Từ khi ở xã có sân bóng mới, các em nhỏ chăm chỉ tập luyện hơn
Ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân – Hà Tĩnh), sân bóng cỏ nhân tạo đầu tiên vừa mới xuất hiện hơn 1 tháng nay. Mỗi buổi chiều tối, các em nhỏ trên địa bàn xã lại tới đây đá bóng. Những cậu bé trước giờ chỉ chạy theo trái bóng ở sân đất, người nhỏ thó, đen nhẻm nhưng nhanh nhẹn, lém lỉnh tỏ ra hứng thú với loại hình sân mới này. Khi được hỏi thích đá sân nhân tạo hay sân đất hơn, các em cùng nói to: “Dạ sân nhân tạo”.
Vừa tập chơi bóng với các bạn trong sân ra, em Trần Trọng Hùng (12 tuổi, thôn 4 – xã Cổ Đạm) tươi cười: “Trước đây em chỉ đá bóng ở sân đất trong xóm, gần đây mới được đá ở sân cỏ nhân tạo. Hồi trước chỉ ở thị trấn, thành phố mới có sân kiểu này. Đá ở đây êm hơn, dễ chạy hơn nên thích hơn sân đất. Bọn em đi tập không mất tiền sân nên chiều sân rảnh là em ra đây tập với các bạn”.
Những cậu bé miền quê với suy nghĩ sân bóng nhân tạo chỉ có ở vùng thành thị vui mừng khi được đá bóng miễn phí ở loại sân này ngay xã mình.
Anh Phan Đình Minh Đức – chủ sân bóng ở xã Cổ Đạm cho biết đã đầu tư khoảng 3,6 tỷ đồng xây dựng 3 sân bóng đá mini đầu tiên ở xã. Số tiền đầu tư không nhỏ nên khi bắt đầu, anh cũng lo lắng, vì sân thu phí không phải là loại hình phổ biến ở vùng quê. Thế nhưng, khi đi vào hoạt động, sân đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người trong xã và các xã lân cận, có cả trẻ nhỏ, thanh niên và phụ nữ trung niên.
Theo anh Đức, sân miễn phí cho các em nhỏ đến đá và tập nên chiều nào cũng có khoảng 20 em đến tập luyện. Buổi tối còn có cả phụ huynh đưa các em nhỏ đến. Sắp tới, anh dự định sẽ mở lớp đào tạo bóng đá trẻ cộng đồng để tập luyện cho các em, góp phần đưa phong trào bóng đá ở địa phương phát triển.
Trẻ em hào hứng...
Ở sân bóng nhân tạo Khánh An (xã Xuân Liên - Nghi Xuân) cũng thu hút nhiều trẻ em đến tập luyện vào cuối giờ chiều mỗi ngày. Anh Hồ Văn Định - chủ sân cho biết, sân được xây dựng cách đây gần 2 năm. Trong những giờ nếu không có người thuê đá thì cho trẻ em trong vùng lân cận vào tập bóng.
...và hăng say tập luyện bóng đá ở sân cỏ nhân tạo.
Em Trương Minh Nhật (8 tuổi, thôn Ngư Tịnh - Cương Gián - Nghi Xuân) tập bóng ở sân Khánh An, chia sẻ: "Từ khi đến đây tập bóng, em chăm đi hơn. Hồi đầu mới vô đá, chưa quen thấy lạ chân, đá lâu quen rồi thì thích hơn vì ở đây sạch sẽ”.
Nhiều phụ huynh đưa các em nhỏ tới sân và xem các em tập luyện.
Nhờ có sân bóng đá nhân tạo, nhiều giải bóng tự phát giữa những người chơi môn thể thao này thường xuyên được tổ chức hơn, trẻ em cũng hứng thú tập luyện. Có thể thấy, sự xuất hiện ngày càng nhiều sân bóng đá mini cỏ nhân tạo ở các miền quê là tín hiệu tích cực, góp phần thúc đẩy phong trào thể thao ở vùng nông thôn đi lên.