Cảnh báo xuất hiện vắc-xin dịch tả lợn châu Phi giả

Khi tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp thì đã xuất hiện vắc xin ngừa dịch tả heo châu Phi giả.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, hiện nay vẫn chưa có vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi và các nhà khoa học vẫn đang cố gắng nghiên cứu, bào chế. "Tuy nhiên, xin cảnh báo đã xuất hiện vắc xin giả, ví dụ như một số nơi bán cho người nông dân, đây là một sự lừa đảo rất độc ác”, bà Lan nhấn mạnh.

Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đồng thời còn cung cấp hình ảnh loại vắc xin giả nói trên. Theo hình ảnh bà Phạm Khánh Phong Lan cung cấp, lọ vắc xin giả được thiết kế khá chuyên nghiệp, trên lọ có ghi rõ thành phần, đường dùng, cách dùng và liều dùng cụ thể.

Mỗi lọ vắc xin như vậy có dung lượng 100ml, đặc biệt trên thân lọ có ghi dòng chữ "Sản phẩm nghiên cứu".

Cảnh báo xuất hiện vắc-xin dịch tả lợn châu Phi giả

Hình ảnh về lọ vắc xin dịch tả lợn châu Phi giả được bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cung cấp

Qua trao đổi, một số địa phương cho biết trên địa bàn chưa có trường hợp nào báo tin sử dụng phải vắc xin dịch tả lợn châu Phi giả. Theo ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, qua thông tin trên mạng, Chi cục đã nắm được thông tin và hình ảnh về loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi giả.

"Trên lọ loại vắc xin giả đó nêu rõ hàm lượng, lứa tuổi lợn sử dụng, liều lượng bao nhiêu... Nhưng đó là thông tin trên mạng, còn trên địa bàn tỉnh Bình Dương chúng tôi chưa nghe hộ dân hay cơ sở chăn nuôi nào phản ánh mua phải loại vắc xin giả này", ông Trần Phú Cường cho biết.

Tuy nhiên, trước thông tin về loại vắc xin dịch tả lợn châu Phi giả này, Chi cục đã chia sẻ thông tin cho các huyện, các trưởng trạm chăn nuôi biết để cảnh báo đến người dân.

"Người dân đừng tin vào những lời đồn đại trên mạng xã hội mà hoang mang. Nếu tin tưởng tuyệt đối vào loại vắc xin giả đó thì rất dễ sơ hở, lơ là việc phòng bệnh bằng cách chăn nuôi an toàn", Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trần Phú Cường, vắc xin dịch tả lợn châu Phi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu và việc sản xuất loại vắc xin này là một quá trình cam go, phức tạp, không như các loại vắc xin khác. "Chẳng hạn như vắc xin lợn tai xanh, khi xảy ra đại dịch, Trung Quốc đã lấy chủng virus thực địa để nghiên cứu và sản xuất được. TUy nhiên, vắc xin dịch tả lợn châu Phi thì rất phức tạp, có nhiều serotype, do đó không biết đối với ổ dịch này thì xảy ra loại serotype nào, ổ dịch khác loại sero type nào. Không thể sản xuất được loại vắc xin có nhiều serotype, điều ấy rất khó", ông Trần Phú Cường chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tôn Yên, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Long và ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên Huế đều khẳng định chưa nghe thông tin gì về loại vắc xin giả này.

"Dịch tả lợn châu Phi tại Huế diễn ra trên diện rộng, nhỏ lẻ nên nếu có vắc xin giả sẽ phát hiện ngay, bên thú y báo liền. Tuy nhiên, nếu có loại vắc xin giả này thì rất nguy hiểm, phải xử lý ngay", ông Nguyễn Văn Hưng nói.

Theo thống kê sơ bộ, tính đến nay cả nước đã có 54 tỉnh, thành phố có dịch tả lợn châu Phi.

Cảnh báo xuất hiện vắc-xin dịch tả lợn châu Phi giả
Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast