Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Khi virus vào cơ thể, chúng chạy đua với thời gian để xâm nhập tế bào và tàn phá. Hệ miễn dịch chúng ta cũng “không nể nang chút nào” với virus.

Để tiếp tục tồn tại trong cơ thể người, virus buộc phải “nhanh chân”. Vì cơ thể người không ngồi yên.

“Hàng phòng ngự” của chúng ta, tức hệ miễn dịch, đã dàn sẵn đội hình tiếp đón mọi kẻ xâm lược.

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch vô cùng tàn khốc, tế bào xung quanh bị “vạ lây”. Đồ họa: South China Morning Post .

Tấn công tổng lực

Virus SARS-CoV-2 đang gây đại dịch hiện nay cũng vậy. Khi hệ thống cảnh báo của cơ thể cảm nhận sự có mặt của virus, hệ miễn dịch sau hàng triệu năm tiến hóa, sẽ “tấn công tổng lực”, dẫn đầu là các tế bào lympho T.

Hệ miễn dịch là lý do loài người tồn tại đến ngày nay. Khi phát hiện ra mối đe dọa dựa vào vô số hóa chất “tuần tra” khắp cơ thể, hệ miễn dịch sẽ truy lùng quyết liệt kẻ xâm lược.

Những trận chiến đó có thể vô cùng tàn khốc, mọi thứ xung quanh sẽ bị phá hủy. Cũng giống nhưng phim về chiến tranh, mọi thứ bị thiêu rụi. Chỉ có điều đối với virus, chiến trường bị thiêu rụi đó lại là cơ thể chúng ta.

Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống dịch.

Hệ miễn dịch không “nể nang” chút nào. Khi phát hiện ra tế bào nào bị nhiễm virus, bị virus biến thành nơi để sinh sôi, hệ miễn dịch sẽ “tóm” lấy tế bào đó, và bắn dữ dội các phân tử xuyên vào trong, giết chết tế bào và mọi thứ bên trong.

Trước cuộc chiến tàn khốc, virus đã tìm cách xâm nhập được vào cơ thể, lẻn qua các “lá chắn”, như chất dịch nhày ở mũi và họng, và truy lùng các tế bào mà chúng có thể “trưng dụng” - như cách diễn viên “trưng dụng” xe cộ trong phim hành động.

Đồng thời chúng tìm cách ngụy trang, né hệ miễn dịch - cuộc chơi “trốn tìm” có thể gây chết người.

Cuộc khiêu vũ kỳ lạ

Gene Olinger, nhà miễn dịch học tại viện khoa học MRIGlobal ở Mỹ , ví những giờ đầu tiên mầm bệnh xâm nhập cơ thể như cuộc “khiêu vũ giữa hệ miễn dịch và virus”.

Virus dùng nhiều chiêu để tránh né mọi “tai mắt” của hệ miễn dịch trên khắp cơ thể.

Sau đó, sẽ là cuộc “chạy đua vũ trang” giữa virus và hệ miễn dịch, theo lời giáo sư Marjolein Kikkert từ trung tâm y tế của Đại học Leiden ở Hà Lan.

“Tất cả virus, bao gồm virus lần này (SARS-CoV-2), có nhiều cách để ‘luồn lách’ hoặc vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch... có một cuộc chạy đua vũ trang, nhất là lúc đầu, khi virus cố gắng dập tắt những phản ứng đầu tiên”, bà Kikkert nói với South China Morning Post .

Trận chiến về cơ bản là vậy. Nhưng vì virus SARS-CoV-2 là virus corona chủng mới, các nhà khoa học chưa có đủ thời gian nghiên cứu, hiểu rõ trận chiến đó diễn ra chính xác như thế nào.

Vẫn chưa rõ vì sao một số người khỏe mạnh nhiễm Covid-19 lại có triệu chứng nặng, trong khi những người khác không bị nặng.

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Một mẫu vắc-xin đang thử nghiệm chống virus corona mới được đưa trở lại tủ đông. Ảnh: AP .

Dựa vào các nghiên cứu trước đây

Những phỏng đoán của các nhà khoa học về SARS-CoV-2 dựa vào những nghiên cứu trước đây về phản ứng của hệ miễn dịch đối với các chủng virus corona có liên quan, như MERS hay SARS, cũng như những ghi nhận lâm sàng trong hồ sơ các bệnh nhân Covid-19.

Dựa vào những điều đó, có thể thấy “mọi phần của hệ miễn dịch tham gia vào việc chống lại virus này”, theo Stanley Perlman, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Iowa.

Hệ miễn dịch của cơ thể có thể rất quyết liệt và áp đảo, và trận chiến chống virus có thể rất tàn khốc, khiến cơ thể bị tàn phá tới mức tử vong, theo các nhà nghiên cứu.

Cụ thể, phổi, chính là nơi SARS-CoV-2 tấn công, là chiến trường “rất mong manh” trong cơ thể.

Đặc biệt, khi chống lại virus chưa từng gặp, chưa biết rõ, hệ miễn dịch sẽ còn quyết liệt gấp bội, làm cho nhiều tế bào, mô xung quanh bị “vạ lây”.

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống virus. Ảnh: AFP .

Đội hình bảo vệ

Khi hệ thống cảnh báo sớm của cơ thể mới phát hiện SARS-CoV-2, cơ thể sản sinh ra các “protein báo động” để cảnh báo với các tế bào xung quanh về sự xuất hiện của virus, và cũng “kích hoạt” nhiều phân tử miễn dịch.

Ngay lúc đó, virus vẫn gấp rút xâm nhập, tấn công thêm nhiều tế bào.

Phổi trở thành chiến trường, và sưng lên vì sự kéo đến đồng loạt của các tế bào miễn dịch, các phân tử, cũng như chất dịch cần thiết để các tế bào, phân tử này di chuyển.

Sau đó, các tế bào lympho T kéo đến, đi sâu vào niêm mạc của phổi để săn tìm và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus.

Khi tế bào lympho T tìm thấy tế bào nhiễm virus, chúng sẽ “bám chặt và bắn các phân tử xuyên qua tế bào, giết chết tế bào”, ông Olinger nói.

Các kháng thể, là các protein hình chữ Y, cũng kéo đến. Những phân tử này bao quanh virus, dập tắt các protein gai bên ngoài của virus mà virus dùng để bám vào tế bào khỏe mạnh.

Tiếp đến là sự yểm trợ của các tế bào bạch cầu lớn hơn, gọi là “đại thực bào” (macrophage), tới càn quét, “nuốt chửng” các xác virus chết thành các cụm. Như vậy, trận chiến càng diễn ra, các tế bào chết dính vào nhau thành những cụm lớn ở trong phổi.

“(Các cụm đó) sẽ chặn đường thở, giảm lượng oxy”, Ashley St John, giáo sư tại trường y Duke-NUS tại Singapore , nhà nghiên cứu bệnh học, nói.

Các cụm xác tế bào này càng khiến phổi phải “căng mình”. “Các mô phổi cần phải dãn nở để lấp đầy oxy, nhưng giờ lại đầy tế bào miễn dịch và các chất dịch... có thể khiến người bệnh không thở đủ oxy”, bà nói.

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Chưa tìm hiểu được ngọn ngành trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch, việc tìm ra vắcxin có thể gặp trở ngại. Ảnh: AFP.

Hệ miễn dịch bị đánh lừa có thể gây tử vong

Ở một số bệnh nhân, nếu đã đến giai đoạn này mà hồi phục được, phổi của họ vẫn có thể khôi phục. Nhưng một số bệnh nhân khác, phổi sẽ bị phá hủy vĩnh viễn.

Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy 80% số ca Covid-19 là nhẹ hoặc trung bình, 14% là nặng, còn lại 6% là nguy kịch - tức suy hô hấp, sốc nhiễm trùng máu, hay suy nội tạng.

Trên toàn cầu, khoảng 3,4% người nhiễm Covid-19 tử vong, theo ước tính của WHO, dù tỷ lệ này sẽ thay đổi khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến.

Các chuyên gia cho biết cách thức chính xác mà SARS-CoV-2 gây hại trong cơ thể đang được nghiên cứu, nhưng rõ ràng là căn bệnh gây hại nhất đối với người cao tuổi và người có miễn dịch yếu. Hơn 20% số ca bệnh trên 80 tuổi nhiều khả năng sẽ tử vong.

Tỷ lệ tử vong đối với những người có bệnh tuần hoàn, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính gấp đôi tỷ lệ tử vong trung bình, theo thống kê từ WHO công bố cuối tháng 2.

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona

Các nhà khoa học tại phòng lab Đại học VirPath ở Lyon, Pháp , đang nghiên cứu cách điều trị virus corona. Ảnh: AFP .

Một số nhà nghiên cứu còn nêu giả thuyết trong giai đoạn “trốn tìm” ban đầu, virus cản phá các phản ứng đầu tiên của hệ miễn dịch bằng cách nhân bản quá nhanh để hệ miễn dịch không theo kịp, hoặc làm rối loại cơ chế tự điều tiết của hệ miễn dịch.

Có bằng chứng cho thấy điều đó có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức, khiến mô bị viêm. Nhiều loại tế bào sẽ kéo đến phổi để chống virus, nhưng không phải đúng những loại tế bào cần thiết, thành ra “lợi bất cập hại”, theo ông Olinger.

“Phổi là nơi tệ nhất để (hệ miễn dịch) mắc những sai lầm đó. Những tế bào (miễn dịch) kéo đến để giết, để bao vây, để kiểm soát viêm nhiễm... nếu quá nhiều có thể gây hại cho chính phổi. Tế bào phổi mất đi khả năng vận chuyển oxy có thể khiến các tế bào chết”.

Và điều này có thể dẫn đến tử vong, theo các nhà nghiên cứu. Nếu đúng vậy, chính hệ miễn dịch, chứ không phải bản thân virus, là thủ phạm gây hại cho phổi, khiến các tế bào trong cơ thể thiếu oxy.

Tìm hiểu tận gốc “trận chiến” giữa virus và hệ miễn dịch là điều khó, nếu không quan sát cách mỗi bên vận hành trên các tế bào và trên động vật.

Chưa tìm hiểu được ngọn ngành trận chiến đó, việc tìm ra vắcxin phòng SARS-CoV-2 có thể gặp trở ngại. “Làm sao chế được vắcxin hiệu quả nếu bạn không biết cơ chế nào để bảo vệ người bệnh cho tốt”, giáo sư Stanley Perlman nói.

Theo Zing

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.