Đưa hàng Việt về nông thôn: Yếu từ kênh phân phối!

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn do Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện tổ chức đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, đưa hàng Việt đến gần hơn với bà con nông dân. Tuy nhiên, để hàng Việt có thể trụ vững tại thị trường tiềm năng này là cả một chặng đường gian nan đối với doanh nghiệp (DN) cũng như các ngành chức năng.

Những tín hiệu vui

Thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từ đầu năm đến nay, Sở Công thương phối hợp với Công ty TNHH TM&DV Sài Gòn Hà Tĩnh - Siêu thị Co.opmart tổ chức 44 chuyến hàng Việt về các xã trên địa bàn huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Đức Thọ, Can Lộc. Các phiên chợ thu hút đông đảo bà con nhân dân đến tham quan, mua sắm.

Đưa hàng Việt về nông thôn: Yếu từ kênh phân phối! ảnh 1

Cần có thêm nhiều hơn nữa các phiên chợ hàng Việt về nông thôn. (Ảnh minh họa từ Internet)

Anh Trần Văn Đại, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Can Lộc cho biết, thời gian qua, Siêu thị Co.opmart tổ chức 4 chuyến hàng về một số xã trong huyện và đã nhận được sự hưởng ứng của người dân. Trong 3 nhóm hàng siêu thị đưa về thì nhóm hàng thực phẩm và mỹ phẩm thu hút sự quan tâm của bà con nhất vì giá cả hợp lý.

Chị Hoàng Thị Lan (xã Tân Lộc - Lộc Hà) chia sẻ: “Mỗi lần có chuyến hàng Việt về, chúng tôi háo hức lắm, bởi các sản phẩm của Việt Nam chất lượng, mẫu mã đẹp và quan trọng nhất là an toàn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Toàn, người bán hàng thực phẩm ở chợ Nghèn (Can Lộc), hiện nay, người dân thích dùng các loại thực phẩm sản xuất trong nước như: mỳ tôm, nước mắm, bánh kẹo, nước giải khát... vì chất lượng tốt, giá cả lại ổn định.

Các chuyến hàng Việt về nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các sản phẩm trong nước với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, góp phần bình ổn thị trường. Qua đó, các DN có điều kiện nghiên cứu nhu cầu, khả năng tiêu dùng của người dân địa phương, từ đó có phương án điều chỉnh sản xuất và tổ chức kênh phân phối phù hợp với thị trường nông thôn.

Doanh nghiệp chưa mặn mà

Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, nhưng nhìn một cách tổng thể, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn ở Hà Tĩnh vẫn chưa mang lại hiệu quả bền vững. Ông Trần Nhật Tân - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết: “Thời gian qua, mặc dù người tiêu dùng đã có sự ưu tiên cho hàng Việt, song trên thực tế, tại các chợ địa phương vẫn còn các sản phẩm ngoại nhập mà chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc. Nguyên nhân chính là do các sản phẩm đó tương đối đa dạng về mẫu mã, chủng loại; giá thấp hơn mặc dù chất lượng không đảm bảo”.

Ông Trần Nhật Tân cho biết thêm: “Một bộ phận người dân vẫn còn chuộng hàng ngoại do thiếu thông tin về sản phẩm Việt và chưa tin cậy vào chất lượng sản phẩm trong nước. Một số cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, quản lý chợ, an toàn vệ sinh thực phẩm... tạo kẽ hở cho hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, kém chất lượng tồn tại trên địa bàn”.

Qua khảo sát thực tế tại một số chợ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: chợ Bộng (Vũ Quang); chợ Huyện, Eo (Lộc Hà); chợ Nhe, Nghèn (Can Lộc)... cho thấy các sản phẩm hàng Việt Nam có thương hiệu bày bán rất ít. Trong khi đó, hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc lại rất đa dạng về chủng loại, bày bán phổ biến và được nhiều người tiêu dùng chọn lựa. Chị Nguyễn Thị Thanh, người bán hàng gia dụng, công nghệ tại chợ Huyện (Lộc Hà) cho biết: “Đối với những mặt hàng như nồi cơm điện, quạt điện, ấm điện, khách hàng không quan tâm nhiều đến xuất xứ mà thường là giá cả. Phần lớn bà con nông dân đời sống còn khó khăn nên loại nào rẻ, phù hợp với túi tiền là mua”.

DN có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Trong ảnh: Siêu thị Co.op mart Hà Tĩnh đưa hàng về phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa

DN có vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa hàng Việt về nông thôn. Trong ảnh: Siêu thị Co.op mart Hà Tĩnh đưa hàng về phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa

Có thể khẳng định, hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn muốn bền vững thì vai trò của DN hết sức quan trọng. Để giúp các DN tham gia chương trình, thời gian qua, Sở Công thương đã thực hiện tốt các chính sách khuyến khích như: hỗ trợ DN nâng cao năng lực sản xuất từ các nguồn quỹ khuyến công, hỗ trợ đào tạo, tư vấn nghiệp vụ kinh doanh, kỹ năng bán hàng… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về phân phối hàng hóa, xây dựng thương hiệu, kết nối cung - cầu... Tuy nhiên, đến nay, chỉ có duy nhất Công ty TNHH TM&DV Sài Gòn Hà Tĩnh - Siêu thị Co.opmart tham gia chương trình, các DN khác vẫn đang đứng ngoài cuộc.

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối sản phẩm Việt về vùng nông thôn cũng bộc lộ nhiều yếu kém. Đến nay, chưa có DN nào xây dựng được kênh phân phối sản phẩm ổn định, chuyên nghiệp tại các vùng nông thôn dù thị trường này có nhiều tiềm năng. Hầu hết các chuyến hàng khi về các xã đều diễn ra trong một thời gian rất ngắn và không cố định nên các sản phẩm nhanh chóng bị người tiêu dùng quên lãng. Vì vậy, nghịch cảnh hàng Việt “thua trên sân nhà” lại tiếp diễn. Anh Trần Văn Đại cho rằng: “Các chuyến hàng Việt về vùng nông thôn của DN nặng về quảng bá nên không thể làm thường xuyên. Nếu muốn thay đổi nhận thức của người dân trong tiêu dùng thì cần có những điểm bán cố định”.

Tuy nhiên, hầu hết DN lại chưa mặn mà với việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm cũng như hệ thống bán lẻ tại các vùng nông thôn. Nguyên nhân được cho là do thị trường nông thôn phân tán, sức mua thấp, trong khi đó xây dựng mạng lưới phân phối lại rất tốn kém, chi phí vận chuyển cao… Ngoài ra, việc phối kết hợp tổ chức bán hàng Việt giữa DN và địa phương còn thiếu đồng bộ nên hiệu quả không cao.

Vì vậy, về lâu dài, để hàng Việt có thể trụ vững ở khu vực nông thôn, các ngành chức năng cần có sự hỗ trợ dài hơi, tích cực để DN thiết lập kênh phân phối sản phẩm ổn định tại các địa phương, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Cùng với đó, DN cần tăng cường đầu tư cải tiến công nghệ, mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm; ưu tiên sản xuất những mặt hàng phù hợp với người dân nông thôn, tạo thói quen dùng hàng Việt trong đời sống hàng ngày.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast