Chiều tối 13/9, Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thám sát khảo cổ tại di tích đình Hội Thống và đền Cả ở xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải đến dự.
Các mẫu hiện vật cổ được phát hiện tại khu vực đình Hội Thống
Thực hiện chương trình hợp tác nghiên cứu khảo cổ học và lịch sử quan hệ Việt Nam - Nhật Bản với Viện Nghiên cứu văn hoá con người - Bộ VHGD Nhật Bản, Trường Đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với các chuyên gia khảo cổ học Nhật Bản và Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành đợt khai quật thám sát khảo cổ học tại khu vực đình Hội Thống và đền Cả thuộc thôn Hội Phụ, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân.
Tiến sĩ Yurihko Kikuchi báo cáo quá trình khai quật
Đoàn khai quật khảo cổ học gồm các chuyên gia khảo cổ học trong và quốc tế, do Tiến sĩ Đặng Hồng Sơn – Phó chủ nhiệm Khoa Sử - Đại học KHXH&NV phụ trách cùng với sự tham gia của Tiến sĩ Yurihko Kikuchi (Viện Nghiên cứu văn hoá con người Bộ VHGD Nhật Bản).
Trong thời gian 9 ngày (4 - 13/9), đoàn đã tiến hành mở 5 hố khai quật thám sát tại 4 vị trí khác nhau thuộc khu vực Cồn Bơi, Đồng Sú, Đầu Cồn và khu vực đình Hội Thống. Trong qua trình khai quật thăm dò, thám sát, các chuyên gia đã phát hiện nhiều hiện vật là đồ gốm, chì lưới đất nung và nhiều mảnh vở sành sứ liên quan đến các nền văn hoá cổ Việt Nam có niên đại vào khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 18; bát gốm men trắng hoa lam Trung Quốc (thế kỷ 16 - 18); mảnh gốm Hizen Nhật Bản (sản xuất vào khoảng nửa sau thế kỷ 17).
Nhiều mảnh gốm sứ Nhật Bản và Trung Quốc được phát hiên tại thương cả cổ Hội Thống
Theo đánh giá sơ bộ của các chuyên gia, các hiện vật gốm sứ và di vật văn hoá cổ có niên đại từ khoảng thế kỷ 13 - 14 cho thấy khu vực Hội Thống là một thương cảng cổ từng có một giai đoạn phát triển mạnh dưới thời Trần. Riêng tại hố thám sát HT.2016.TS4 đã phát hiện nhiều mảnh gốm men thương mại đặc trưng thời Lê Sơ.
Chì lưới đất nung có niên đại từ thời Trần
Đặc biệt, việc phát hiện các mảnh gốm Hizen cho thấy từ khoảng thế kỷ 17 đã có sự xuất hiện thương nhân người Nhật đến buôn bán, giao thương tại khu vực thương cảng cổ Hội Thống. Đây cũng là một trong những di vật bằng chứng vật chất quan trọng cùng với các tư liệu cổ, tư liệu dân gian, gia phả cổ càng cho thấy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản từng được phát triển mạnh ở giai đoàn thế kỷ thứ 17.
Theo TS. Võ Hồng Hải - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, trên cơ sở những hiện vật, di vật cổ được phát lộ trong lần khai quật này, đoàn cần phối hợp với các chuyên gia trong nước và quốc tế tiếp tục tổ chức thám sát, khai quật thăm dò và nghiên cứu, định danh chính xác cứ liệu lịch sử, kịp thời có phương án bảo vệ gìn giữ giá trị tinh hoa văn hoá Hồng Lam mà cha ông để lại.
Tiến sĩ Yurihko Kikuchi
Chuyến khảo sát lần này, chúng tôi đã nhận diện được một số kết quả có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó, nhiều mảnh gốm sứ thời Trần, gốm sứ men hoa Hán cho thấy bến cảng này có từ từ thời Trần, khoảng cuối thế kỷ 16 đã có dân định cư quanh khu thương cảng và đình Hội Thống chắc chắn có từ thế kỷ 17. Đặc biệt, vào khoảng thế kỷ 17, gốm sứ Hizen Nhật Bản do các thương nhân Trung Quốc và Hà Lan mang xuất khẩu ra các nước khu vực Đông Nam Á và mối quan hệ giao thương giữa Nhật bản và Hà Tĩnh đã có từ thế kỷ 17. Trong tương lai, bằng kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học, chúng tôi sẽ xây dựng một lịch sử quan hệ hữu nghị mới giữa Nhật bản và Hà Tĩnh. |