT xác định làm sạch không gian mạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã làm rất quyết liệt.

Theo số liệu của Bộ TT&TT, tỷ lệ đáp ứng gỡ bỏ thông tin xấu, độc của Facebook đã tăng từ 10% lên 95% và của YouTube tăng từ 50% lên 90%. Số lượng thông tin xấu, độc được gỡ bỏ của Facebook năm 2020 đã tăng 30 lần so với năm 2017 và số lượng video xấu độc được gỡ bỏ trên YouTube trong năm ngoái cũng tăng 8 lần so với năm 2017. Số trang giả mạo được gỡ bỏ tăng tới 8 lần so với năm 2017.

Việc xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là một trong những biện pháp giúp Việt Nam tạo dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, giải quyết vấn nạn tin giả, tin sai sự thật.

Đánh giá về tác động của Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, ông Nguyễn Thế Hùng nhận định, bộ quy tắc sẽ giúp tăng cường nhận thức của người dùng. Thời gian tới, chắc rằng người dân sẽ cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin lên mạng xã hội.

Nhận định các quy tắc ứng xử đối với cá nhân, tổ chức (Điều 4) chắc chắn sẽ gây bó buộc hơn cho những người tham gia mạng xã hội song ông Nguyễn Thế Hùng cho rằng điều này là cần thiết: “Quy tắc ứng xử sẽ buộc người tham gia mạng xã hội có trách nhiệm hơn với thông tin mình chia sẻ. Điều này là cần thiết để đảm bảo các thông tin xấu, độc, thông tin giả mạo được loại trừ nhanh chóng”.

“Mở đường” cho cơ quan nhà nước chính thức tham gia mạng xã hội

Trao đổi với ICTnews, ông Nguyễn Thế Hùng nêu nhận định Điều 5 và Điều 6 của Bộ quy tắc đã cụ thể hóa các quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, cũng như quy tắc ứng xử của các cơ quan nhà nước trên mạng xã hội.

Nhấn mạnh đây là điểm rất mới, ông Nguyễn Thế Hùng phân tích: Trước đây, nhà nước gần như chưa có quy định chi tiết với các đối tượng trên, mạnh đơn vị nào đơn vị ấy làm, mỗi chỗ quy định một kiểu, nhiều chỗ còn e ngại việc sử dụng mạng xã hội, cấm cán bộ, nhân viên đơn vị mình phát ngôn và thể hiện quan điểm trên mạng xã hội.

“Việc đưa ra các quy tắc ứng xử, theo tôi, cũng đồng nghĩa với mở đường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các cơ quan nhà nước chính thức tham gia mạng xã hội. Tới đây, sẽ có một lực lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước trực tiếp giải quyết những vấn đề mà người dân phản ánh trên mạng xã hội. Tôi hy vọng rằng nhờ thế, các thông tin xấu, độc, thông tin giả trên mạng xã hội sẽ sớm bị phát hiện và loại bỏ”, ông Nguyễn Thế Hùng bình luận.

Quy tắc ứng xử “mở đường” cho cán bộ, công chức tham gia mạng xã hội

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội là lời cảnh báo, nhắc nhở người dùng cũng như nhà cung cấp dịch vụ về các nguyên tắc căn bản cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội.

Đề cập đến khuyến nghị cá nhân nên sử dụng họ tên thật, các tổ chức, cơ quan dùng tên hiệu thật và đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ để xác thực tên hiệu, địa chỉ trang mạng, đầu mối liên hệ khi tham gia, sử dụng mạng xã hội trong Bộ quy tắc, vị CEO VINADES cho rằng khuyến nghị này là phù hợp.

Bởi lẽ Facebook đã có những quy định bắt buộc phải sử dụng tên thật; hay khi có vấn đề với tài khoản, chẳng hạn như có người báo cáo tài khoản giả mạo, người dùng được yêu cầu phải đưa ra các giấy tờ định danh cá nhân như Bằng lái xe hoặc Chứng minh thư/Căn cước công dân để kiểm tra.

Đối với quy tắc ứng xử cho cá nhân, tổ chức (Điều 4) và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội (Điều 7), theo ông Nguyễn Thế Hùng, trước đây đã có các quy định pháp luật và những chế tài xử phạt nếu họ có hành vi sai phạm. Tuy nhiên, việc đưa ra Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vẫn là cần thiết; là lời cảnh báo, nhắc nhở người dùng cũng như nhà cung cấp dịch vụ về những nguyên tắc căn bản cần tuân thủ khi tham gia mạng xã hội.

Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội vừa được Bộ TT&TT ban hành ngày 17/6. Mục đích của việc ban hành bộ quy tắc này là nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cũng hướng tới xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội.

Theo Vân Anh/ictnews

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast