Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - uy tín của người nâng tầm uy tín Đảng

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới, chi phối đến từng gia đình, có lẽ, chỉ có Việt Nam - một dân tộc trải qua bao đau thương, mất mát, trân quý tình người mới sinh thành nên một con người lỗi lạc như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phẩm chất cá nhân và tính chân lí của con đường mà đồng chí đã kiên định suốt sự nghiệp vẻ vang mãi là lựa chọn “không thể đảo ngược”, được xây đắp vững chắc từ đường lối lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là từ niềm tin yêu của toàn thể nhân dân.

Phẩm chất sáng ngời, giản dị đến kiệt xuất

Ngay khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng, trong tôi bỗng nhớ tới câu nói của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Bác nói: “Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc”(1). Bác cũng nói: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức”(2)... Quả vậy, Nhân dân Việt Nam với truyền thống “trọng tình”, cố kết nhau trong nghĩa đồng bào nên tự lòng mình suy tôn những lãnh đạo gần gũi với Nhân dân trong cả cách sống và lời ăn tiếng nói, đề cao đạo đức, suốt đời cống hiến hết mình cho dân, cho nước.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tham-gia-dinh-thuong-binh-dinh-phi.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gia đình thương binh Đinh Phi, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở làng Tung Ke 2, xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, chiều 12/4/2017. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN).

Chính bởi vậy, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mẫu mực liêm chính, trọng dân, lời của Người ai ai cũng dễ hiểu, dễ nhớ. Sức sống trường tồn của hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt hành trình cách mạng Việt Nam đã thấp thoáng trong phong cách của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước từ trước tới nay, mà trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hiện thân kiệt xuất đương thời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của Nhân dân và là vị tổng chỉ huy trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, gian khổ, được Nhân dân hết mực đồng tình, ủng hộ.

tv.jpg
Coi trọng danh dự là một trong những phẩm chất nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là nhân cách của bậc sĩ phu chân chính để làm nên nghiệp lớn. (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm hỏi bà con nhân dân ở thôn Tân Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà vào ngày 22/4/22016).

Giữa thời đại đầy rẫy giá trị vật chất, thật khó có thể tìm thấy một vị đứng đầu Đảng, Nhà nước lại giản dị như thường dân. Vẫn biết, quân tử từ xưa tới nay đều xem nhẹ vật chất, đều hiểu rằng, chẳng vật chất nào tồn tại mãi. Nhưng, nhận thức là một chuyện, hành động là chuyện khác, ngay cả thời phong kiến. Bởi vậy, trên thực tế, chỉ những cá nhân có phẩm chất vô song, hiểu lẽ được mất, mới kiên định tới mức xuất chúng về giữ gìn phẩm giá giữa vô vàn cám dỗ kim tiền.

Đông đảo người dân xếp hàng dài viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê hương Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội), sáng 25/7.

Đông đảo người dân xếp hàng dài viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê hương Lại Đà (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội), sáng 25/7.

Sức ảnh hưởng của nhân cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sống dậy triết lí của cha ông, cũng là triết lí của nhân loại về các giá trị tinh thần. Các bậc hiền triết xưa, bất luận theo triết thuyết nào, tôn giáo nào cũng đề cao giá trị tinh thần vượt thắng lên hiện hữu vật chất.

Phải từ rất lâu lắm rồi, chỉ đến lúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trút hơi thở cuối cùng, câu nói những tưởng chỉ thuộc về một thời trong “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky, bỗng dưng sống lại trên toàn thể đất nước: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần”. Người ta cảm phục Tổng Bí thư bởi đồng chí đã sống như thế, sống như lời ông nói trước Đảng, trước dân, không màu mè, sáo rỗng.

ttt.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, danh dự là một phẩm chất cao quý nhất của một con người. Nó không thể đo đếm hay mua được bằng vật chất...

Điều đặc biệt, toàn dân Việt Nam nhắc câu nói ấy, dĩ nhiên đâu chỉ nhớ một người, mà lớn hơn, trong sâu thẳm là niềm tự hào, đề cao phẩm giá tinh thần của dân tộc - một dân tộc trọng đạo đức, đề cao tình thương nên kiên cường và chí tình, chí nghĩa. Chỉ có một dân tộc đề cao phẩm giá tinh thần, đề cao “cái cao cả” của phẩm giá mới trường tồn qua thời gian dẫu phải đối mặt suốt hàng thế kỷ với giặc ngoại xâm hung bạo. Chỉ có một dân tộc như thế mới làm nên một đất nước Việt Nam mà ở xã, phường, thị trấn nào cũng có tượng đài liệt sĩ (ngoại trừ xã Tân Trào).

Bao máu xương đã đổ xuống là vì đâu? Nếu chẳng phải là vì dải đất này và nếu chẳng phải là đánh đổi cho những giá trị Việt Nam trở nên trường tồn, vĩnh cửu. Đó là phẩm giá mà dân tộc Việt Nam tự tin, tự cường, là “căn cước” để vươn ra với thế giới, hội nhập với thế giới, đồng thời gửi gắm tới thế giới bất toàn hiện nay (dịch bệnh, chiến tranh, các mặt phản nhân đạo của trí tuệ nhân tạo…) những giá trị thông điệp của tình bằng hữu, của tình người. Chính bởi vậy, biết bao kiều bào Việt Nam, kể cả những bậc đại trí thức rất thành danh ở nước ngoài, thậm chí đã trải qua hoạn nạn đao binh vẫn luôn đầy tự hào về phẩm giá: Mình là người Việt Nam, là người con của quốc gia tình thương như tên một cuốn sách của cháu nội cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập - Hà Huy Thanh: “Việt Nam, quốc gia của tình thương”.

Sự tiếp nối tất yếu trong Đảng, trong Nhân dân

Với triết lí sâu sắc về tồn tại, Phật giáo khẳng định một cách chắc chắn rằng, khi một người qua đời, họ sẽ tiếp nối đến biết bao người khác còn tại thế. Một con người mất đi là chỉ mất đi về hình tướng nhưng hành động của họ, lời nói của họ, suy nghĩ của họ (thân - khẩu - ý) vẫn còn tiếp nối đến những người còn sống như: đồng chí, anh em, học trò, con cháu… Đó là một sự thực không thể nào phủ nhận, dù cách thức biểu hiện có thể nhìn bề ngoài khác nhau.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tặng hoa chúc mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.

Với tính biện chứng ấy, toàn Đảng, toàn dân một lòng tin tưởng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sống mãi trong mỗi trái tim, trong tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Việt Nam. Tổng Bí thư đã để lại cho Đảng ta, Nhân dân ta một di sản tinh thần quý giá và phong phú để cho mỗi hành động, việc làm, suy nghĩ, đặc biệt là của mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự nhắc mình, đó cũng là “làm theo” lẽ phải của làm người.

Trong Thông báo đặc biệt Lễ tang đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: “Gần 60 năm công tác, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta và gia quyến đồng chí”.

ag.webp
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 25/7/2024.

Với những khẳng định quan trọng ấy và tính biện chứng không gì phủ nhận được, chúng ta tự hào về những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được toàn Đảng, toàn quân, đặc biệt là toàn dân ta khắc ghi sâu sắc, từ đó chuyển hóa bằng hành động vì dân, vì nước, lấy đại cục làm trọng, nâng cao vị thế nước nhà.

Trong bài viết rất quan trọng ngay sau khi trái tim của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngừng đập, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam bày tỏ: “Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kiên định vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng; kiên định độc lập dân tộc và CNXH; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, xây dựng Đảng ta và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 khi Đảng ta tròn 100 năm thành lập, tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2045, hoàn thành mục tiêu 100 năm thành lập nước, đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN”.

ttxvn-tong-bi-thu-6737-6675.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh lưu niệm sau buổi hội đàm ngày 13/12/2023. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Không chỉ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đảng viên và Nhân dân Việt Nam mà các chính trị gia, các học giả nước ngoài cũng đầy niềm tin vào sự kế thừa, phát triển những giá trị tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giáo sư Hứa Lợi Bình - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu chiến lược toàn cầu và châu Á - Thái Bình Dương (CASS), Viện Khoa học xã hội Trung Quốc khẳng định: “Tinh thần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại di sản chính trị rất phong phú cho Việt Nam và thậm chí cả quốc tế, mà các thế hệ kế tục sẽ tiếp tục đưa Việt Nam phát triển không ngừng, trở thành một cường quốc XHCN; tiếp tục thúc đẩy sự nghiệp đổi mới và mở cửa lên một tầm cao mới”(3).

Screenshot 2024-07-25 at 22-54-58 Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Tuổi Trẻ Online.png
Phu nhân Tổng Bí thư Lào Naly Sisoulith bật khóc và ôm bà Ngô Thị Mận - phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại lễ viếng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đặc biệt hơn, không chỉ khẳng định sự lớn mạnh của Việt Nam, các nước cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với chính sách ngoại giao của Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Hãng AP viết: “Quốc gia Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã theo đuổi chính sách “ngoại giao cây tre”, một ẩn dụ mà ông vẫn sử dụng để ví von nền ngoại giao Việt Nam với gốc chắc, thân vững, cành uyển chuyển; kiên quyết nhưng mềm dẻo, không dễ dàng bị bẻ gãy trước những cơn gió ngược của địa chính trị”(4).

Ha Tinh 222.jpg
Đoàn đại biểu tỉnh Hà Tĩnh viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chiều 25/7/2024. Ảnh: TTXVN

Sức mạnh của Nhân dân là sức mạnh có thể đẩy thuyền đi. Lòng tin tưởng, gửi gắm của Nhân dân, nhờ vậy luôn có tác dụng điều chỉnh cán bộ. Nhân dân ta với một lòng nồng nàn yêu nước luôn nhận thức sâu sắc về được mất của chiến tranh - hòa bình, của bất ổn - ổn định, của sự so sánh địa chính trị nước ta với các nước trên thế giới. Bởi vậy, luôn trân quý những phẩm giá cao quý của các bậc tiên liệt, các vị lãnh tụ cách mạng trọn đời vì dân, vì nước. Với sức mạnh từ Nhân dân và niềm tin trong đội ngũ cán bộ, chúng ta tự hào vào sự tiếp nối tuyệt đẹp phẩm giá người cộng sản liêm khiết và cứng rắn Nguyễn Phú Trọng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, từ đó cụ thể thành các quyết sách lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước ta vững vàng trong đối nội, mềm dẻo trong đối ngoại, hướng tới đất nước phát triển nhanh, bền vững.

______

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr. 113.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, trang 16.

3. “Học giả Trung Quốc nêu bật vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, https://www.vietnamplus.vn/hoc-gia-trung-quoc-neu-bat-vai-tro-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-post965962.vnp.

4. “Báo chí quốc tế ca ngợi di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, https://daibieunhandan.vn /theo-dong- su-kien/bao-chi-quoc-te-ca-ngoi-di-san-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-i381602

Chủ đề Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đọc thêm

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Tổng kết công tác báo chí và trao Giải Búa liềm vàng năm 2024

Sáng 19/12, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác báo chí năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 và trao giải Búa Liềm vàng cấp tỉnh lần thứ XII – năm 2024.
Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Hương Sơn tinh gọn được 13 tổ chức cơ sở đảng

Từ năm 2017 đến nay, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã rà soát, sắp xếp lại các tổ chức cơ sở đảng, bố trí cán bộ kiêm nhiệm phù hợp với năng lực của từng người nên tạo được sự đồng thuận cao.
Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Hà Tĩnh chú trọng việc tiếp xúc, đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân

Thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh, thời gian qua, các cấp ở Hà Tĩnh đã thường xuyên quan tâm công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, đặc biệt là công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với Nhân dân.
60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm giữ trọn lời thề sắt son với Đảng

60 năm qua, vợ chồng đảng viên lão thành Nguyễn Hồng Tiến và Nguyễn Thị Nhung ở phường Kỳ Trinh (TX Kỳ Anh - Hà Tĩnh) luôn một lòng sắt son với Đảng, gương mẫu trong mọi phong trào, hoạt động của địa phương.
Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và một số nội dung gợi ý, định hướng để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.