Đoàn đại biểu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh ở TP Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát phong trào của các địa phương, cơ sở. Đối với Hà Tĩnh, Người đã dành cho Đảng bộ và Nhân dân những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Vinh dự vô cùng to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, vào ngày 15/6/1957, Người đã về thăm, nói chuyện với các đại biểu, cán bộ, đảng viên, ĐVTN, bộ đội và các tầng lớp nhân dân. |
Trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931), Người đã có báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản và nhiều bài viết biểu dương tinh thần dũng cảm, khí thế sôi sục cách mạng của quần chúng, đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng bộ Hà Tĩnh để hướng dẫn, định hướng phong trào đi đúng mục tiêu, đồng thời kêu gọi bạn bè năm châu ủng hộ Xô viết Nghệ - Tĩnh.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và kiến thiết nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần gửi thư, điện khen Nhân dân Hà Tĩnh về thành tích đi đầu phong trào “Bình dân học vụ”, kiểu mẫu trong phong trào “Thi đua ái quốc”; biểu dương những tấm gương anh hùng của con em Hà Tĩnh như: Thanh niên - Anh hùng Lý Tự Trọng “Người đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản nước ta, người cộng sản oanh liệt đã đấu tranh đến hơi thở cuối cùng cho Đảng, cho sự nghiệp cách mạng”; liệt sỹ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai trong chiến dịch Điện Biên Phủ; thanh niên xung phong Trịnh Văn Huyền “siêng năng, có nhiều sáng kiến, gan dạ, đoàn kết trong công tác”; chiến sỹ diệt dốt Trần Nghệ “người đã tự mình phấn đấu thoát nạn mù chữ, lại mở lớp dạy cho nhiều người biết chữ”; đồng chí Thân, một cán bộ làm tốt công tác vận động quần chúng…
Đặc biệt, ngày 30/12/1949, Người đã ký lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh vì đã có thành tích “là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thanh toán nạn mù chữ trên phạm vi toàn tỉnh”, phần thưởng đặc biệt cao quý thời điểm lúc bấy giờ.
Tháng 7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi. Miền Bắc được giải phóng và bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và từng bước phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Trong thời kỳ hoàn thành giảm tô và cải cách ruộng đất (1954-1956), Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả quan trọng như giải phóng cho hàng vạn nông dân thoát khỏi áp bức bóc lột, xóa bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, mở đường cho quan hệ sản xuất mới phát triển, góp phần khôi phục và phát triển KT-XH. Nhưng do thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn; quá trình thực hiện công cuộc cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức lại phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng trên nhiều mặt.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 (khóa II) của Đảng, để “kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức...”, Đảng bộ Hà Tĩnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp tiến hành sửa sai, củng cố tổ chức trong toàn tỉnh, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh theo dõi, chỉ đạo thường xuyên.
Ghi nhận những nỗ lực và chia sẻ những khó khăn của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Hà Tĩnh (*). Chuyến thăm và làm việc của Bác Hồ tuy diễn ra trong thời gian ngắn nhưng đã để lại những ấn tượng sâu sắc đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.
Biên soạn theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(Còn nữa)
________
(*) Ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về quê hương lần đầu tiên sau bao nhiêu năm xa cách, nhưng Người lại vào thăm Hà Tĩnh trước, bởi Hà Tĩnh là địa phương bị hậu quả nặng nề của lũ lụt, sai lầm của cải cách ruộng đất...