Thuyền viên vụ chìm tàu ở Hà Tĩnh chia sẻ giây phút thoát chết trong gang tấc

(Baohatinh.vn) - Ngay khi trở về đoàn tụ cùng gia đình ở thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc (Lộc Hà), hai anh em ruột là những thuyền viên may mắn vừa thoát nạn trên tàu Thành Công 999 đã chia sẻ với PV Báo Hà Tĩnh về phút giây thoát chết trong gang tấc.

Anh Trần Văn Hùng (1984) và Trần Quang Hải (1987) trú ở thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh là 2 trong số 12 người may mắn thoát nạn khi tàu Thành Công 999 bị chìm.

Tọa độ xác định tàu Thành Công 999 bị chìm

Anh Trần Văn Hùng, 1 trong 2 thuyền phó của tàu Thành Công 999, cho biết : “Lúc đó khoảng 11h 30’ ngày 31/10, tôi đang làm nhiệm vụ quản lý chung phần mũi của tàu thì thấy sóng vỗ mạnh đập bung cả mạn tàu, nước tràn vào khoang ngày càng nhiều khiến tàu nghiêng lệch một bên. Lúc đầu nghiêng khoảng 15 độ rồi tàu nghiêng dần. Tôi vội dừng việc và chạy xuống ca bin xem xét tình hình”.

Ngôi nhà của hai anh em anh Trần Văn Hùng và anh Trần Quang Hải tại Hồng Lộc, Lộc Hà

Thời điểm đó, anh Trần Quang Hải (em trai anh Hùng) đang cùng các đồng nghiệp làm việc trong khoang máy phía dưới tàu.

Anh Hải, cho hay: “Tôi và các thợ máy đang làm việc thì thấy nước tràn vào nhà kho, tàu nghiêng hẳn sang bên trái. Chúng tôi vội bơm nước ra ngoài, nhưng nước vào mỗi lúc một nhiều, ngập lút lên đến 1 rồi 2m. Nhận được lệnh từ chỉ huy ra lệnh bỏ tàu, mọi người mới vội vàng leo lên boong. Chỉ khoảng 2-3 phút, khi chúng tôi vừa mặc xong áo phao thì tàu bắt đầu chìm. Mọi người chỉ kịp ôm phao nhảy xuống biển”.

Theo lời anh Hùng và anh Hải, lúc đó khoảng 12h ngày 31/10/2019. Tàu Thành Công 999 thuộc Công ty TNHH vận tải biển Trung Kiên (Hải Phòng) bị chìm tại vị trí 180 07”44 vĩ độ Bắc; 1060 29” 13 kinh độ Đông, cách đảo Sơn Dương khoảng 4 hải lý.

Anh Trần Quang Hải (áo trắng) cùng mẹ và anh trai Trần Văn Hùng

Anh Hùng cho biết, lúc nhảy xuống biển, đội thủy thủ chia làm 3 nhóm: nhóm thứ nhất bè phao 7 người, nhóm thứ 2 bè phao 3 người, nhóm còn lại gồm anh Hùng, anh Hải và 1 người nữa, mỗi người một phao.

Vào khoảng thời gian ấy sóng cao khoảng 2-3 m nhưng một lúc sau thì gió mạnh lên, sóng mỗi lúc một cao như những tòa nhà đổ ập xuống nhanh chóng đẩy mỗi người mỗi ngã. Biển động mạnh, các tàu thuyền đánh cá không ra khơi, nhiều tàu chở hàng khác cũng không hoạt động, vị trí tàu chìm lại nằm ngoài phao số 0, nên mặc dù trước lúc bị chìm, tàu đã phát tín hiệu cấp cứu nhưng các thuyền viên nghĩ mình khó lòng sống sót.

Anh Trần Quang Hải kể lại: “Lúc ôm phao chìm trong sóng biển, tôi chỉ nghĩ đến mẹ và những người trong gia đình. Tôi không ngừng cầu nguyện tổ tiên, ông bà cứu giúp. Tôi cứ mải miết khấn cầu cho đến lúc tàu cảnh sát biển xuất hiện, tôi đã bật khóc”.

Anh Trần Văn Hùng cùng vợ và con trai

Được biết, sau gần 5 giờ đồng hồ ngâm mình trong nước biển, anh Trần Quang Hải là người đầu tiên được tàu Cảnh sát biển khu vực 1 và Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng - Sơn Dương phát hiện và cứu giúp. Ngay sau khi thoát nạn, dù lạnh và rất đói nhưng anh Hải đã cố gắng thông báo tình hình cho đội giải cứu để tìm các nạn nhân khác.

Còn anh Trần Văn Hùng, người được giải cứu cuối cùng nhớ lại khoảnh khắc sinh tử: “Tôi cố bám víu lấy chiếc phao nhỏ (trên thuyền chỉ có 12 chiếc phao lớn và 1 phao nhỏ, nên anh Hùng đã nhường cho em trai chiếc phao lớn) nương theo những con sóng cao chừng 6-7m. Trời cứ thế tối dần, mưa lớn mịt mùng.

Tôi chắc chắn mình sẽ chết. Lúc đó tôi lấy dây phao cố buộc mình lại để ngày hôm sau nếu đội tìm kiếm đến sẽ dễ nhìn thấy xác tôi. Thế rồi trong mặt biển tối mịt đó, tôi nhìn thấy đèn của một chiếc tàu chở dầu. Nhìn tín hiệu đèn, tôi biết họ đã phát hiện ra tôi. Tôi dùng hết sức để bơi đến nhưng sóng quá to khiến tôi không thể tiếp cận. Mãi đến 19h, tức là 2 tiếng sau, tàu cảnh sát biển mới tiếp cận được tôi. Dù gần như kiệt sức nhưng cuối cùng tôi cũng bám được phao của các anh thả xuống”.

Biết tin anh Hùng và anh Hải thoát nạn trở về, bà con lối xóm đến động viên, thăm hỏi

Được biết, vị trí anh Trần Văn Hùng được cứu có khoảng cách tính từ tàu bị chìm khoảng 10 hải lý (gần 19 km) ở phía ngoài khơi.

Chị Trịnh Thị Ngọc (vợ anh Hùng) cho hay: “Khoảng 15 h30’ ngày 31/10, tôi nhận được điện thoại của một người em trong làng đang làm việc ở cảng Vũng Áng báo tin, tàu của chồng tôi bị chìm. Lúc đó chân tay tôi bủn rủn, tôi nói có thông tin gì em nói cho chị chứ chị không đủ sức để lên mạng nữa. Ôm chặt con vào lòng, tôi cố gắng nín khóc để mẹ chồng không phát hiện ra. Tôi cầm điện thoại ngóng tin từ đứa em từng giây. Đến lúc có tin em chồng và 10 người khác được cứu còn chồng tôi vẫn chưa tìm thấy thì tôi hết hi vọng. Nhưng rồi may mắn đã đến. Gia đình tôi vô cùng biết ơn các lực lượng chức năng và Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh”.

Chiều 1/11, ngay lúc biết tin anh Hùng và anh Hải thoát nạn trở về nhà, bà con lối xóm và chính quyền xã Hồng Lộc (Lộc Hà) đã đến động viên và thăm hỏi gia đình hai anh. Hiện tại sức khỏe và tinh thần các anh đã dần bình phục. Anh Trần Văn Hùng và Trần Quang Hải cho biết sau khi ổn định sẽ tiếp tục trở lại với công việc lái tàu của mình.

Như Báo Hà Tĩnh đã đưa tin,vào lúc 11h 40’ ngày 31/10/2019 tàu Thành Công 999 thuộc Công ty TNHH vận tải Trung Kiên (Hải Phòng) trên đường vận chuyển bột đá phục vụ cho nhà máy thép ở cảng Vũng Áng từ Thanh Hóa đến Kỳ Anh (Hà Tĩnh), đến vị trí 180 07”44 vĩ độ Bắc; 1060 29” 13 kinh độ Đông, cách đảo Sơn Dương (Kỳ Anh) khoảng 4 hải lý, thì gặp sự cố và bị chìm.

Ngay sau khi nhận được tín hiệu cấp cứu, Cảnh sát biển khu vực 3, Bộ đội Biên phòng Cửa khẩu Cảng Vũng Áng Sơn Dương và các lực lượng chức năng đã kịp thời ứng cứu. Đến 19h cùng ngày, lực lượng chức năng đã cứu được 12 thuyền viên. Hiện 1 thuyền viên bị mất tích chưa tìm thấy. Trong số 13 thuyền viên trên tàu có 2 người Hà Tĩnh, đó là anh Trần Văn Hùng và Trần Quang Hải ở xã Hồng Lộc (Lộc Hà).

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói