Trung Quốc vẫn tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới - Ảnh: Reuters.
Các nhà sản xuất bánh bao đông lạnh ở Trung Quốc đã tìm ra một cách mới để thu hút khách hàng: tăng lượng rau và giảm lượng thịt trong nhân bánh.
Theo hãng tin Reuters, đây là một sự thay đổi lớn so với loại bánh bao truyền thống sử dụng nhiều thịt lợn. Loại bánh mới ngay lập tức gây ấn tượng với những khách hàng trẻ, bận rộn ở các thành phố, những người đang cố gắng giảm hàm lượng chất béo trong chế độ ăn.
“Họ cố gắng ăn những thức ăn lành mạnh hơn mỗi tuần một lần hoặc vào buổi tối. Đây là một xu hướng của người tiêu dùng ở Trung Quốc đại lục, nhất là những người trong độ tuổi 20-35”, ông Ellis Wang, Giám đốc marketing ở Thượng Hải của công ty thực phẩm Mỹ General Mills, nhận định.
Thịt chạm trần...
Đối với các trang trại nuôi lợn ở Trung Quốc và nước ngoài, đây là một tin xấu. Các nhà sản xuất và các chuyên gia thị trường vốn dự báo thị trường thịt lợn Trung Quốc sẽ tăng trưởng cho tới ít nhất năm 2026.
Các trang trại lợn ở Trung Quốc đang xây dựng thêm nhiều chuồng trại mới với hy vọng sẽ giành một thị phần lớn hơn trên thị trường thịt lợn lớn nhất thế giới. Trong khi đó, các nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới đang thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng cả tiêu chuẩn của Trung Quốc. Chẳng hạn, một số nước đã dừng sử dụng những loại hormon tăng trưởng bị cấm ở Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn tiêu thụ nhiều thịt lợn hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Theo dự báo, người Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 74 triệu tấn thịt lợn, bò và gia cầm trong năm nay, nhiều gấp đôi so với Mỹ - theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Hơn một nửa lượng thịt này là thịt lợn, và các nhà sản xuất thịt lợn nước ngoài vẫn xem Trung Quốc là một thị trường tăng trưởng lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm thịt đóng gói kiểu phương Tây.
Tuy nhiên, nhu cầu thịt lợn của Trung Quốc đã chạm trần, sớm hơn nhiều so với các dự báo chính thức. Lượng tiêu thụ đã giảm liên tục trong 3 năm qua, theo số liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor. Năm ngoái, mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc chạm đáy 3 năm, còn 40,85 triệu tấn, so với mức 42,49 triệu tấn vào năm 2014. Euromonitor dự báo con số này sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2017.
Từ tháng 1 đến nay, giá thịt lợn ở Trung Quốc đã giảm khoảng 25%, cho dù số liệu chính thức cho thấy nguồn cung giảm so với năm ngoái.
...thì rau lên ngôi
Từ khi Trung Quốc bắt đầu mở cửa vào cuối thập niên 1970, nhu cầu thịt lợn của nước này tăng trung bình 5,7% mỗi năm, cho tới tận năm 2014. Nhưng giờ đây, những nỗi lo về bệnh béo phì và bệnh tim mạnh đã khiến nhiều người Trung Quốc thay đổi thói quen ăn uống.
“Nhu cầu thị trường còn yếu. Tôi cho rằng nhân tố dẫn đến tình trạng này là mọi người tin rằng ăn ít thịt đi là lành mạnh hơn. Đây là một xu hướng mới”, ông Pan Chenjun, Giám đốc phụ trách nghiên cứu thị trường lương thực và nông nghiệp tại Rabobank ở Hồng Kông, phát biểu.
Doanh thu thị trường bánh bao nhân toàn rau ở Trung Quốc tăng 30% trong năm ngoái, so với mức tăng chỉ 7% đối với doanh thu tất cả các loại bánh bao đông lạnh, theo Nielsen.
“Nhu cầu đối với các sản phẩm rau tiếp tục tăng, mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho chúng tôi”, ông Zhou Wei, Giám đốc sản phẩm tại Synear Food, công ty sản xuất bánh bao lớn thứ nhì Trung Quốc, nói.
Công ty Harmony Cartering cho biết vấn đề sức khỏe là lý do chính khiến họ giảm lượng thịt trong các bữa ăn mà công ty phục vụ cho khoảng 1 triệu người lao động tại 300 nhà ăn công ty mỗi ngày.
Hiện nay, nhân viên tại các công ty công nghệ, ngân hàng, và dầu khí mà Harmony phục vụ ăn thịt ít đi 10% so với cách đây 5 năm, trong khi lượng rau xanh tăng khoảng 10%.
“Chủ yếu là do báo chí. Khái niệm ăn uống lành mạnh đã xâm nhập vào ý thức của người dân”, ông Li Huang, Phó chủ tịch Harmony nói.