Tội ác không thể biện minh...

(Baohatinh.vn) - Gần đây, có không ít bà mẹ trẻ tự thấy bế tắc trong cuộc sống đã đi tìm lối thoát cho bản thân. Đau lòng hơn, họ mang theo con và bắt những đứa trẻ phải từ bỏ cuộc sống. Dư luận có thể thông cảm cho sự bế tắc của người mẹ nhưng hành vi ép con cùng chết thì không lời nào có thể biện minh.

Tháng 9/2017, dư luận bàng hoàng vì liên tục xảy ra các vụ mẹ ép con cùng tự tử. Đầu tháng, tại một nhà nghỉ ở khu đô thị Bắc Linh Đàm (Hà Nội), nhân viên nhà nghỉ phát hiện một phụ nữ cùng 2 con thuê phòng đã tử vong. Nạn nhân là một bà mẹ trẻ sinh năm 1988 cùng hai con, một cháu 7 tuổi và 1 cháu 5 tuổi.

Sau đó khoảng 1 tuần, một vụ việc đau lòng khiến dư luận xã hội xôn xao khi TAND TP.HCM đã tuyên phạt một phụ nữ 29 tuổi mức án 10 năm tù về tội giết người mà nạn nhân chính là con gái 6 tuổi. 2 năm trước, buồn phiền chuyện chồng không quan tâm, lại nợ nần, người phụ nữ này đã nảy sinh ý định tự tử cùng con gái bằng cách mua thuốc trừ sâu, ép con uống trước, sau đó uống phần còn lại. Hậu quả, bé gái đã tử vong còn người mẹ được cấp cứu thoát chết.

Tiếp đó ít ngày, một người phụ nữ ở Diễn Châu, Nghệ An đang mang thai 2 tháng đã ôm 2 con nhỏ nhảy sông tự tử. Theo điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành động này của người mẹ trẻ là do vợ chồng có mâu thuẫn trong cuộc sống.

Người dân thôn Trung Hà, xã Kỳ Lâm bàng hoàng trước cái chết của chị C. và con trai

Gần đây lại liên tiếp xảy ra các vụ việc tương tự. Ngày 20/10, tại xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh), người dân thôn Minh Châu hết sức bàng hoàng khi chứng kiến 4 người trong một gia đình cùng thắt cổ tự tử. Theo bức thư để lại của người mẹ thì do không chịu được áp lực của dự luận trước việc chồng chị lấy cắp điện thoại của một người trong Quảng Bình bị công an truy tố nên đã quyết định giải thoát. Điều xót xa là, vì chọn lối thoát tiêu cực này nên cả 2 vợ chồng đã cướp đi mạng sống của chính 2 đứa con ruột thịt của mình, một bé 6 tuổi và một bé 4 tuổi.

Sau đó ít ngày, cũng tại huyện Kỳ Anh, chị N.T.C ở thôn Trung Hà, xã Kỳ Lâm đã cùng con thắt cổ tự tử. Theo bức thư mà chị để lại thì do ân hận về việc chị đã làm con bị bỏng khiến con đau đớn nên đã chọn “lối thoát” này.

Trong các vụ việc xót xa trên, mỗi người mỗi hoàn cảnh, có người đã thiệt mạng, có người được cấp cứu kịp thời nên đã thoát chết. Tuy nhiên, dự luận về những câu chuyện này sẽ không bao giờ kết thúc.

Ngôi nhà có 4 người trong gia đình cùng thắt cổ tự tử ở xã Kỳ Hợp (Kỳ Anh)

Dư luận vẫn yêu cầu tòa án lương tâm xét xử những phụ nữ như thế. Nhiều người cho rằng, những người mẹ yếu ớt, không hoàn thiện, không đủ mạnh mẽ đương đầu với các vấn đề của cuộc sống thì họ thường chọn “lối thoát” một cách tiêu cực. Tuy nhiên, dù gì, họ cũng không có quyền cướp đi cuộc sống của con cái. Không ai có thể đồng tình và thông cảm cho hành vi ép con cùng chết, không lời nào có thể biện minh cho hành động này. Đứa bé vô tội phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ, nó không có khả năng tự vệ, không có khả năng chống cự. Những người xa lạ chứng kiến còn xót xa, thì thử hỏi gia đình của những đứa trẻ còn đau đớn đến chừng nào?

Lý giải về vấn đề này, tiến sỹ Khuất Thu Hồng – chuyên gia xã hội học cho rằng, nhìn từ góc độ tâm lý học có nhiều cách để lý giải. Thường thì những người mẹ này do rơi vào tâm lý bế tắc, không tìm được sự chia sẻ, hỗ trợ từ người thân và người xung quanh. Về hành vi ép con tự tử cùng, có 2 cách lý giải, một là người mẹ nghĩ rằng chỉ có mình là yêu thương và quan tâm con nhất, sợ khi mình chết đi con sẽ khổ nên để con chết cùng. Một lý do khác, tàn nhẫn hơn, độc ác hơn đó là để trả thù người thân, gieo sự đau đớn, ám ảnh vào người thân từ cái chết của con trẻ.

Cuộc sống luôn có lối thoát, vì vậy khi gặp bế tắc, người mẹ nên tìm người để chia sẻ, hỗ trợ, nếu không có chuyên gia tâm lý thì tìm người thân, những người hiểu mình và biết chia sẻ, có lối sống tích cực. Ảnh internet

Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa để dẫn đến những vụ việc hết sức bàng hàng và đau lòng này là do người mẹ thiếu kỹ năng để đối mặt với các vấn đề trong cuộc sống. Vì vậy, theo chuyên gia xã hội học Khuất Thu Hồng, để giảm dần và không còn phải chứng kiến những cái chết quá xót xa của những người mẹ cùng những đứa con, cần quan tâm nhất là trang bị kỹ năng sống cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ, đồng thời nên xây dựng và nhân rộng các mô hình, dịch vụ hỗ trợ những người có vấn đề về tâm lý.

Ngày nay, thông tin phát triển, khả năng giao tiếp rộng thì càng có thêm nhiều giải pháp để thoát ra khỏi trạng thái tâm lý bế tắc. Mỗi người nên rộng mở lòng mình, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, sinh hoạt tập thể hoặc thể thao lành mạnh, trò chuyện với bạn bè… Trong môi trường sống cởi mở và lành mạnh, những cú sốc tinh thần sẽ được sẻ chia, những suy nghĩ tiêu cực sẽ được đẩy lùi.

Ngành công tác xã hội đang phát triển hiện nay sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc giải tỏa tâm lý, tinh thần để giúp những người yếu thế vươn lên. Các địa phương, các tổ chức xã hội nên đào tạo và mở rộng các cơ sở phục hồi tâm lý, đặc biệt là cho phụ nữ khi bị trầm cảm, khủng hoảng, giảm thiểu nạn tự tử. Mặt khác, các tổ chức chính trị xã hội, tổ dân phố, tổ liên gia cần quan tâm sâu sát hơn nữa đến đời sống người dân, đặc biệt là các gia đình đang xảy ra những biến cố, từ đó kịp thời nhận biết và có sự can thiệp, hỗ trợ, động viên.

Tự tử chính là một sự sai lệch chuẩn mực xã hội. Tự tử mà ép con cùng chết lại là tội ác cần được lên án và ngăn chặn kịp thời. Thiết nghĩ, cả cộng đồng cần giang rộng vòng tay bằng sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời để ngăn chặn tội ác "một phần đáng thương, ngàn lần đáng trách" này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói