Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh diễn ra sôi động, nguồn cung hàng luôn dồi dào, giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều hệ thống bán lẻ ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước.
Anh Trần Văn Thảo - Giám đốc vùng Miền Trung và Tây Nguyên (quản lý hệ thống cửa hàng Winmart+) cho biết: “Từ đầu năm 2025 đến nay, có thêm 15 cửa hàng Winmart+ tại Hà Tĩnh được khai trương, đưa tổng số trên toàn tỉnh lên 70 cửa hàng, đáp ứng nhu cầu phục vụ hàng hóa cho người dân từ khu vực đô thị đến nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng của hệ thống tăng trưởng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trước những thông tin về hàng giả, hàng nhái trên thị trường thời gian qua, nhiều người tiêu dùng bắt đầu thay đổi thói quen, hướng đến điểm mua sắm hàng hóa an toàn nên lượng khách đến mua sắm tại Winmart+ tăng cao”.
Số liệu từ Sở Công thương cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm đạt hơn 38.323 tỷ đồng, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2024. Trong kỳ, doanh thu nhiều nhóm hàng tăng cao như: lương thực, thực phẩm tăng 17,5%; đồ dùng gia đình tăng 22,6%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 12,71%; may mặc tăng 8,18%; vật phẩm văn hóa giáo dục tăng 5,2%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) tăng 21,8%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 12,6%...
Cùng với hoạt động bán lẻ, các hoạt động du lịch, dịch vụ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Hoạt động du lịch trở thành điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội nửa đầu năm. Công tác xúc tiến, quảng bá giới thiệu thế mạnh, tiềm năng, thu hút đầu tư phát triển du lịch địa phương được đẩy mạnh, khách du lịch đến với Hà Tĩnh ngày một đông. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh đã đón hơn 3,7 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024; doanh thu du lịch lữ hành đạt hơn 54 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, nhu cầu du lịch của người dân tăng cao vào các ngày nghỉ lễ, nhất là du lịch biển mùa nắng nóng đã góp phần đưa các dịch vụ ăn uống, lưu trú sôi động, doanh thu hoạt động khách sạn, nhà hàng tăng cao. Được biết, trong 6 tháng, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trên địa bàn tỉnh đạt hơn 4.530 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bà Lê Thị Duân - chủ nhà hàng Hòa Duân (xã Lộc Hà) cho hay: “Từ khoảng tháng 4 trở đi, lượng khách về du lịch, tắm biển tại bãi tắm Xuân Hải đông đúc. Nhờ đó, khách hàng sử dụng dịch vụ ăn uống tại nhà hàng cũng tăng mạnh, hoạt động kinh doanh của nhà hàng thuận lợi hơn. Có những thời điểm trong dịp lễ hoặc cuối tuần, lượng khách quá tải, nhà hàng phải tăng nhân viên lên gấp 2 lần để phục vụ”.
Trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu ngành vận tải và kho bãi đạt gần 4.718 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này phản ánh xu hướng tích cực của thị trường trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại tiếp tục gia tăng. Theo phân tích của Chi cục Thống kê tỉnh, trong quý I, nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao vào thời điểm trước và sau tết Nguyên đán; quý II/2025, vận tải hành khách tăng mạnh khi hoạt động đi lại, tham quan du lịch của người dân tăng, góp phần thúc đẩy doanh thu lĩnh vực này. Vận tải hàng hóa cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ như hoạt động xây dựng phát triển kéo theo nhu cầu vận chuyển vật liệu tăng; hoạt động logistics, giao nhận hàng hóa thương mại điện tử sôi động, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.
Các hoạt động thương mại, du lịch, vận tải, logistics… trong 6 tháng đầu năm tạo sức bật ấn tượng, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn tỉnh, góp phần đưa Hà Tĩnh thuộc nhóm 30 địa phương (tính theo 63 tỉnh, thành cũ) có mức tăng trưởng GRDP trên 8%.
Ông Nguyễn Trung Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thống kê tỉnh cho biết: “Khu vực dịch vụ chiếm 38,48% trong cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, tăng 1,13 % so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch, thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của Hà Tĩnh tăng 8,16% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực dịch vụ đóng góp 2,87 điểm %, đứng thứ 2 sau khu vực công nghiệp - xây dựng”.
Để thực hiện mục tiêu GRDP đạt trên 8% trong năm 2025, khu vực dịch vụ được kỳ vọng tăng trưởng 7,5%, đóng góp 2,5 điểm % vào tổng mức tăng trưởng của tỉnh. Với con số đạt được tích cực trong nửa đầu năm, đây là “đòn bẩy”, động lực quan trọng để tạo đà cho Hà Tĩnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng.
Về dư địa của khu vực dịch vụ trong nửa cuối năm 2025, theo dự báo của Chi cục Thống kê tỉnh, dù không có các yếu tố tạo đột biến, song khu vực này sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhờ vào sự ổn định của nền kinh tế và sự phát triển bền vững của hạ tầng thương mại. Những tháng cuối năm, nhu cầu mua sắm thường có xu hướng tăng và nhiều chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức sẽ tác động tích cực đến hoạt động thương mại. Ngành vận tải cũng được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm 2025, đặc biệt trong bối cảnh tiêu dùng phục hồi, sản xuất mở rộng và du lịch được kích cầu mạnh hơn.
Theo Sở Công thương, mục tiêu năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 80.615 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với năm 2024; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm 2024. Để phát triển lĩnh vực thương mại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đơn vị sẽ tiếp tục tập trung những giải pháp trọng tâm như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn các chính sách của tỉnh về phát triển xuất khẩu, dịch vụ logistics và ứng dụng chuyển đổi số; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa; phát triển hạ tầng thương mại, tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, chợ, trung tâm logistics để hỗ trợ lưu thông hàng hóa; tập trung cải cách hành chính lĩnh vực thương mại…